|
|
Đôn đốc, giám sát chặt chẽ tiến độ các dự án là một trong những giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công |
Tỉ lệ giải ngân xếp thứ 16/63 tỉnh, thành
Theo tờ trình tại kỳ họp của UBND tỉnh, tổng kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 của tỉnh là 5.758,257 tỷ đồng, bao gồm, 2.021,041 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương; 683,95 tỷ đồng vốn nước ngoài và 3.053,266 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương.
Đến nay, tỉnh đã 4 lần điều chỉnh kế hoạch ĐTC năm 2023. Riêng ngân sách Trung ương, 1 lần điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài đối với các dự án Chương trình phát triển các đô thị II - các đô thị xanh, cải thiện dịch vụ y tế tại tỉnh Thừa Thiên Huế, tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai thực hiện tại tỉnh Thừa Thiên Huế, xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) (Huế); 3 lần thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách địa phương để điều chuyển vốn từ các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp qua các dự án có khả năng giải ngân cao nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn.
Tờ trình cũng thông tin, giải ngân vốn ĐTC đến thời điểm báo cáo là 2.297,123 tỷ đồng/5.923,257 tỷ đồng, đạt 38,8% kế hoạch (trong đó tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đạt 40,1%). Theo số liệu công khai giải ngân tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh cao hơn mức trung bình của cả nước, xếp thứ 16/63 tỉnh thành và 20/114 bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Mặc dù vậy, tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC của tỉnh vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Tờ trình đã chỉ rõ những nguyên nhân khiến việc giải ngân vốn ĐTC gặp khó khăn, đó là vướng mắc và thời gian thực hiện công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, bàn giao mặt bằng chậm, đặc biệt là các dự án ODA thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, hoạt động hiện trường dàn trải rộng trên địa bàn tỉnh. Trên địa bàn tỉnh vẫn đang xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng, nhất là cát xây dựng, đất san lấp. Giá cả vật liệu vẫn còn nhiều biến động. Một số công trình đã đấu thầu trước đây với giá vật liệu thấp hơn thời điểm thi công làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án và giải ngân vốn đầu tư. Trong các tháng đầu năm, các chủ đầu tư phải tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án dự kiến khởi công mới nên tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC của tỉnh chưa đạt được mục tiêu đề ra...
Nhằm thực hiện mục tiêu tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC năm 2023 đạt trên 95% theo Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh dự kiến đến hết ngày 30/9/2023, giải ngân kế hoạch vốn giao từ đầu năm là 3.774,461 tỷ đồng/5.923,257 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch.
Theo đó, các giải pháp sẽ được thực hiện đồng bộ trong thời gian tới. Đáng chú ý là việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn ĐTC; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên...; có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn ĐTC. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công. Các địa phương và chủ đầu tư tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường, thường xuyên rà soát để phát hiện, xử lý nhanh, kịp thời, hiệu quả các khó khăn, 10 vướng mắc về pháp lý, chủ động xử lý theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên trực tiếp…
|
|
Các đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết |
Nhu cầu kế hoạch đầu tư công năm 2024 là 6.974,563 tỷ đồng
Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - ngân sách, HĐND tỉnh cũng cơ bản thống nhất với dự kiến nhu cầu kế hoạch vốn ĐTC năm 2024 của UBND tỉnh.
Tỉnh xác định năm 2024 là năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021-2025, hướng đến thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị. Vốn ĐTC sẽ tập trung để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh, có tính kết nối và lan tỏa.
Dự kiến nhu cầu kế hoạch ĐTC năm 2024 là 6.974,563 tỷ đồng, bao gồm: Nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương: 3.752,310 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách Trung ương là 2.391,594 tỷ đồng. Năm 2024, khả năng huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của tỉnh đạt khoảng 32.000-34.000 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực để tạo đột phá trong thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân, trong và ngoài nước để tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, đặc biệt đối với các dự án có sức lan tỏa rộng và tác động lớn tới phát triển kinh tế; các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng dân sinh. Các chính sách, quy định pháp luật về đầu tư công, xây dựng cơ bản đã được ban hành, ngày càng hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đầu tư phát triển...
Ngoài ra, kế hoạch năm 2024 thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia hơn 1.000 tỷ đồng.
Tờ trình của UBND tỉnh cũng xác định những khó khăn trong việc huy động các nguồn lực để thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển năm 2024 như, nguồn lực đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất dự kiến gặp nhiều khó khăn do sự biến động của thị trường bất động sản, nhiều doanh nghiệp bất động sản và xây dựng gặp khó khăn. Việc huy động vốn khó khăn cùng với lãi suất ngân hàng cao, các nhà thầu địa phương không đủ năng lực cạnh tranh và đảm bảo tiến độ thi công các gói thầu lớn. Về thu hút đầu tư, tuy số lượng các dự án có tăng nhưng vẫn chưa thu hút được các dự án lớn, có chất lượng để tạo sự đột phá. Một số dự án chậm tiến độ ảnh hưởng đến sự phát triển và môi trường đầu tư của tỉnh. Đầu tư tín dụng cho các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực tài chính không cao, dễ bị tác động từ các yếu tố bất lợi của nền kinh tế- xã hội.