ClockThứ Năm, 14/09/2023 11:14

Tận dụng ưu đãi thanh toán số

TTH - Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đã và đang ngày càng đa dạng, trở thành nhu cầu tất yếu của mỗi một người dân. Ngoài những ưu thế vượt trội từ sự thuận tiện, các phương thức thanh toán này còn mang lại cho người dân nhiều lợi ích từ các chương trình ưu đãi, hậu mãi.

Chuyển động thanh toán điện tử trong kỷ nguyên số

Các điểm bán hàng đều triển khai thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt 

Thanh toán số lên ngôi

“Chị ơi, em gửi hàng ở bảo vệ, tý chị chuyển khoản tiền hàng cho em với chị nhé” là câu nói khá quen thuộc của các shipper khi đến giao hàng.

Dường như, những tiện ích của thanh toán số khiến việc thanh toán trở nên dễ dàng hơn. Người dùng không cần phải quá bận tâm việc di chuyển đến ngân hàng, các cửa hàng hay mặt đối mặt để thực hiện các giao dịch thanh toán, không cần mang tiền mặt. Đôi khi chỉ cần vài thao tác nhỏ trên điện thoại, chìa thẻ… là có thể thanh toán mọi khoản chi phí. Việc thanh toán cũng không còn gói gọn trong các chi tiêu hàng ngày mà trong công việc, học hành… các cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp cũng vận dụng khá triệt để hình thức thanh toán này.

Đó cũng là lý do mà các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng đa dạng như: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước như Mobile Banking, thẻ tín dụng, Mastercard hay ví điện tử... Các đơn vị chấp nhận hình thức thanh toán này cũng đang ngày càng mở rộng, không dừng lại ở các trung tâm thương mại, dịch vụ, cửa hàng lớn mà ngay cả các quán ăn, quán nước vỉa hè hình thức thanh toán này cũng đã dần phổ biến. Mọi người không còn “tròn xoe mắt” khi ai đó bảo “quán mình có QR không cho em chuyển khoản” để thanh toán 10 hay 20 ngàn đồng. Ngay cả các cá nhân cũng “trang bị” cho mình những mã QR tài khoản cá nhân để thuận tiện trong thanh toán và nhận thanh toán.

Nhiều khách hàng lựa chọn thanh toán qua QR 

Anh Đoàn Văn Sơn, TP. Huế chia sẻ, mình làm shipper nên để thuận tiện cho các thanh toán của khách hàng mình tạo mã QR tài khoản ngân hàng từ Mobile Banking. Khi khách hàng cần chuyển khoản, mình chỉ cần gửi mã QR hoặc đưa mã QR trực tiếp là khách hàng có thể thanh toán ngay, không cần gửi số tài khoản tránh được những sai sót không đáng có. Việc thanh toán qua QR cũng rất nhanh chóng và được hầu hết các ngân hàng triển khai nên rất thuận tiện.

Ưu đãi lớn

Một trong những điểm thú vị của việc thanh toán bằng Internet Banking hay ví điện tử, quẹt thẻ… chính là người tiêu dùng sẽ được hoàn lại một phần tiền trên giá trị đơn hàng. Ví như khi thanh toán qua Vnpay, khách hàng dễ dàng nhận được các mã giảm giá trực tiếp khi thanh toán, giá trị mã cũng tùy thuộc vào mỗi tài khoản thanh toán. Ngoài ra, khách hàng còn có thể tích điểm trên thẻ mua sắm tại các điểm mua sắm, hay thẻ tín dụng của mình và đổi điểm khi cần thiết.

Các ngân hàng cũng thiết kế nhiều dòng thẻ tín dụng để chủ thẻ tận dụng hết các ưu đãi để. Ví như Sacombank, ngân hàng này cho ra mắt 3 dòng thẻ tín dụng cashback, bao gồm: Sacombank Visa Platinum Cashback, Sacombank Visa UNIQ Platinum và Sacombank Tiki. Mỗi loại thẻ có tỷ lệ và danh mục hoàn tiền khác nhau chẳng hạn, Sacombank Visa Platinum Cashback có mức hoàn tiền lên đến 7,2 triệu đồng/năm. Trong đó, hoàn 5% cho giao dịch chi tiêu online (bao gồm giao dịch trong và ngoài nước); hoàn 3% cho giao dịch chi tiêu tại nước ngoài qua máy chấp nhận thẻ (POS); hoàn 0,5% cho các giao dịch chi tiêu khác...

Không chỉ các ngân hàng, những công ty cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian cũng liên kết với các ngân hàng và những nhà bán lẻ trực tuyến triển khai các chương trình đổi thưởng hay các ưu đãi phiếu khuyến mãi mua hàng, voucher độc quyền khi thanh toán trực tuyến.

Để đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đề nghị các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán triển khai các chương trình, chính sách ưu đãi về phí dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán đối với khách hàng. Cụ thể, các ngân hàng nghiên cứu áp dụng chính sách ưu đãi hợp lý; phối hợp với các đơn vị chấp nhận thanh toán thực hiện các chương trình khuyến mại, quảng bá dịch vụ, tri ân khách hàng nhằm khuyến khích khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt. Xem xét trong triển khai, thực hiện ưu đãi phí chiết khấu cho các đơn vị chấp nhận thanh toán tham gia.

Các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các tổ chức cung ứng hàng hóa, dịch vụ... nghiên cứu, áp dụng chính sách ưu đãi, khuyến mại hợp lý cho khách hàng sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán. Trường hợp các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ là ví điện tử có chính sách ưu đãi hợp lý như miễn, giảm phí, phiếu quà tặng... cho khách hàng đăng ký, liên kết thành công tài khoản ví điện tử với thẻ ghi nợ nội địa, tài khoản thanh toán…

Bài, ảnh: Hoàng Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI
Từ 1/1/2025: Doanh nghiệp cần cập nhật thông tin đăng ký kinh doanh

Doanh nghiệp (DN) sẽ không tốn bất kỳ khoản phí và lệ phí nào liên quan thủ tục cập nhật thông tin địa giới hành chính của DN. Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị My My, Phó Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư với Báo Thừa Thiên Huế. Bà My cho biết thêm:

Từ 1 1 2025 Doanh nghiệp cần cập nhật thông tin đăng ký kinh doanh

TIN MỚI

Return to top