ClockThứ Ba, 02/01/2024 11:06

Thành phố bên sông

TTH - Việt Nam có không ít những dòng sông chảy qua thành phố, nhưng hiếm nơi nào có dòng sông với đôi bờ nam bắc mềm mại và hiền hòa như sông Hương…

Xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào thành phố HuếCần hành động hợp tác để đảm bảo tương lai đô thịĐẩy nhanh tiến độ các dự án chỉnh trang đô thị

 Không gian hai bên bờ sông Hương là điểm check-in không thể bỏ qua khi đến Huế

Cũng bởi đặc điểm riêng có đó nên đô thị Huế cũng riêng biệt, không thể trùng lắp với bất kỳ đô thị nào trên dải đất hình chữ S này.

Đó là một Huế cổ kính, trầm mặc với những di sản vật thể, phi vật thể ở bờ bắc mà nếu ai đến Huế cũng khó lòng bỏ qua. Là Đại Nội - nơi lưu dấu hình ảnh triều đình nhà Nguyễn một thời; là Cột Cờ, Phu Văn Lâu; là những cổng thành rêu phong, cổ kính… mà nếu chỉ nghe thôi bạn khó mà cảm nhận được hết vẻ trầm mặc, u hoài nhưng không đối chọi trong nhịp sống đô thị hiện đại. Thế nên, những ngôi nhà và những con đường bên trong Thành nội cũng mềm mại, dịu dàng nép mình sau di sản, không xô bồ náo nhiệt nhưng cũng không lỗi thời, lạc nhịp.

Nếu bạn đã quá chán với cảnh chen lấn, chật chội nơi phố thị đông người, thì Thành nội sẽ là điểm dừng chân lý tưởng để tâm hồn được dừng lại, thảnh thơi. Sẽ là nơi sống chậm lý tưởng để sẵn sàng năng lượng cho những hành trình mới. Tôi rất tâm đắc với câu ai đó đã nói rằng: “Huế không chỉ là đô thị có nhiều cây xanh mà còn là nơi chữa lành cho những tâm hồn chịu nhiều tổn thương, những trái tim chịu nhiều vết xước”…

Huế của tôi là thế, dịu dàng, ôm ấp và chở che…

Thế nhưng, nếu bạn muốn thấy một Huế năng động, hiện đại thì chỉ cần rẽ sang bờ nam, ở đó bạn sẽ tìm được những thứ mình cần.

Là cầu gỗ lim sạch mát thích hợp cho những buổi dạo bộ lúc sáng sớm, khi chiều tà. Là phố tây sầm uất, nhộn nhịp thích hợp với những bạn trẻ thích bù khú, nhạc trống xập xình. Là điệu Nam Ai, Nam Bình, điệu lý, điệu thương da diết trên sông Hương mỗi tối. Và hơn hết là hàng trăm thức quà, bánh, món ăn đặc sản ngon, bổ, rẻ như là cơm hến, bánh bèo, nậm, lọc, bún bò, chè bột lọc bọc heo quay, vả trộn, cơm gói lá sen… mà không phải nơi nào bạn đã đi qua cũng đều có được.

 Du khách tham quan và mua sắm tại phố đi bộ Hai Bà Trưng 

Đường rộng, nhà sang, món ngon riêng có của Huế không phải tất cả đều do con người Huế tạo ra đó sao. Dù đường sá, công trình công cộng là từ nguồn ngân sách nhưng cũng bắt nguồn từ tính cách Huế, con người Huế và dựa trên nguyện vọng của đại đa số người Huế mà đầu tư nên mới giữ được cốt cách riêng, tinh thần riêng của Huế.

Có lần trò chuyện với một kiến trúc sư kỳ cựu, ông nói rằng, không chỉ đội ngũ những người làm chuyên môn mà cả với lãnh đạo tỉnh, họ cũng rất trăn trở khi phải chối từ những dự án xây dựng các tòa nhà, khách sạn có chiều cao quá 33 tầng. Như thế nó sẽ phá vỡ không gian đô thị Huế. Họ lựa chọn phát triển nhưng chấp nhận phát triển không đột biến, không tác động quá nhiều đến môi trường, cảnh quan. Thế nên cũng không khó hiểu tại sao Huế không có những tòa nhà chọc trời đồ sộ như một số thành phố khác. Dù nó được ví là biểu tượng của từng thành phố như tòa nhà Landmark 81 TP. Hồ Chí Minh, tòa tháp Burj Khalifa ở Dubai, tháp Thượng Hải - Trung Quốc, tháp Abraj Al-Bait - Ả Rập Xê-Út…

Lựa chọn bình yên, không vội vã, không đánh đổi môi trường để lấy sự phát triển nên Huế luôn riêng biệt và quan trọng nhất là luôn giữ cho mình sự xanh - sạch - sáng. Bạn thử tản bộ trên những con phố, sẽ thấy phố sá luôn sạch sẽ, tinh tươm. Tôi đồ rằng những ai đã từng xê dịch, đến nhiều nơi ít nhất là ở Việt Nam sẽ khó thấy có thành phố nào mà nhiều cây xanh và sạch sẽ, tinh tươm và cả thơm tho như Huế.

Nói đến thơm tho không thể không kể đến dòng sông thơm - sông Hương, bắt đầu từ ngã ba Bằng Lãng chảy qua thành phố về ngã ba Sình rồi đổ về hạ du ra biển. Sở dĩ có tên gọi sông thơm vì phía thượng nguồn từ các lèn ngách đá mọc lên một loài cỏ có tên là thạch xương bồ. Loại cây này có mùi thơm dễ chịu. Khi dòng nước đầu nguồn chảy về mang theo mùi thơm của cỏ tỏa đi muôn nơi, nên sông Hương còn có tên gọi khác là sông thơm.

Cũng nhờ uống nước từ sông thơm, tắm trong dòng nước mát của sông thơm nên tính cách của bao thế hệ người Huế cũng hiền hòa, đằm thắm, tĩnh lặng như mặt nước sông Hương vậy.

Và cũng vì tầm quan trọng, sự ảnh hưởng không thể tách rời của không gian đôi bờ và mặt nước sông Hương đến đời sống, văn hóa, tinh thần của người dân Huế nên trong quy hoạch phát triển, tỉnh luôn lấy sông Hương căn cứ để xác định chiều sâu lùi vào để sông thơm không bị đô thị hóa nhưng cũng không vì thế mà bỏ bê không đầu tư. Bằng chứng là đôi bờ sông Hương bây giờ đã được chỉnh trang sạch đẹp, thoáng đãng, là điểm check-in với hoa tươi, mặt nước, bờ sông lung linh trong từng khung hình của du khách.

Nương theo con nước - nương tựa vào thiên nhiên là triết lý sống lâu đời của các dân tộc trên toàn thế giới. Thế nên mới có những làng mạc, những thành phố hình thành bên sông và trường tồn từ đời này sang đời khác. Tất nhiên, Huế cũng không nằm ngoài quy luật đó. Đó cũng là cách người xưa đã chọn và người nay gìn giữ, bảo vệ dựng xây để có một thành phố bên sông thơ mộng mà hài hòa, duyên dáng như Huế.

Bài, ảnh: LINH ĐAN - NGỌC HÒA
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đầu tư gần 152 tỷ đồng xây dựng tuyến đường đô thị mới La Sơn

Sáng 6/4, lãnh đạo huyện Phú Lộc thông tin, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, huyện Phú Lộc đang triển khai xây dựng dự án (DA) tuyến đường đô thị mới La Sơn (Lộc Sơn) với kinh phí gần 152 tỷ đồng. DA giao trách nhiệm cho BQL Đầu tư Xây dựng khu vực huyện Phú Lộc làm chủ đầu tư.

Đầu tư gần 152 tỷ đồng xây dựng tuyến đường đô thị mới La Sơn
“Năng lượng” mới

Cuối tuần này sẽ diễn ra hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch đô thị chung Thừa Thiên Huế đến năm 2045, định hướng đến năm 2065. Đây được xem là dấu mốc trong hành trình xây dựng Thừa Thiên Huế khởi đầu một giai đoạn phát triển bền vững với chiến lược đánh thức nguồn “năng lượng” mới.

“Năng lượng” mới
Return to top