Công bố từ Tổng cục Thống kê cho thấy tốc độ tăng GDP quý 1 đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn kịch bản 5,6% tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.
Các chuyên gia nhận định trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới hiện nay, kinh tế quý 2 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể tăng trưởng bứt phá nhưng kỳ vọng sẽ cải thiện hơn so với quý đầu năm.
Điểm sáng từ khu vực nông nghiệp và dịch vụ
Kinh tế-xã hội ba tháng đầu năm diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kinh tế-xã hội quý 1 của nước ta tuy chưa đạt được mức tăng trưởng cao nhưng là kết quả tích cực, đáng ghi nhận khi tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới ở mức rất thấp hoặc đang suy giảm, khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từng bước phát huy hiệu quả.
Đáng chú ý, mặc dù tăng trưởng trong khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4% và làm giảm 4,76% trong mức tăng trưởng chung, song khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn ghi nhận mức tăng 2,52% và đóng góp 8,85%.
Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ tăng mạnh 6,79% và đóng góp 95,91% trong mức tăng chung. Theo bà Hương, điều này có được là nhờ chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới khi dịch COVID-19 được kiểm soát đã phát huy hiệu quả.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,9%; trong đó doanh thu du lịch lữ hành tăng gần 120%, doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 28%, đặc biệt là khách quốc tế đến Việt Nam đã gấp 29,7 lần so với cùng kỳ năm trước.
Về thương mại, Việt Nam vẫn xuất siêu 4,07 tỷ USD trong quý 1, trong đó tập trung vào mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản và rau quả.
Nhìn chung, tình hình lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức phù hợp. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Ba giảm 0,23% so với tháng Hai và tăng 3,35% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, CPI bình quân quý 1 đã tăng 4,18%.
Bà Hương cũng nhấn mạnh xu hướng tăng trưởng kinh tế Việt Nam thường tăng thấp trong quý 1, sau đó gia tăng dần ở quý 2 và bứt phá ở nửa cuối năm. Theo bà Hương, kinh tế Việt Nam năm 2023 vẫn có thể đi theo xu hướng này. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới hiện nay, kinh tế quý 2 chắc chắn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn song kỳ vọng được cải thiện hơn so với quý 1.
“Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng trưởng vượt trội trong 6 tháng cuối năm,” bà Hương nói.
Tập trung hai động lực "trụ đỡ"
Để đạt được mục tiêu kịch bản tăng trưởng cả năm đạt 6,5% như trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ đề ra, tăng trưởng kinh tế trong quý 1và quý 2 cần phải đạt lần lượt 5,6% và 6,7%.
Trong khi đó, thực tế mức tăng trưởng của quý 1 mới đạt 3,32%, điều này đòi hỏi trong 9 tháng còn lại của năm, kinh tế cả nước cần phải tăng khoảng 7,5%.
Mọi đánh giá đều cho rằng đây là mức tăng khá cao, trong bối cảnh các khó khăn, thách thức của nền kinh tế vẫn còn tồn tại đồng thời những biến động từ kinh tế thế giới còn tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh khu vực chế biến chế tạo đang gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến tăng trưởng âm. Vì vậy, những động lực còn lại phải tập trung hơn; trong đó cần đưa ngành nông nghiệp, dịch vụ trở thành trụ đỡ cho những ngành khác.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá ở khía cạnh tiêu dùng, động lực xuất khẩu tuy giảm về quy mô nhưng về cân đối vẫn duy trì được thặng dư xuất khẩu với xuất siêu 4 tỷ USD. Đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân tuy bị ảnh hưởng nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng dương. Bên cạnh đó, đầu tư công đóng vai trò rất lớn và Thủ tướng Chính phủ vẫn tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quan tâm đến thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này.
“Đây là giải pháp then chốt trong động lực về đầu tư và tăng trưởng,” Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chính sách điều hành tại thời điểm này cần tập trung rà soát, phát triển thị trường trong nước bởi khi xuất khẩu gặp khó khăn thì vai trò của thị trường trong nước rất quan trọng. Do vậy, các giải pháp để khuyến khích thị trường trong nước cần phát triển hơn.
“Từ nay đến cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu giải pháp khá mới trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với tất cả các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và nhà đầu tư,” Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cụ thể, các giải pháp sẽ tập trung tháo gỡ ngay từ cấp cơ sở đó là thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác liên ngành, tổ công tác đặc biệt từ cấp trung ướng đến địa phương để tập trung giải quyết, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đang gặp khó khăn, vướng mắc tại địa phương nhằm ổn định sản xuất, kinh doanh.
Về các giải pháp điều hành, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết cơ quan này đã tham mưu và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thứ nhất, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, để đạt mục tiêu, kế hoạch đã đề ra và chỉ tiêu Quốc hội giao cần phải nỗ lực, cố gắng rất lớn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư giữ quan điểm cần phải nhất quán giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đây là yếu tố nền tảng, quyết định để có thể triển khai các giải pháp khác nhằm phục hồi cũng như thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế những tháng còn lại.
Thứ hai, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cần được chú trọng điều hành, linh hoạt, hiệu quả và thận trọng. Mục tiêu vừa đảm bảo chống chọi với khó khăn do tác động của toàn cầu mang lại nhưng cũng cần đảm bảo cung cấp đủ nguồn lực cho nền kinh tế để duy trì hoạt động và phát triển.
Thứ ba, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng phải rà soát ngay tất cả các chính sách, động lực tăng trưởng còn lại của nền kinh tế để tập trung tác động, lấy tăng trưởng của khu vực thuận lợi để bù đắp khu vực khó khăn.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ, trong đó đưa ra những giải pháp, có phân công cụ thể cho từng cơ quan, bộ, ngành và các địa phương,” ông Phương nói.