|
Công trường thi công Dự án thành phần 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, đoạn thuộc xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp). Ảnh minh họa: Nhựt An/TTXVN |
Do vậy, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc để triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về giải ngân vốn đầu tư công theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tại các nghị quyết, chỉ thị, công điện về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Đồng thời, Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc điều chỉnh, điều hòa các dự án giải ngân chậm hoặc không có khả năng giải ngân sang dự án có khả năng để đẩy mạnh giải ngân, lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ kế hoạch giải ngân theo từng tuần; đánh giá khả năng thực hiện trong năm 2023 (số vốn phải kéo dài, số vốn sẽ bị hủy).
Bộ Tài chính cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương làm rõ lý do, trách nhiệm trong việc đề xuất việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm sau nhưng khả năng giải ngân chậm làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Được đánh giá là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao trong cả nước, ước thực hiện giải ngân cả năm 2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội được 48.600 tỷ đồng, đạt 91,5% kế hoạch thành phố giao và 103,5% kế hoạch trung ương giao.
Để đạt tiến độ theo yêu cầu, UBND thành phố Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị phải tập trung hơn nữa, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai và giải ngân của các dự án đầu tư công. Hiện nay, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nỗ lực, phấn đấu để hoàn thành theo kế hoạch được giao.
Đối với các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, UBND thành phố Hà Nội và các sở, ngành đã tổ chức nhiều cuộc họp để chỉ đạo, giải quyết các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, chậm tiến độ trên địa bàn thành phố.
Theo dự kiến của Kho bạc Nhà nước, tính đến ngày 31/1/2024, lũy kế vốn đầu tư công kiểm soát, thanh toán qua Kho bạc Nhà nước thuộc kế hoạch năm 2023 là 642.865,5 tỷ đồng, bằng 96,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát qua kho bạc.
So với năm 2022, số giải ngân tăng 139.480,5 tỷ đồng về giá trị, tăng 3,1% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để đạt mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn được giao, cần sự nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt từ các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương cần nêu cao hơn nữa trách nhiệm trong việc lập, thực hiện các kế hoạch đầu tư; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện thi công các dự án đầu tư công; phối hợp chặt chẽ, xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, về nguồn nguyên vật liệu, về đơn giá để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư công…
Đầu tư công là 1 trong 3 động lực tăng trưởng kinh tế do đó luôn được Chính phủ quan tâm và chỉ đạo quyết liệt. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt với 8 nghị quyết, 1 chỉ thị, 6 công điện cùng rất nhiều văn bản được ban hành. Cùng với đó, Chính phủ đã duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông; 5 tổ công tác để kiểm tra, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; thành lập 26 đoàn công tác do thành viên Chính phủ làm trưởng đoàn làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn. Nhờ đó, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đã bắt đầu khởi sắc từ cuối quý II, đầu quý III đến nay.