ClockThứ Bảy, 09/12/2023 12:36

Tăng cường thu hồi, xử lý nợ đọng

TTH - Nhằm đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023, đóng góp tích cực vào việc thực hiện các chính sách cân đối vĩ mô, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, Chi cục Thuế TP. Huế đã thực hiện đồng bộ các giải pháp vừa quyết liệt, linh động vừa phù hợp, hiệu quả trong việc thu hồi nợ đọng thuế.

Quản lý thuế đối với hộ kinh doanhGỡ khó chế độ kế toán cho hộ kinh doanh

Nhiều doanh nghiệp dệt may xuất khẩu trên địa bàn TP. Huế nợ thuế kéo dài 

Khó khăn chung

Năm 2023 tiếp tục là một năm khó khăn của nền kinh tế dẫn đến tình trạng nợ đọng thuế kéo dài. Thậm chí, ở một số lĩnh vực, địa bàn còn diễn ra tình trạng chiếm dụng tiền thuế. Ngành xây dựng được xem là khó khăn nhất, nhiều doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn đều không đạt kế hoạch đặt ra ban đầu.

Ông Đoàn Quang Song, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng và Thương mại Song Phú, cho biết: “Tất cả các chi phí đầu vào của ngành xây dựng từ sắt, thép, xi măng, cát, hay các loại chi phí vận chuyển như giá xăng, dầu… đều tăng. Trong khi đó, đơn vị lại khó tiếp cận được các nguồn vốn, công ty hiện nợ thuế quá hạn 90 ngày và đang bị phong tỏa hóa đơn”.

Doanh nghiệp cũng cho biết thêm, hiện nhân công lao động trong ngành xây dựng đang rất khan hiếm, các thủ tục giao nhận thầu vẫn còn nhiều vướng mắc. Những khó khăn này cũng khiến công tác chấp hành pháp luật thuế ở một số đơn vị còn hạn chế, tình trạng nợ đọng thuế kéo dài vẫn còn nhiều.

Đơn hàng sụt giảm cũng khiến một số đơn vị dệt may xuất khẩu trên địa bàn TP. Huế gặp nhiều khó khăn. Tại Công ty CP Đầu tư Dệt may Thái Bình, có xưởng sản xuất đóng tại địa bàn phường Thuận An, TP. Huế, thời điểm mới thành lập năm 2020 có hơn 500 công nhân làm việc, thì nay số lượng lao động chỉ còn chưa đến 200 người. Doanh thu công ty cũng giảm sút 30 – 40%.

“Xu hướng gia tăng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, khiến doanh nghiệp gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường. Do vậy mà không những phải giảm quy mô sản xuất, giảm nhân công, công ty còn gặp khó trong việc hoàn thành pháp luật thuế theo quy định của Nhà nước”, ông Đặng Thái, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Dệt may Thái Bình, thông tin.

Những khoản nợ kéo dài tại cơ quan thuế không phải là hiếm, bởi ngoài tình hình kinh tế khó khăn, một số đơn vị chưa ý thức tuân thủ việc thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách, chây ỳ, dẫn đến nợ thuế ngày càng tăng, dù cơ quan thuế thường xuyên đôn đốc cũng như thực hiện các biện pháp cưỡng chế.

Một số doanh nghiệp khác lại gặp vướng mắc khác như chờ giải phóng mặt bằng, đền bù, tranh chấp, chờ phê duyệt phương án điều chỉnh mục đích sử dụng, điều chỉnh diện tích khai thác, chưa đi vào khai thác nên chưa có khả năng nộp tiền thuế.

Theo quy định, cơ quan thuế vẫn phải tính ghi nợ theo thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Tính đến ngày 30/11/2023 tổng số tiền thuế nợ tại Chi cục Thuế TP. Huế ước tính khoảng 156 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tiền nợ có khả năng thu là 112 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 78%, còn lại 34 tỷ đồng tiền nợ khó thu, chiếm tỷ lệ 22%.

Chia nhỏ lộ trình, gia hạn thời gian

Thực hiện chỉ đạo của ngành thuế về việc triển khai các biện pháp thu hồi và xử lý nợ đọng; đồng thời cùng giúp doanh nghiệp vượt khó, hoàn thành nghĩa vụ thuế, Chi cục Thuế TP. Huế đã có những biện pháp và giải pháp phù hợp, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu ngân sách năm 2023.

Theo đó, thực hiện phân loại nợ phải đảm bảo theo đúng tính chất của từng khoản nợ. Hồ sơ phân loại nợ phải đầy đủ theo đúng hướng dẫn tại Quy trình quản lý nợ ban hành kèm theo Quyết định Tổng cục Thuế. Triển khai áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp với từng trường hợp nợ thuế theo đúng quy định.

Đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ trên 90 ngày hoặc khoản tiền thuế thuộc trường hợp phải cưỡng chế, áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế như cưỡng chế trích tiền từ tài khoản ngân hàng, phong tỏa tài khoản ngân hàng và cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn, công khai thông tin để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách Nhà nước.

Trường hợp quyết định cưỡng chế hết hiệu lực mà người nộp thuế chưa nộp hoặc nộp chưa đủ số tiền thuế nợ bị cưỡng chế vào ngân sách Nhà nước thì phải kịp thời chuyển sang áp dụng các biện pháp cưỡng chế phù hợp, đúng quy định. Đến nay, chi cục đã ban hành 26.219 thông báo tiền nợ thuế đến người nộp thuế, 919 quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản ngân hàng với tổng số tiền nợ thuế hơn 60 tỷ đồng, 410 quyết định cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn với tổng số tiền hơn 38 tỷ đồng.

Ông Trần Tuấn Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Huế cho biết, trường hợp có vướng mắc, chi cục thuế sẽ chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để giải quyết dứt điểm. Chi cục thuế cũng đã triển khai các công tác phân công nợ, phân loại tiền thuế nợ, thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ và áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy trình. Những biện pháp vừa quyết liệt nhưng lại mềm dẻo, linh hoạt, đặc biệt là chia nhỏ lộ trình, gia hạn thời gian, giúp nhiều doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc hoàn thành nợ đọng thuế của đơn vị mình.

Chi cục Thuế TP. Huế đặt mục tiêu đến cuối tháng 12/2023, tổng số nợ thuế trên địa bàn không vượt quá 8% so với tổng số thực thu vào ngân sách. Tổng số nợ về thuế, phí không vượt quá 5% tổng số thực thu. Thu tối thiểu 80% các khoản tiền thuế nợ có khả năng thu. Giải quyết dứt điểm các khoản tiền thuế đang chờ điều chỉnh, các khoản tiền thuế nợ đang xử lý mà cơ quan thuế đã tiếp nhận hồ sơ và đang trong thời gian thực hiện các thủ tục còn tồn đọng.

“Cùng với các biện pháp nghiệp vụ trong quản lý, chống thất thu thuế, nợ đọng trên địa bàn, Chi cục thuế TP. Huế cũng tích cực tuyên truyền, phổ biến, giải thích các quy định pháp luật về nợ thuế cho người nộp thuế để nâng cao tính tuân thủ, khuyến khích tự nguyện, tự giác của người nộp thuế trong việc thực hiện các quy định nộp thuế”, ông Trần Tuấn Anh cho biết thêm.

Bài, ảnh: LÊ KHƯƠNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ quan trọng đối với các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng khó, nhằm chuẩn bị sẵn sàng về ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp tiếng Việt để trẻ vào lớp 1.

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số

TIN MỚI

Return to top