Thẻ quà tặng - xu thế kinh doanh thời công nghệ số
Phổ biến trên thị trường kinh doanh ẩm thực ở Hoa Kỳ
Thẻ quà tặng (tên tiếng Anh là gift card) có hình thức và kích thước tương tự như thẻ tín dụng, được in trên 1 thẻ cứng nên khi phát hành thường cộng thêm phí làm thẻ, có mã số duy nhất được mã hóa bằng barcode hoặc bằng từ và không ghi danh tên nên cá nhân nào cũng có thể sử dụng. Thẻ quà tặng được xác nhận bởi các hệ thống máy thanh toán và có thể nạp tiền để sử dụng nhiều lần.
Hiện nay, có hai loại thẻ quà tặng được bày bán trên thị trường phân chia thành hai nhóm chính: Nhóm Gift Card opened-loop (tạm dịch là thẻ quà tặng không giới hạn nơi mua) là những thẻ quà tặng có logo của Visa, Master Card hay American Express. Loại này khá thuận lợi bởi có thể mua sắm ở bất cứ cửa hàng nào chấp nhận thẻ tín dụng. Nhóm thứ 2 là nhóm Gift Card closed-loop (thẻ quà tặng giới hạn nơi mua) vì nó chỉ được sử dụng mua trực tiếp hoặc qua mạng tại các siêu thị, cửa hàng đã được quy định logo ghi trên thẻ.
Thị trường kinh doanh ẩm thực ở Hoa Kỳ cũng không thể đứng ngoài cuộc trong việc phát hành này. Đồng thời với việc mở rộng chi nhánh trên toàn quốc, sự cạnh tranh cho việc xuất hiện của thẻ quà tặng của các thương hiệu kinh doanh ăn uống nổi tiếng cũng khốc liệt không kém. Người tiêu dùng sẽ "hoa mắt" khi lạc vào hệ thống trưng bày thẻ trên các kệ trong siêu thị, nhà sách, quầy thuốc tây, cây xăng ven đường… Họ có xu hướng chọn các thương hiệu theo ý thích cá nhân, hoặc nếu không thì cứ chọn loại nào nằm ở trên cùng. Nắm bắt được tâm lý ấy, các thương hiệu thi nhau xây dựng mối quan hệ tốt, chi chiết khấu cao với đại lý để được đặt để lên dãy đầu. Thông thường, các nhà hàng có thương hiệu sẽ chiếm trên 50 - 60% tổng số thẻ được trưng bày trên kệ bán thẻ quà tặng.
Đối với người Việt ở Hoa Kỳ, việc mua thẻ quà tặng để tặng người khác có lẽ còn mới mà hầu hết vẫn giữ văn hóa tặng phong bì có đựng tiền mặt bên trong. Nhưng dần dần trong xu hướng phát triển của công nghệ số cũng như tôn trọng sự tự do lựa chọn của đối tác, việc “quy ra… thẻ quà tặng” cũng đã dần phổ cập hơn.
Nghĩ đến phố Tây
Theo xu hướng hội nhập với thế giới thì sự xuất hiện của các nhà hàng mang hương vị… Tây đã được người dân địa phương và du khách bốn phương đón nhận. Các nhà hàng tìm đến việc kinh doanh những ẩm thực đặc trưng của từng nước trên thế giới như Nhà hàng TA-KE của Công ty Đông Kinh chuyên về món Nhật. Mang bản sắc văn hóa nước Ý có nhà hàng Little Italy. La Carambole có ông chủ người Pháp nên khá nổi tiếng với các món từ nước Pháp, rồi không thể không nhắc đến nhà hàng Ấn Độ với mùi cà ri đặc trưng, Nhà hàng Thai cuisine chuyên về món Thái Lan, Why not bar cũng có kinh doanh các món ngon từ nước Mexico xa xôi…
Sự đa dạng trong việc kinh doanh ẩm thực quốc tế đã mang đến nhiều sự lựa chọn cho những người sành ăn ở Huế, đặc biệt là giới trẻ, những người thích khám phá những điều mới lạ. Điều này cũng cần có sự ra đời thêm một “Hue International Food Festival” (Liên hoan ẩm thực quốc tế Huế) không chỉ diễn ra một hai ngày, mà có thể kéo dài suốt thời gian diễn ra bốn mùa Festival Huế, đi kèm với các chương trình quảng bá ẩm thực Huế với sự chung tay của các nhà hàng trên địa bàn cùng tham gia. Đây là tiền đề cho sự ra đời của thẻ quà tặng dành riêng cho các nhà hàng ở Huế. Bởi ngoài việc một số nhà hàng đã tự phát hành cho riêng mình các hình thức phiếu giảm giá (discount card) hay coupon (phiếu mua hàng có giá tiền) có nhiều mệnh giá để tặng khách hàng thì với việc Sở Du lịch tỉnh kết hợp với các ban, ngành để phát hành các thẻ quà tặng có mệnh giá ví dụ như 100 ngàn cho một người ăn, 200 ngàn cho bữa trưa phục vụ 2 người (từ 11h – 14h), 300 ngàn cho bữa tối phục vụ 2 người (17h – 20h), thực khách có thể mua và mang đến sử dụng tại một trong những nhà hàng tham gia chương trình để thưởng thức.
Dĩ nhiên hệ thống các nhà hàng cũng sẽ chuẩn bị những phần ăn combo đặc sắc có trị giá tương đương mệnh giá kèm nhiều khuyến mại lớn hơn là khách tự gọi món để kích thích việc sử dụng thẻ quà tặng. Việc quảng bá chương trình này đến khách du lịch, người dân địa phương qua các kênh thông tin cũng là trách nhiệm của Sở Du lịch nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ cá thể kinh doanh ẩm thực quốc tế tiếp cận với khách hàng của mình nhanh hơn, đa dạng hơn, nhất là khách quốc tế khá quen với hình thức thanh toán này thay vì khách hàng ít có sự lựa chọn ngoài việc thưởng thức các món Huế thuần túy trong thực đơn phục vụ.
Hy vọng những chiếc thẻ quà tặng này sẽ sớm xuất hiện trên các kệ bày bán khắp nơi trong thành phố như là một điểm mới khuyến khích cho ngành du lịch ẩm thực tỉnh nhà.
Bài, ảnh: Phan Quốc Vinh