ClockThứ Bảy, 21/05/2022 13:30

Tận dụng lợi thế, tạo sức cạnh tranh cho các ngành kinh tế

TTH - Trong cấu trúc các ngành kinh tế của tỉnh thiếu vắng các ngành có khả năng tạo ra nhiều việc làm với năng suất cao. Riêng với ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Việc cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh là bài toán quan trọng và cấp thiết.

Tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp nông thônThu hút đầu tư vào du lịch, cơ chế & còn hơn thế nữa - kỳ 3: Làm mới môi trường đầu tư, tạo sức bật cho điểm đến

Đa dạng hóa các ngành kinh tế sẽ tạo điều kiện về việc làm cho người lao động

“Vòng xoáy” của ngành kinh tế mũi nhọn

Tại một hội nghị mới đây, nhận diện về sự phát triển kinh tế của tỉnh, TS. Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, vấn đề trọng tâm của tỉnh đó là cần làm rõ mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Qua đó, phân tích và đánh giá động lực tăng trưởng hiện tại và tương lai, đặc biệt cần làm rõ vai trò của dịch vụ và du lịch như một mũi nhọn tăng trưởng. Xác định vai trò động lực của công nghiệp chế biến – chế tạo; kinh tế biển, đầm phá…

Ý kiến của TS. Vũ Thành Tự Anh đáng lưu tâm khi các giá trị di sản hiện chưa chuyển hóa một cách hiệu quả thành các nguồn lợi về kinh tế, trong khi đó việc bảo tồn ở một mức độ nhất định lại đang kìm hãm các cơ hội phát triển kinh tế và không gian đô thị. Yêu cầu của công tác bảo tồn đặt ra các hạn chế về không gian phát triển cho tổ chức các hoạt động du lịch, trong đó đặc biệt là nguồn cung cơ sở lưu trú. Nguồn cung thấp khiến chi phí tổ chức tour tăng lên do không tạo ra được lợi thế về quy mô, từ đó hình thành một xu hướng là du khách sẽ lưu trú ở địa phương khác (Đà Nẵng, Hội An) và chỉ đến Huế để tham quan di sản. Điều đó làm suy giảm nhu cầu với các dịch vụ của hệ sinh thái ngành du lịch của địa phương bao gồm ăn uống, vui chơi, giải trí, mua sắm. Số lượng và chất lượng các dịch vụ ngành du lịch suy giảm sẽ dẫn tới hệ quả là thời gian lưu trú của du khách đến Huế càng bị rút ngắn, làm gia tăng số lượt khách du lịch tham quan trong ngày. Hệ quả tiếp theo là nguồn cung lưu trú sẽ tiếp tục bị kìm hãm, không có đủ sức kích cầu để mở rộng và nâng cấp phân khúc.

Thực tế hiện nay, trong bức tranh tổng thể, điểm sáng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh là mức độ đa dạng của các loại hình dịch vụ, có sự cân bằng nhất định giữa thương mại với các ngành nghề khác, bao gồm giáo dục, y tế, lưu trú ăn uống, tài chính ngân hàng, và bất động sản. Đây cũng có thể là tạo tiền đề tốt để tỉnh hướng đến một nền kinh tế phát triển dịch vụ đa dạng. Mặc dù vậy, “vòng xoáy” du lịch - dịch vụ có thể tác động theo hướng tiêu cực khi một mặt làm tăng nhiệm vụ chi cho công tác duy tu, bảo trì, phát triển hạ tầng du lịch trong khi mặt khác, không tạo ra đóng góp tương xứng vào ngân sách và tạo việc làm cho nền kinh tế. 

Ngành du lịch đang dần hồi phục, song, so với các địa phương khác, doanh thu từ du lịch của tỉnh vẫn còn khiêm tốn. Dù là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng du lịch chưa phát huy được vai trò động lực trong tạo nguồn thu ngân sách và giải quyết việc làm. Để tạo lợi thế cạnh tranh từ du lịch cần có các giải pháp đồng bộ. “Ngoài các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, trong kế hoạch xúc tiến đầu tư của tỉnh, chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư tại Huế. Đây là một kênh giúp kết nối du khách nước ngoài đến Huế, đồng thời cũng là dịp chúng ta quảng bá hình ảnh, con người Huế đến với bạn bè quốc tế”, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết.

Tạo động lực kinh tế từ nhiều phía

Điều đáng ngạc nhiên là động lực kinh tế quan trọng nhất trong thập niên vừa qua đến từ công nghiệp chế tạo - chế biến, trong đó nổi bật là sản xuất đồ uống và may mặc. Ngành sản xuất đồ uống mặc dù không tạo nhiều việc làm, nhưng là ngành có năng suất tăng trưởng ấn tượng nhất, đóng góp gần ¼ cho ngân sách tỉnh. Trái lại, ngành may mặc tuy có năng suất thấp, đóng góp cho ngân sách rất khiêm tốn, nhưng lại tạo ra tới khoảng 70% việc làm chính thức trong khu vực công nghiệp chế tạo - chế biến. Dù vậy, việc thu hút các dự án sản xuất công nghiệp có hiệu quả kinh tế - xã hội cao, các dự án đầu tư có vốn nước ngoài vẫn còn khó khăn. Nguồn thu ngân sách địa phương chủ yếu dựa vào vào nguồn thu từ đất đai và doanh nghiệp sản xuất đồ uống, trong khi nguồn thu từ đất đai khó có thể duy trì với tỷ trọng cao và nguồn thu từ sản xuất đồ uống khó có khả năng mở rộng nhanh trong điều kiện cạnh tranh gay gắt.

Nguồn thu từ du lịch của tỉnh vẫn còn khiêm tốn

Từ đây, nếu khu vực công nghiệp và dịch vụ không tạo đủ việc làm có thu nhập tốt cho người lao động, dẫn tới làn sóng di cư, đặc biệt là của lao động trẻ, lao động chất lượng rời khỏi địa phương.

Phát triển ngành kinh tế mũi nhọn là điều bắt buộc, nhưng cũng cần đa dạng hóa, thu hút đầu tư vào các ngành khác để tạo ra nhiều động lực kinh tế mới; qua đó, thu hút được các dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội và tạo ra đủ các việc làm và cơ hội kinh tế cho người lao động. Tạo ra cơ hội kinh tế sẽ kéo theo cơ hội đầu tư, khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; cơ hội học tập, tích lũy kinh nghiệm và phát triển bản thân…

Theo các chuyên gia, với cơ cấu hiện nay, các cụm ngành kinh tế của tỉnh được phân thành 3 nhóm chính. Đó là nhóm các ngành có năng suất lao động cao nhưng sử dụng và tạo ra ít việc làm; nhóm cụm ngành may mặc (sản xuất trang phục), tạo ra nhiều việc làm nhưng có năng suất lao động thấp; nhóm các cụm ngành hoạt động ở quy mô nhỏ, không tạo ra nhiều việc làm và đồng thời cũng có năng suất lao động ở mức thấp.

Thừa Thiên Huế hiện có rất nhiều tiềm năng để đa dạng hóa các ngành kinh tế, đặc biệt với công nghiệp, khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có được chủ trương đầu tư từ sớm là lợi thế cho Huế trong thu hút đầu tư FDI.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, để phát triển lên tầm cao mới, tỉnh sẽ tập trung cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế dựa trên lợi thế ngành dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. “Chúng tôi tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các doanh nghiệp, ngoài du lịch vẫn là mũi nhọn, tỉnh cũng sẽ chú trọng đào tạo nguồn nhân lực và bứt phá từ ngành công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao”, ông Phương thông tin.

Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng

Ngày 20/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết vừa phối hợp với Công an huyện Nam Đông phá chuyên án liên quan đến hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo, xâm phạm sở hữu công nghiệp các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam.

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng
Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả

TIN MỚI

Return to top