ClockThứ Năm, 27/07/2023 13:00
CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÔNG:

Chậm tiến độ, đội vốn & nguy cơ lãng phí đầu tư - bài 1: Mặt bằng sạch vẫn “ì ạch” thi công

TTH - Nhiều dự án “ì ạch” thi công dẫn đến chậm tiến độ các hạng mục, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và nguy cơ lãng phí đầu tư. Công tác xử phạt nhà thầu, chấm dứt hợp đồng được các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai cùng nhiều giải pháp tích cực nhằm đưa các dự án trọng điểm hoàn thành đi vào khai thác.

Đề xuất đơn vị độc lập quan trắc lún đường Chợ Mai - Tân MỹDự án cầu vượt biển Thuận An vướng mặt bằngXây dựng “huyết mạch” phía tây TP. Huế: Cần tăng tốc giải phóng mặt bằng

leftcenterrightdel
 Dự án xử lý rác thải Hương Bình (Hương Trà) ì ạch thi công sau nhiều lần xử phạt nhà thầu

Dù có mặt bằng sạch, chủ đầu tư tạo điều kiện hết sức cho nhà thầu nhưng nhiều đơn vị thi công vẫn triển khai “ì ạch”, chủ quan, chậm tiến độ hàng loạt. Nhiều nhà thầu còn bỏ bê công trường, mặc cho chủ đầu tư nhiều lần “phát” văn bản đốc thúc tiến độ.

Bỏ bê công trường

Dự án Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh, được triển khai thi công tại xã Hương Bình (TX. Hương Trà) từ năm 2018, với mục tiêu đầu tư sẽ giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt trên địa bàn TX. Hương Trà, huyện Phong Điền, Quảng Điền và một phần TP. Huế. DA nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường bền vững và phục hồi sinh thái, với công suất xử lý giai đoạn 1 là 150 tấn rác/ngày do Ban Quản lý dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh làm chủ đầu tư.

Công trình do Công ty TNHH Tân Bảo Thành và Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Thiên Phát Thịnh thi công. Dự kiến công trình hoàn thành vào năm 2022, với tổng mức đầu tư cả 2 giai đoạn gần 86 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là 69 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách. Tuy nhiên, sau 2 lần gia hạn tiến độ, nhiều hạng mục của DA đến nay vẫn ngổn ngang trong khi áp lực xử lý rác thải từ các địa phương vẫn “thường trực” hàng ngày.

Ông Nguyễn Quốc Sương Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Bình cho biết, khi công trình được triển khai, công tác đất đai, giải phóng mặt bằng, địa phương luôn tích cực tạo điều kiện, giải quyết nhanh chóng nhằm có mặt bằng sạch thi công. Nhưng từ năm 2018 đến nay, các hạng mục DA nhiều lần ngưng thi công, có lúc nhà thầu bỏ bê công trường. Chưa nói khi công trình đi vào sử dụng còn nhiều mối lo cho địa phương về công tác vận hành, đảm bảo môi trường.

leftcenterrightdel
Dự án đường Chợ Mai - Tân Mỹ chậm tiến độ thời gian dài 

Ghi nhận của PV tại hiện trường, gói thầu số 19 bao gồm toàn bộ phần xây lắp và thiết bị như hệ thống thoát nước mưa, bể chứa nước thải, bể chứa nước, nhà điều hành, đài cấp nước, điện chiếu sáng… còn lại của giai đoạn 1 do liên danh Công ty TNHH Tân Bảo Thành và Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Thiên Phát Thịnh đảm nhiệm thi công, tuy nhiên tiến độ thi công còn quá chậm, nhiều hạng mục ngưng thi công đã lâu, một số hạng mục thi công dở dang.

Công trình để lâu ngày, hệ thống thoát nước mặt bùn đất vùi lấp. 2 hồ phụ chôn lấp rác cũng bị vùi lấp… Khối lượng trên công trường chỉ khoảng 13 tỷ đồng/17,8 tỷ đồng, đạt 73% giá trị hợp đồng.

Nhiều gói thầu thuộc DA Chương trình phát triển các đô thị loại II (Các đô thị xanh) - dự án thành phần Thừa Thiên Huế bị chậm tiến độ kéo dài buộc chủ đầu tư phải làm thủ tục đề xuất chấm dứt hợp đồng đối với nhà thầu thi công. Cụ thể, gói thầu 37 gồm nạo vét và kè sông Kẻ Vạn; cải tạo nâng cấp sông Lấp với giá trị hợp đồng hơn 117 tỷ đồng.

Các hạng mục được khởi công tháng 4/2023 dự kiến hoàn thành tháng 4/2024 do liên danh Công ty CP Xây dựng Thủy lợi Thừa Thiên Huế - Công ty cầu 1 Thăng Long  thi công. Theo Ban Quản lý dự án (QLDA) Các đô thị xanh, giá trị thực hiện lũy kế đến nay gần 21 tỷ đồng, đạt gần 19% giá trị xây lắp hợp đồng.

Trong đó, chậm tiến độ “rất sâu” là hạng mục kè sông Kẻ Vạn khi mới hoàn thiện phần móng, thân kè khoảng 300m đoạn từ cầu Kim Long đến cầu Phạm Thị Liên, do nhà thầu phụ của Công ty CP Xây dựng Thủy lợi Thừa Thiên Huế là Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Long Khánh đảm nhiệm thi công.

Ghi nhận tại công trường cho thấy, khoảng hơn 1 tháng nay các nhà thầu không thi công, bỏ bê công trình. Hiện cỏ mọc um tùm trên đường công vụ, nước thải từ các hộ dân không thoát được ra sông chính đọng lại bốc mùi hôi phía trong và ngoài bờ kè.

Người dân khu vực này cho biết, công trình ngưng thi công thời gian dài, vật liệu máy móc bỏ ngổn ngang phơi mưa nắng. Người dân lo ngại, đến mùa mưa bão, nước ngập sẽ cuốn nhiều đất đá xuống phía lòng sông gây tắc nghẽn, ô nhiễm mất mỹ quan trong khu vực.

Ảnh hưởng tiến độ giải ngân vốn

Ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Ban QLDA Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh thông tin, đối với dự án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt, chủ đầu tư đã xử phạt chậm tiến độ nhiều lần đối với Công ty TNHH Tân Bảo Thành và Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Thiên Phát Thịnh, tuy nhiên nhà thầu vẫn thiếu quyết tâm nên kéo dài thời gian thực hiện sang 2023.

Hiện nay, Ban QLDA đang tiến hành các thủ tục xin điều chỉnh thời gian thực hiện DA nên dự án chưa giải ngân được. Kế hoạch vốn năm 2023 giao gần 22 tỷ đồng. Ngoài ra, DA này đang được UBND tỉnh chỉ đạo xem xét giãn tiến độ hoàn thành (phù hợp với nhu cầu xử lý rác trên địa bàn tỉnh) nên dự kiến dư vốn khoảng 12,5 tỷ đồng.

DA Chương trình phát triển các đô thị loại II (Các đô thị xanh) - dự án thành phần Thừa Thiên Huế được UBND tỉnh phê duyệt DA đầu tư xây dựng tại Quyết định số 894/QĐ-UBND ngày 29/4/2016 với tổng mức đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng, trong đó vốn nước ngoài hơn 1.353 tỷ đồng, vốn đối ứng của tỉnh hơn 263 tỷ đồng.

Vốn phân bổ lũy kế đến nay đạt 862 tỷ đồng, trong đó vốn nước ngoài 692 tỷ đồng, vốn đối ứng của tỉnh là 169 tỷ đồng. Giải ngân đến nay hơn 390 tỷ  đồng (đạt 45,3%). Nguồn vốn bố trí năm 2022 là 566 tỷ đồng, trong đó vốn nước ngoài 513 tỷ đồng, vốn đối ứng của tỉnh là 53 tỷ đồng. Giải ngân trong năm 2022 đến nay là 94,59 triệu đồng (đạt 16,7%).

Đánh giá của Ban QLDA cho thấy, tiến độ giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng kịp tiến độ thi công công trình làm ảnh hưởng trực tiếp việc thi công công trình và ảnh hưởng đến kế hoạch giải ngân vốn được giao trong năm 2022. Đơn cử, gói thầu số 27 đường Bùi Thị Xuân và đường Huyền Trân Công Chúa được khởi công từ tháng 9/2020, hoàn thành tháng 8/2023.

Tuy nhiên, đến nay đối với đường Huyền Trân Công Chúa mới được bàn giao mặt bằng sạch đoạn từ cầu Gò Bối đến Quốc lộ 49 dài 800m/3.100m. Đường Bùi Thị Xuân mới được bàn giao mặt bằng sạch đoạn từ cầu Long Thọ đến Trạm Y tế nhà máy xi măng Long Thọ dài 150m/3.100m; gói thầu số 24 gồm hệ thống thoát nước và vỉa hè 4 phường nội thành (16 tuyến đường); nạo vét và kè hồ kinh thành (6 hồ); chỉnh trang và xây dựng kè dọc bờ sông Đông Ba, được khởi công từ tháng 4/2021, tuy nhiên đến nay chỉ bàn giao mặt bằng sạch 3 hồ và một phần đường Đinh Công Tráng.

Tương tự, Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư OTT4 thuộc khu E - Khu đô thị mới An Vân Dương do Liên danh Công ty Đồng Tâm - Công ty Thiên Phát Thịnh – Công ty Phúc Thành thi công. Mặc dù, chủ đầu tư đã rất nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở nhưng Công ty Thiên Phát Thịnh vẫn thi công rất chậm. Ban QLDA đang rà soát để báo cáo xin chủ trương điều chỉnh dự án để cố gắng giải ngân hết kế hoạch vốn 2023.

Bài 2: Nên thành lập tổ công tác giải phóng mặt bằng

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN - TÂM HUỆ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Danh sách bình luận (1)
TB
Thanh Bình - 27/07/2023 13:31
Vỉa hè phường nội thành làm 2 năm chưa xong (!)

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đột phá trong thu hút đầu tư

Nhiều dự án nghìn tỷ, hàng chục nghìn tỷ được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đã khẳng định vị thế của Thừa Thiên Huế. Chưa bàn đến chuyện “xoay chuyển tình thế” trong việc sẽ tạo ra các giá trị cao, song các dự án đó minh chứng, tỉnh đã có bước đột phá trong thu hút đầu tư.

Đột phá trong thu hút đầu tư
Nhận biết và phòng ngừa dịch cúm gia cầm

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm (DCGC), ngày 23/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức hướng dẫn cách nhận biết và các biện pháp phòng trừ DCGC. Mục tiêu là hạn chế thấp nhất vi rút DCGC lây nhiễm và gây tử vong cho người, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi.

Nhận biết và phòng ngừa dịch cúm gia cầm
ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh

Đông Nam Á có thể mở khóa thêm 300 tỷ USD doanh thu hàng năm từ các khoản đầu tư xanh vào năm 2030, nếu các chính phủ tăng cường hợp tác về lưới điện và thị trường carbon trong khu vực, đồng thời đưa ra những biện pháp khuyến khích tốt hơn cho năng lượng sạch và các quy định rõ ràng hơn về tài chính xanh, theo báo cáo của Bain & Company, GenZero, Standard Chartered và Temasek được công bố ngày hôm nay (15/4).

ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh
Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái

Với mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, khoảng 40-50% địa phương trong cả nước có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới, nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn.

Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top