|
Theo báo cáo mới nhất của ILO, thị trường lao động khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã phục hồi tốt kể từ sau đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa: TTXVN |
ILO cho biết, năm 2023, thị trường lao động trong khu vực đã có những tín hiệu phục hồi tích cực, với tỷ lệ tăng trưởng việc làm đạt 2,4%, cao hơn mức 2% của năm 2022 và 0,9% của giai đoạn 2019 - 2021, chủ yếu là nhờ các nước trong khu vực đã nỗ lực khôi phục kinh tế, các ngành công nghiệp sản xuất dần phục hồi và dân số tiếp tục tăng trưởng ổn định. Tỷ lệ thất nghiệp ở châu Á - Thái Bình Dương cũng được dự đoán sẽ không thay đổi trong năm 2024 và 2025, ở mức 4,2% - thấp hơn mức trước đại dịch.
Trước đó, Tập đoàn tuyển dụng quốc gia Ambition (Singapore) dự báo thị trường lao động ở châu Á trong năm 2024 sẽ sôi động trở lại, trong đó lĩnh vực dịch vụ sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực kể từ sau đại dịch, chiếm hơn 60% GDP khu vực. Ước tính, mảng dịch vụ sẽ tạo thêm hơn 20 triệu việc làm cho châu Á trong năm 2024, tập trung vào các ngành thương mại điện tử, du lịch và tài chính.
Nhiều thách thức phải đối mặt
Mặc dù triển vọng thị trường việc làm khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2024 được đánh giá khá tích cực nhưng vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết. Các vấn đề dai dẳng liên quan đến tình trạng thiếu việc làm và tỷ lệ đáng kể người lao động tham gia vào các công việc phi chính thức, chất lượng thấp vẫn tồn tại, bất chấp nhiều thập kỷ tăng trưởng kinh tế. Năm 2023, 2/3 người lao động vẫn làm việc phi chính thức, chỉ cải thiện 2 điểm phần trăm trong suốt 10 năm.
“Việc thiếu cơ hội việc làm đáp ứng các tiêu chí việc làm bền vững, bao gồm cả thu nhập tốt, không chỉ gây nguy hiểm cho công bằng xã hội trong khu vực mà còn là yếu tố rủi ro đối với triển vọng thị trường lao động”, báo cáo nêu rõ, đồng thời cũng đề cập đến nhiều thách thức khác, đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp ở những người trẻ không đi học - cao hơn gấp 3 lần tỷ lệ người lớn, ở mức 13,7%.
Song song đó, việc tăng cường sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ tự động hóa khác sẽ khiến một số người mất việc, trong đó phụ nữ làm công việc văn thư và công nghệ thông tin có nhiều khả năng bị ảnh hưởng nhất.
Đáng lưu ý, các yếu tố khác như tranh chấp thương mại và bất ổn chính trị cũng có nguy cơ làm gián đoạn việc làm trong một số ngành, nhưng dân số già hóa còn đặt ra thách thức lớn hơn khi nhiều quốc gia đang “già đi trước khi trở nên giàu có”.
Báo cáo của ILO cho biết, tỷ lệ người trên 65 tuổi ở châu Á so với những người từ 15-64 tuổi được dự đoán sẽ tăng gấp đôi lên khoảng 30% vào năm 2050, từ mức khoảng 15% vào năm 2023. Sự thay đổi nhân khẩu học này sẽ làm tăng đáng kể tỷ lệ phụ thuộc kinh tế, đặt ra những thách thức cho việc duy trì tăng trưởng kinh tế.
Cần nhiều nỗ lực hơn
Bất chấp tình hình dân số già đi nhanh chóng, khu vực này vẫn có thể đạt được mức tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người liên tục trong những thập kỷ tới nếu tốc độ tăng năng suất mạnh mẽ có thể được duy trì. Năng suất lao động tại các nền kinh tế mới nổi ở châu Á - Thái Bình Dương hiện chưa bằng 1/3 năng suất lao động ở các nước có thu nhập cao trong nhiều lĩnh vực, cho thấy vẫn còn tiềm năng to lớn về việc nâng cao hiệu quả và tăng thu nhập. Để hiện thực hóa những lợi ích này, cần phải vượt qua các rào cản về cơ cấu và tình trạng thiếu cơ hội đào tạo để tạo điều kiện cho lực lượng lao động đông đảo trong khu vực sẵn sàng đảm nhận những công việc tốt hơn, với năng suất và tiền lương cao hơn.
Ngoài ra, ILO kêu gọi các quốc gia cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đảm bảo người lao động có được mạng lưới giáo dục, đào tạo và an sinh xã hội cần thiết, giúp tăng thu nhập và đảm bảo công bằng xã hội. Đồng thời, cũng cần phải cải cách chính sách và thực hiện tốt hơn các tiêu chuẩn hiện hành để giảm bất bình đẳng, cải thiện triển vọng thị trường lao động cho người lao động lớn tuổi và đảm bảo hệ thống lương hưu công bằng, nhằm giải quyết những thay đổi nhân khẩu học sắp xảy ra.
“Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể già đi nhanh chóng nhưng sẽ không thiếu lao động. Tuy nhiên, cần phải cấp bách đảm bảo rằng, những người đang tìm kiếm việc làm bền vững có thể tiếp cận được các chương trình đào tạo và cơ hội họ cần, để nhu cầu thị trường lao động ngày càng phát triển và có thể đáp ứng nhu cầu của người cần tìm việc”, Giám đốc ILO khu vực châu Á - Thái Bình Dương Chihoko Asada-Miyakawa cho biết.