Doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách tín dụng của ngân hàng
Nhưng đầu tư tư nhân không làm cho chúng ta băn khoăn nhiều lắm vì “đồng tiền bát gạo” là đồng tiền của chính họ nên họ rất đắn đo, xem xét hết sức kỹ lưỡng trong lựa chọn đầu tư. Khối doanh nghiệp tư nhân (DNTN), DN FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài), hộ kinh doanh cá thể phát triển ngày càng mạnh, đóng góp lớn cho nền kinh tế, tạo ra hàng triệu công ăn việc làm cho chúng ta thấy điều đó.
Nhưng có những thứ đầu tư mà không phát triển. Người ta sinh ra những thuật ngữ mới để chỉ điều này, nào là “công trình đắp chiếu”, “công trình làm nghèo đất nước”, “công trình làm năm năm, mười năm vẫn chưa xong”… Dù xét ở khía cạnh nào thì những công trình như vậy ít đóng góp hoặc không đóng góp cho sự phát triển, thậm chí còn kéo sự phát triển thụt lùi. Bởi đồng tiền chúng ta có chỉ chừng đấy, đầu tư cái gì góp phần phát triển thì giá trị vốn ở chu kỳ sau sẽ tăng lên. Nếu đầu tư mười cái mà vài cái chưa, hoặc không phát huy gì được hiệu quả thì có khi chu kỳ sau số vốn cũng chỉ chừng ấy. Nếu nó được xây dựng với chất lượng kém, số tiền bỏ ra duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa có khi làm cho nguồn vốn thụt lùi. Đây là nói về đầu tư công. Nhưng đầu tư tư cũng có những trường hợp không thoát khỏi tình trạng này.
Mới đây nhất là chuyện in sách giáo khoa gây lãng phí đến hàng ngàn tỷ đồng. Sách in ra chỉ sử dụng một lần và không sử dụng được lần hai. Vì để bán được nhiều sách, người ta đưa vào những chỗ mà học sinh phải điền vào. Tiền in sách là công ty mang tính chất Nhà nước. Tiền mua sách là tiền của người dân. Người dân biết rất rõ điều này nhưng đành chịu. Thì tiền của dân đấy, nhưng chúng ta vẫn thấy sự không phát triển. Để làm được điều lãng phí trớ trêu mà “rõ như ban ngày” này, chính một số đại biểu Quốc hội gọi là lợi ích nhóm.
Thế thì đầu tư phát triển là đầu tư như thế nào. Tất nhiên là huy động nhiều nguồn lực, đầu tư đúng nơi, đúng chỗ, phát huy hiệu quả cao nhất.
Cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự. Trong phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng có nhiều điều đáng quan tâm. Thứ nhất là không đầu tư dàn trải. Đầu tư kiểu này vừa tốn công, tốn sức mà còn phân tán nguồn lực. Thứ hai là đầu tư phải phát triển. Có thể hiểu đó là đầu tư vào những công trình mang tính chất trọng điểm, có sức lan tỏa cao. Thủ tướng nhấn mạnh điều này như sau: “Chúng ta làm ra tấm ra món, làm những cái tiếp tục sinh ra tiền, như thế mới gọi là đầu tư phát triển”.
Chuyện chạy vốn làm phân tán nguồn lực cũng được Thủ tướng nhắc nhở trực diện với một cách ví von hóm hỉnh: “Tôi đề nghị các địa phương đừng chạy chọt việc này, nên theo chủ trương lớn, trên cơ sở đó phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đừng chạy cho em chỗ này, cho em chỗ kia, rồi thủy lợi một tí, nông nghiệp một tí, lâm nghiệp một tí, mỗi thứ mỗi tí. Tỉnh cũng không tập trung cho tỉnh mà xuống huyện. Chúng ta không có nguồn lực để làm dàn trải thế này được”.
Tất cả những biểu hiện này đều diễn ra trong thực tế mà chuyện vụ án đang xét xử liên quan đến Công ty AIC làm cho cựu Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai lãnh tù như là một điển hình. Giờ là lúc có muốn cũng không nên làm điều đấy. Hãy nghĩ đến mục tiêu lớn. Khi đầu tư làm sao chúng ta làm cho nó sinh ra giá trị vốn nhiều hơn. Đầu tư công nó cũng giống như bệ đỡ cho nền kinh tế. Khi kinh tế bình thường, nó sẽ tạo ra nền tảng, nhất là nền tảng hạ tầng để thúc đẩy phát triển. Khi kinh tế khó khăn, ngoài ý nghĩa trên nó sẽ tạo ra công ăn việc làm, từ đó góp phần làm hạ nhiệt những khó khăn.
Bài: Nguyên Lê - Ảnh: Hoàng Loan