ClockChủ Nhật, 09/06/2024 11:31

Tăng trưởng xanh từ chỉ số PGI

TTH - Để hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững môi trường, tỉnh cần cần tập trung cải thiện ở 4 nhóm chính sách lớn, tức là ở cả 4 chỉ số thành phần PGI.

Tăng trưởng xanh, đi nhanh để chiếm ưu thếThu hút đầu tư “xanh”Nhìn lại thế giới 2023: Chìa khóa tăng trưởng xanh

 Sản phẩm của các doanh nghiệp dệt may đang hướng đến các tiêu chí “xanh”

1. Tương tự cách tiếp cận của PCI, Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) tập hợp cảm nhận của doanh nghiệp và truyền tải “tiếng nói” của cả cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng quản trị môi trường tới chính quyền các cấp. Một địa phương được coi là có chất lượng quản trị môi trường tốt khi có những nỗ lực phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; thực thi các quy định và có các biện pháp hợp lý để đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường mà không tạo thêm gánh nặng quá lớn cho doanh nghiệp; hướng dẫn, phổ biến đầy đủ về các thực hành xanh và chú trọng mua sắm xanh; và khuyến khích “xanh hóa” mô hình sản xuất, kinh doanh thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ cụ thể.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), PGI được thiết kế nhằm cung cấp thông tin đầu vào từ thực tiễn kinh doanh để hỗ trợ chính quyền các tỉnh, thành phố trong công tác quản trị môi trường, cân bằng giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường. Cùng với những thành tựu kinh tế đạt được thời gian qua, Việt Nam cũng phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Để đảm bảo lợi ích, sức khỏe và an toàn của người dân và sự phát triển của doanh nghiệp trong dài hạn, việc hoạch định một lộ trình tăng trưởng kinh tế vừa thúc đẩy phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường là vô cùng quan trọng.

Mặc dù chỉ số PGI có thể góp phần giúp xác định một số đòn bẩy chính sách trong phạm vi quản trị môi trường cấp tỉnh, nhóm nghiên cứu chỉ số này cũng nhận thức rõ thực tế là có nhiều yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền các tỉnh, thành trong quá trình thực thi chính sách. Đó là hạn chế về nguồn lực và năng lực trong lĩnh vực còn rất mới này; thách thức thứ hai là hiệu ứng lan tỏa của ô nhiễm môi trường; yếu tố thứ ba đến từ các động lực thị trường đối với cộng đồng doanh nghiệp tại mỗi địa phương…

Nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe, nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư các trang thiết bị 

Các chuyên gia cho rằng, đối với các địa phương phải đối mặt với nguy cơ về thiên tai lớn hơn, cần tập trung vào chỉ số giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai; các tỉnh, thành phố quan tâm đến chất lượng môi trường, nên tập trung vào chỉ số “đảm bảo tuân thủ” để ngăn ngừa các tác động tiêu cực cho sức khỏe cộng đồng địa phương…

Thực tế hiện nay, việc thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực thân thiện với môi trường tại mỗi tỉnh là một lộ trình mới bắt đầu. Chính quyền các tỉnh thành vẫn còn nhiều việc phải làm. Mặc dù chỉ số thành phần 4 có mối tương quan thấp với chất lượng môi trường song các chuyên gia môi trường đều nhận định, việc bắt đầu từ những chính sách này là cách tiếp cận đúng đắn.

2. Theo công bố của VCCI, bộ chỉ số PGI của Thừa Thiên Huế năm 2023 bị tụt 10 bậc so với năm 2022. Với vị thứ này, Thừa Thiên Huế đứng ngoài tốp 30. Đây rõ ràng là thách thức lớn trong thời gian tới đối với tỉnh nếu muốn cải thiện điểm số.

Với mục tiêu được xác định: “Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”, Thừa Thiên Huế đã và đang tập trung thực hiện và ban hành các định hướng, chính sách liên quan đến chuyển đổi và phát triển theo hướng xanh, bền vững.

Thừa Thiên Huế cũng có những định hướng rõ ràng hơn trong thu hút đầu tư “xanh”. Rất nhiều lần, lãnh đạo tỉnh khẳng định sẽ không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng. Hướng đi này đảm bảo tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Mặc dù vậy, để đáp ứng các tiêu chí “xanh” cũng không dễ dàng. Lãnh đạo một doanh nghiệp trong ngành dệt may cho biết, để đáp ứng yêu cầu, các tiêu chí xuất khẩu khắt khe của thế giới thì buộc doanh nghiệp phải thay đổi. Thay đổi từ nguồn nhân lực đến các thiết bị để đảm bảo các quy định về môi trường, hạn chế phát thải ra môi trường, an toàn vệ sinh lao động... Từ đó, nâng cao các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh trong hoạt động xuất khẩu

Trên nền tảng thương hiệu xanh, thành phố “văn hóa ASEAN”, thành phố “bền vững môi trường ASEAN”, thành phố “du lịch sạch ASEAN”, điều đáng mừng là tỉnh đang tích cực đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực biến đổi khí hậu, rác thải môi trường, đô thị xanh, đô thị thông minh, giao thông xanh… là động lực thúc đẩy tăng trưởng xanh. Điển hình như việc tỉnh đã hợp tác có hiệu quả với UNDP trong nghiên cứu, triển khai sáng kiến giao thông điện/xanh để giảm lượng khí thải trong giao thông vận tải tại địa phương; với JICA trong Dự án xử lý môi trường nước thành phố Huế; với KOICA trong “Dự án xây dựng thành phố Huế: Văn hóa và Du lịch thông minh”; với Công ty China Everbright International Limited về Dự án xây dựng Nhà máy điện rác Phú Sơn…

Tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Thừa Thiên Huế huy động mọi nguồn lực hợp pháp và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng; đột phá vào các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

Trước sự tụt hạng về chỉ số PGI, trước mắt chính quyền tỉnh cần nghiên cứu từng chỉ số thành phần một cách kỹ càng, hiểu rõ ý nghĩa cũng như phương pháp đo lường từng chỉ tiêu; xây dựng kế hoạch hành động, phân công đơn vị và cán bộ chuyên trách để thực hiện các hoạt động cụ thể nhằm cải thiện những lĩnh vực còn hạn chế.

Tại tại cuộc họp nghe báo cáo rà soát các tiêu chí, tiêu chí thành phần nhằm nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự thảo chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nội dung thuộc nhiệm vụ của từng ngành, từng địa phương; phối hợp các sở, ngành rà soát, nghiên cứu cách đánh giá, xác định cụ thể từng tiêu chí, tiêu chí thành phần nhằm đưa ra các giải pháp khắc phục các điểm còn hạn chế của tỉnh trong vị thứ xếp hạng. Từ đó, đảm bảo cải thiện vị trí xếp hạng chỉ số PGI năm 2024 và các năm tiếp theo trong nhóm tốt của các tỉnh, thành, địa phương.

Lê Thọ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

IATA lo ngại về mục tiêu giảm khí thải carbon trong ngành hàng không

Hãng Thông tấn The Straits Times ngày 5/6 dẫn nguồn tin từ Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho biết, mục tiêu giảm 5% lượng khí thải carbon trong ngành hàng không quốc tế vào năm 2030 có thể không đạt được trên cơ sở toàn cầu, một phần do việc sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững không đồng đều.

IATA lo ngại về mục tiêu giảm khí thải carbon trong ngành hàng không
Return to top