|
Hạ tầng giao thông kết nối được đầu tư, tạo thế mạnh trong thu hút đầu tư |
Nhiều dư địa
Ngoài lợi thế cảnh quan thiên nhiên, là trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc của Việt Nam, Thừa Thiên Huế còn có những lợi thế trong phát triển kinh tế khi là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nằm trên trục giao thông Bắc - Nam và trục hành lang kinh tế Đông – Tây. Ngoài ra, cảng nước sâu Chân Mây là cửa ngõ đường biển gần nhất để vận chuyển hàng hóa, mở rộng đầu tư, thương mại, du lịch, đóng vai trò là một trong những cửa “vào - ra” quan trọng của tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây.
Cùng với những lợi thế sẵn có, Thừa Thiên Huế cũng đầu tư cho phát triển hạ tầng, giao thông kết nối, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư và kinh doanh tại địa phương.
Thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã hoàn thành việc nâng cấp nhà ga quốc tế tại Sân bay Quốc tế Phú Bài, với tổng diện tích xây dựng khoảng 22.380m2, khả năng đón tiếp 5 triệu lượt khách/năm. Cảng Chân Mây cũng đã được đầu tư xây dựng hoàn thành 3 cầu cảng với tổng chiều dài 910m, có khả năng tiếp nhận tàu hàng có trọng tải đến 70.000 tấn. Tỉnh cũng đang áp dụng một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây.
Cùng với các hạ tầng thương mại hiện có, Thừa Thiên Huế cũng đang mở rộng thêm nhiều cơ sở thương mại phục vụ lượng khách du lịch hiện đang trở lại sau đại dịch, đặc biệt là tập trung đẩy nhanh tiến độ Trung tâm thương mại Aeon Mall (Nhật Bản).
Việc chuẩn bị sẵn quỹ đất tạo tiền đề cho nhà đầu tư nghiên cứu thực hiện dự án cũng được quan tâm, nhất là hạ tầng và quỹ đất tại các khu công nghiệp. Hiện, Thừa Thiên Huế đã quy hoạch phát triển 2 khu kinh tế, diện tích khoảng 37.292ha và 6 khu công nghiệp (KCN) diện tích khoảng 2.393ha. Trong đó, diện tích đất sạch tại các KCN sẵn sàng kêu gọi các nhà đầu tư vào đầu tư khoảng 360ha.
|
Lãnh đạo tỉnh thường xuyên thị sát tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp |
Hiện, KCN Phong Điền có quỹ đất sạch khoảng 80ha (KCN C&N Vina Hàn Quốc 40ha; Khu B KCN Phong Điền 30ha, KCN Viglacera 10ha) tập trung thu hút các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp nhẹ, công nghiệp sạch, ưu tiên cho ngành sản xuất và chế biến cát. KCN Tứ Hạ có quỹ đất sạch khoảng 20ha thu hút các ngành công nghiệp cơ khí, điện tử, dệt may, da giày, chế biến nông, lâm, thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp khác. KCN Phú Bài với quỹ đất sạch khoảng 70ha (Phú Bài 4 đợt 1 40ha; KCN Gilimex 25ha) tập trung thu hút các ngành công nghiệp tổng hợp xanh, sạch, công nghệ tiên tiến, bố trí các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp nhẹ, công nghiệp sạch. KCN La Sơn với quỹ đất sạch khoảng 40ha, ưu tiên bố trí các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp nhẹ, công nghiệp sạch. KCN, khu phi thuế quan Sài Gòn Châu Mây với quỹ đất sạch hiện tại khoảng 50ha, dự kiến sẽ phát triển quỹ đất sạch lên khoảng 150ha để thu hút các loại hình công nghiệp sạch, công nghiệp cao, thân thiện với môi trường và các hoạt động thương mại tổng hợp.
Với quỹ đất sạch tương đối lớn, cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại các KCN sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư khi đến nghiên cứu đầu tư tại các KCN, KKT của tỉnh.
|
Các nhà đầu tư có môi trường thuận lợi để tương tác |
Lợi thế về chính sách
Cùng với đầu tư hạ tầng, việc hoàn chỉnh đồng bộ các quy hoạch cũng tạo nền tảng quan trọng trong thu hút đầu tư. Mới nhất là Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 vừa được công bố. Việc công bố các quy hoạch này phần nào giúp các đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước có cái nhìn toàn diện hơn về tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Lãnh đạo tỉnh cũng cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong nghiên cứu thực hiện các dự án đầu tư. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Trường Lưu, tại hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 đã khẳng định, Thừa Thiên Huế cam kết sẽ nỗ lực hết mình để tạo dựng môi trường đầu tư bình đẳng, thuận lợi, thực chất, hiệu quả, nhanh chóng biến những tiềm năng, lợi thế thành kết quả cụ thể, thiết thực; luôn lắng nghe, chia sẻ, sẵn sàng hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đồng hành với doanh nghiệp, nhà đầu tư và mong muốn các nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng chung sức với địa phương sớm hiện thực hóa các quy hoạch.
Thừa Thiên Huế cũng là địa phương đi đầu trong ban hành và thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Những năm gần đây, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao, giữ gìn môi trường đầu tư minh bạch, công khai và thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Nhiều năm liền, Thừa Thiên Huế luôn được ghi danh vào top 10 những địa phương điều hành kinh tế xuất sắc. Cụ thể, năm 2021 Thừa Thiên Huế xếp vị trí thứ 8, năm 2022 xếp vị trí thứ 6 và năm 2023 xếp vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Thừa Thiên Huế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để bảo đảm tính công khai, minh bạch, giảm thời gian giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin tích hợp, cập nhật đầy đủ, kịp thời các quy hoạch, cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh; bảo đảm cơ sở dữ liệu có đủ độ tin cậy và bao quát, minh bạch các số liệu. Số hóa mọi quy trình, thủ tục của các cơ quan hành chính, đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến, số hóa 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt và thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, tạo nhiều quỹ đất sạch làm cơ sở để xúc tiến, thu hút đầu tư.
Đồng thời, tiếp tục duy trì các hoạt động tiếp xúc với nhà đầu tư ngay cả sau khi hoàn tất thủ tục và triển khai dự án đầu tư; tăng cường các hoạt động trao đổi thông tin hai chiều, đối thoại chính sách giữa cơ quan quản lý và nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, giải đáp thắc mắc với nhà đầu tư, thúc đẩy nhà đầu tư mở rộng, đăng ký vốn tăng thêm đối với dự án đang triển khai. Có thể khẳng định Thừa Thiên Huế đang hội tụ đầy đủ các điều kiện “thiên thời, địa lợi nhân hòa” trong thu hút đầu tư.
Có lẽ vì thế, Thừa Thiên Huế đã và đang trở thành điểm đến cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong giai đoạn 2017-2022, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 259 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 86.097 tỷ đồng. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã cấp mới 25 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 9.374 tỷ đồng (gồm 8 dự án FDI vốn đăng ký 134,8 triệu USD tương đương 3.219 tỷ đồng). Trong 5 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã cấp mới cho 20 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 5.326 tỷ đồng.
(còn nữa)