Đào tạo nghề cho thanh niên tại Trung tâm Dạy nghề Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Thái Hiền
Nhiều thỏa thuận việc làm
Theo Bộ LĐ-TB&XH, năm 2016 trung bình mỗi quý con số LĐ thất nghiệp tăng 20-30 nghìn người. Cụ thể, trong quý II năm 2016 có 1,088 triệu LĐ thất nghiệp, đến quý IV con số này là gần 1,2 triệu người. Tuy nhiên, đây cũng là lúc thị trường LĐ trong và ngoài nước được đánh giá có nhiều khởi sắc với 111 nghìn doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới. Tỷ lệ thất nghiệp chung và tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị được duy trì ở mức thấp, lần lượt là 2,30% và 3,18%.
Việc làm cho LĐ ở nước ngoài cũng có nhiều điểm chú ý với mục tiêu trên 100 nghìn LĐ có việc làm. Các hiệp định và thỏa thuận về hợp tác LĐ với Thái Lan, Lào, Australia đang được thực hiện. Cùng với đó là các hoạt động tăng cường đưa LĐ có trình độ sang làm việc ở các thị trường tiềm năng. Nhật Bản đã kéo dài thời gian lưu trú cho thực tập sinh lên 5 năm, mở rộng tiếp nhận thêm nhiều ngành nghề. Việt Nam cũng thỏa thuận với Đức tuyển chọn đào tạo điều dưỡng sang làm việc trong các bệnh viện tại nước này...
Những tín hiệu vui của năm 2016 và thành tựu về kinh tế dự báo thị trường LĐ năm 2017 sẽ khởi sắc. Theo bà Nguyễn Thị Hải Vân thì gia tăng LĐ chủ yếu dựa vào cơ cấu dân số vàng. Do đó, việc tái cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng năng suất LĐ, chất lượng và sức
cạnh tranh có tác động lớn đến việc làm của NLĐ. Ngành LĐ-TB&XH cũng theo đó để ổn định và thúc đẩy phát triển.
Bà Nguyễn Thị Hải Vân cho biết, Bộ đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó tiếp tục thực hiện tốt các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế. Đồng thời thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, thu hút và giải quyết việc làm.
Bộ LĐ-TB&XH cũng từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất LĐ, cải thiện điều kiện làm việc cho LĐ khu vực phi chính thức, thúc đẩy chuyển dịch sang khu vực chính thức.
Chú trọng hệ thống sàn giao dịch
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Bộ rất chú trọng đến hệ thống sàn giao dịch việc làm (GDVL), tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tạo tiền đề cho LĐ trẻ có điều kiện khởi nghiệp và tiếp cận việc làm bền vững. Quy hoạch giai đoạn 2016-2025 xác định sẽ có 131 trung tâm (TT) GDVL. Các TT không những kết nối cung cầu LĐ trong nước, mà còn tư vấn, hướng nghiệp cho LĐ thất nghiệp đi làm việc ở nước ngoài. Ở Hà Nội, các TT thường tổ chức các phiên GDVL dành cho LĐ đã làm việc ở nước ngoài trở về, kết hợp với TT LĐ ngoài nước tư vấn xuất khẩu lao động. Đây là điều kiện thuận lợi khi năm 2017 Bộ LĐ-TB&XH có đề án đưa LĐ là thạc sĩ, cử nhân đi xuất khẩu LĐ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, từ nay đến năm 2025, các TT giữ vai trò chủ đạo trong việc kết nối cung cầu LĐ, giúp ổn định và phát triển thị trường LĐ. Mục tiêu năm 2020, 100% NLĐ đến đây được tư vấn việc làm và học nghề, trong đó 70% NLĐ được giới thiệu tìm việc làm có kết nối việc làm thành công; đáp ứng 50% nhu cầu tuyển dụng LĐ của DN. Các TT phải đẩy mạnh tính tự chủ với việc kiện toàn hệ thống để chia sẻ thông tin, tăng cường kết nối cung cầu LĐ... và chuẩn hóa đội ngũ nhân lực làm công tác GDVL, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường LĐ và hội nhập khu vực, thế giới.
Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH giao nhiệm vụ cho Tổng cục Dạy nghề, Cục Việc làm, Viện Khoa học - Lao động và Xã hội xây dựng Đề án tổ chức thực hiện dự báo cung cầu về thị trường LĐ nhằm đưa ra những số liệu ngắn hạn, trung hạn, dài hạn phù hợp thực tiễn. Trong năm 2017, Cục Việc làm phải kết nối được với Tổng cục Thống kê để đưa ra những số liệu, phát ngôn chính thức về dự báo cung cầu thị trường LĐ. Và muốn vậy, các đơn vị liên quan phải chuẩn bị tốt chất lượng nguồn nhân lực để sẵn sàng đáp ứng.
Theo Hà Nội Mới