Nhà máy may 2 của Công ty CP Dệt may Phú Hòa An đi vào hoạt động hy vọng sẽ góp phần tăng năng lực tăng thêm cho lĩnh vực công nghiệp tỉnh
Động lực từ các DA mới
Năm 2021, ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều doanh nghiệp (DN) phải thực hiện giãn ca, giãn cách lao động để sản xuất, đồng thời chi phí vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa tăng cao do thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định làm tăng chi phí sản xuất. Song, các DN trên địa bàn vẫn duy trì hoạt động, trong đó nhiều DA quy mô lớn triển khai đúng tiến độ, đưa vào hoạt động đã phát huy công suất, góp phần tăng năng lực tăng thêm cho ngành công nghiệp.
Theo đó, năng lực tăng thêm trong năm 2021 đạt cao, trong đó giá trị SXCN đạt 38.500 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2020; giá trị SXCN tăng thêm khoảng 2.300 tỷ đồng, chủ yếu nhờ phát huy năng lực tăng thêm của các DA đầu tư đưa vào hoạt động trong năm 2020 phát huy hiệu quả và các DA mới đưa vào hoạt động trong năm 2021.
Trong năm, một số DA quy mô lớn đưa vào hoạt động, như DA giai đoạn 2 nhà máy chế xuất Billion Max Việt Nam của Công ty Billion Max International Development Limited; nhà máy dệt Sunjin AT&C Vina của Công ty Sunjin Property Anagement Llc; nhà máy ván nhân tạo MDF của Công ty MDF Ý Mỹ; DA nhà máy gạch men Mikado Huế của Công ty CP Mikado công suất 6 triệu m2/năm...
Hiện, một số DA như: nhà máy sản xuất găng tay y tế của Công ty Kanglongda, các DA may mặc của Công ty Scavi Huế, Công ty CP Dệt may Thiên An Phú; nhà máy gia công thạch anh Chân Mây… đang triển khai xây dựng và đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động trong năm 2022 góp phần tăng năng lực ngành công nghiệp trong thời gian tới.
Cùng với các DA trong lĩnh vực công nghiệp, năng lực tăng thêm trong lĩnh vực sản xuất điện gồm 4 nhà máy thủy điện với tổng công suất 93,6MW: nhà máy thủy Thượng Nhật 11MW, thủy điện Alin B1 46MW, thủy điện Sông Bồ 23,6MW và nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 13MW.
Dệt may giúp đưa chỉ số sản xuất công nghiệp tăng
Phát huy năng lực tăng thêm
Với kim ngạch xuất khẩu (KNXK) năm 2021 tăng 15% so với năm 2020, giữa năm 2021 Công ty CP Dệt may Phú Hòa An hoạt động tại Khu công nghiệp Phú Bài khởi công xây dựng nhà máy may 2 với công suất 48 chuyền may, tổng kinh phí đầu tư nhà xưởng và thiết bị hơn 150 tỷ đồng. Đầu năm 2022, nhà máy hoàn thành và đưa vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 1.600 lao động. Hiện, DN đang tiếp tục tuyển dụng lao động để đảm bảo công suất hơn 2.500 lao động tại nhà máy 2.
Theo Phó Tổng Giám đốc công ty, ông Hồ Nam Nhật, cùng với năng lực hiện có của nhà máy 1, sau khi đưa vào hoạt động nhà máy 2, DN đang mở rộng thị trường tiêu thụ với một số đối tác ở Mỹ. Đồng thời, phát triển thêm một số sản phẩm mới nhằm phát huy năng lực tăng thêm ở nhà máy 2, phấn đấu đưa KNXK năm 2022 tăng 30% so với năm 2021.
Với mục tiêu đưa giá trị SXCN đạt 1.850 tỷ đồng, doanh thu 1.880 tỷ đồng, KNXK đạt 133 triệu USD, năm 2022, Công ty CP Dệt may Huế triển khai các DA đầu tư máy móc, thiết bị nhằm nâng cao năng suất, tiết giảm nhân công. Trong đó, đầu tư nhà máy may 3 tầng với quy mô 40 chuyền may, sản lượng hàng năm đạt 12,5 triệu sản phẩm với tổng mức đầu tư là 216 tỷ đồng; DA đầu tư bổ sung thiết bị may với tổng mức đầu tư 52 tỷ đồng; triển khai DA đầu tư bổ sung thiết bị sợi với tổng mức đầu tư hơn 7 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty lập lại dự toán và triển khai DA nhà kho tại nhà máy may 4...
Giám đốc điều hành công ty, ông Nguyễn Tiến Hậu cho biết, cùng với việc đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, DN cơ cấu thị trường xuất khẩu, trong đó tập trung phát triển thị trường châu Á đang có hiệu quả cao, nâng thị phần lên 60%, ưu tiên sản phẩm xuất vào Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan; thị trường châu Âu và Nam Mỹ sản lượng xuất bán từ 20%- 25%; thị trường nội địa duy trì mức từ 10-12%. Đồng thời, tìm kiếm cơ hội bán hàng vào khu chế xuất để hạn chế bớt rủi ro trong xuất khẩu khi cước vận chuyển tăng cao.
Theo Giám đốc Sở Công thương, ông Nguyễn Thanh, năm 2022, ngành công thương phấn đấu chỉ số IIP tăng 10% so với năm 2021; giá trị SXCN đạt 42.600 tỷ đồng, tăng thêm khoảng 4.100 tỷ đồng so với năm 2021; KNXK phấn đấu đạt 1.030 triệu USD. Để thực hiện mục tiêu trên, sắp tới, sở tập trung hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN và triển khai các DA đầu tư SXCN trên địa bàn, đặc biệt là các DA có ảnh hưởng quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: DA sản xuất găng tay y tế của Công ty Kanglongda, các DA sản xuất hàng may mặc, nhà máy gia công thạch anh Chân Mây, DA sản xuất máy biến dòng… để góp phần tăng năng lực sản xuất và tạo bước đột phá cho ngành công nghiệp trong thời gian tới. Mặt khác, tăng cường hỗ trợ DN ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để tăng cường quảng bá, giảm chi phí trong giao dịch, hạ giá thành sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh.
Bài, ảnh: Thanh Hương