Tàu neo đậu tài âu thuyền Phú Hải
Bảo vệ tài sản
Vừa chuyển cá lên bờ xong, ngư dân Trần Dành ở phường Thuận An (TP. Huế) liền đưa tàu vào âu thuyền tránh trú. Ông Dành bảo, mặc dù trải qua nhiều trận bão, tích lũy nhiều kinh nghiệm nhưng vẫn không chủ quan, lơ là. Chiếc tàu trị giá cả chục tỷ đồng là tài sản lớn, nếu neo đậu không an toàn để xảy ra tai nạn trong bão sẽ thiệt lớn. Mấy năm gần đây khai thác hiệu quả thấp, nguồn vốn tích lũy ít sẽ gặp khó khăn trong sửa chữa, khắc phục hư hỏng do bão.
Vào được âu thuyền mới tính chuyện neo đậu tàu an toàn, tránh va đập giữa các tàu gây hư hỏng thiết bị. Theo kinh nghiệm của ông Dành, khi neo đậu tàu thuyền, phải giữ khoảng cách theo quy định, giằng neo vào các ụ an toàn, tránh tình trạng dây buộc bị sút dẫn đến tàu bị cuốn trôi, đánh chìm do gió bão. Trên mạn tàu phải treo phao xốp, lốp xe tránh va đập giữa các tàu, gây hư họng mạn và các thiết bị trên tàu.
Trước khi bão xảy ra, ông Dành cũng như nhiều ngư dân tranh thủ đưa lưới cụ, máy móc lên bờ tránh trú bão, đề phòng tàu có thể bị chìm nhưng tránh được hư hỏng, thiệt hại máy móc, lưới cụ. Mọi công việc hoàn tất trước khi bão tràn về nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.
Phó Chủ tịch UBND phường Thuận An, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, sau khi có thông tin về bão số 5, địa phương đã liên lạc với các tàu, yêu cầu di chuyển về bờ trú tránh. Đồng thời tuyên truyền đến với ngư dân các biện pháp di chuyển vào âu thuyền và neo đậu an toàn. Đến 13 giờ ngày 10/9, toàn bộ tàu thuyền đánh bắt xa bờ, gần bờ trên địa bàn phường đều về bờ, neo đậu an toàn.
Trong khi đó, tại xã Phong Hải (Phong Điền), từ sáng 10/9, ngư dân đưa thuyền đến các vị trí cao, kết hợp giằng neo tránh trú bão, triều cường. Địa phương yêu cầu ngư dân hoàn thành việc di chuyển thuyền lên cao tránh trú bão, triều cường chậm nhất vào chiều nay.
Ngư dân không được ở trên tàu
Tàu neo đậu tại âu thuyền Phú Thuận
Ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh thông tin, trước khi bão số 5 đổ bộ vào đất liền, chi cục phối hợp với các địa phương, ban ngành tổ chức liên lạc, kêu gọi tàu thuyền về nơi trú bão. Đến 14 giờ ngày 10/9, tất cả khoảng 500 tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh đều về nơi trú bão, neo đậu an toàn. Trước đó, hơn 1.900 thuyền gần bờ, bãi ngang ven biển toàn tỉnh đã về bờ trú tránh bão, biển động mạnh.
Chi cục đã triển khai tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân các biện pháp di chuyển, cũng như neo đậu an toàn tàu thuyền trong các âu tránh trú bão. Trước khi bão xảy ra, các địa phương cần tiến hành rà soát, nhắc nhở ngư dân trên tàu về nhà trú tránh. Trong thời gian bão diễn ra, ngư dân tuyệt đối không ở lại trên tàu nhằm đảm bảo an toàn tính mạng.
Ông Giang đánh giá, ngư dân chấp hành khá tốt trong việc neo đậu tàu thuyền tránh trú bão. Trong quá trình neo đậu không để xảy tình trạng chen lấn, gây mất trật tự. Các thuyền lần lượt di chuyển vào các âu thuyền neo đậu đúng quy định; được bố trí neo đậu ngăn nắp nhằm tiết kiệm mặt nước trong âu, song tối đa chỉ được neo 3 tàu liền nhau, giữa các tàu có đệm chống va đập và dây liên kết.
Do âu thuyền Phú Hải, Phú Thuận quá tải nên một số tàu thuyền được bố trí tạm thời tránh trú bão tại một số khu vực lân cận phù hợp, kèm theo các biện pháp neo đậu an toàn. Tại các xã vùng biển Phú Lộc, do âu thuyền không đáp ứng cho việc neo đậu nên một số ngư dân đã di chuyển vào âu thuyền ở Đà Nẵng tránh trú bão. Đây là biện pháp “bất đắc dĩ”, tốn kém chi phí đầu tư nhưng không cách nào khác vì âu thuyền chật hẹp và xây dựng chưa hoàn thành.
Bài, ảnh: Hoàng Thế