ClockThứ Tư, 17/07/2024 07:43

Xu hướng mới của công nghiệp ở Bắc Trung Bộ

Thông qua việc kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, thời gian qua, các tỉnh Bắc Trung Bộ đã thu hút, mời gọi được nhiều tập đoàn, nhà sản xuất chiến lược, có uy tín, có thực lực đến xây dựng hệ sinh thái khu công nghiệp đạt chuẩn quốc tế. Đi kèm với đó là các lĩnh vực sản xuất xanh, công nghệ mới, công nghiệp hỗ trợ… góp phần gia cố nền tảng phát triển toàn diện cho các địa phương trong khu vực.

“Xanh hóa” trong sản xuất công nghiệp - Bài 2: Đua với công nghiệp xanh“Xanh hóa” trong sản xuất công nghiệp - Bài 1: Tiên phong với sản xuất “xanh”Chia sẻ về "công nghiệp xanh"Kinh tế xanh, cuộc sống xanh

 Nhà máy sản xuất pin VINES Vũng Áng của Công ty cổ phần giải pháp năng lượng VINES Hà Tĩnh.

Để đồng hành cùng các nhà đầu tư, các tỉnh Bắc Trung Bộ đã chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất thực hiện các dự án, hạ tầng thiết yếu, nguồn nhân lực, tích cực cải cách, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh và đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp để mở rộng cơ hội thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Tạo hệ sinh thái khu công nghiệp chuẩn quốc tế

Điểm lại hơn một thập kỷ qua, trước hết phải nhắc đến dấu ấn đột phá vào năm 2008 khi Hà Tĩnh mời gọi Tập đoàn Formosa đầu tư dự án FDI lớn nhất Việt Nam tại Khu kinh tế Vũng Áng. Đó là Dự án Nhà máy liên hợp gang thép công suất 7,5 triệu tấn/năm và cảng Sơn Dương Formosa, khi đi vào hoạt động ổn định đã đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho gần 6.000 lao động trong nước với thu nhập ổn định. Dự án trọng điểm này đã tạo động lực mới để Khu kinh tế Vũng Áng đánh thức những lợi thế về cảng biển, tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, từng bước hình thành trung tâm công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, nhiệt điện và cảng biển nước sâu của khu vực miền trung cũng như cả nước.

Theo Trưởng phòng Quản lý đầu tư (Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh) Vũ Ngọc Thành, cùng với việc chủ động tiếp cận nhiều tập đoàn kinh tế lớn ở trong và ngoài nước để mời gọi đầu tư, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục ban hành, điều chỉnh chính sách thu hút mới, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh.

Nhờ đó, hàng loạt nhà đầu tư có uy tín và thực lực đã lựa chọn Khu kinh tế Vũng Áng làm điểm đến để mở rộng quy mô đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Điển hình là dự án Nhà máy sản xuất pin VINES Vũng Áng của Công ty cổ phần giải pháp năng lượng VINES Hà Tĩnh có tổng mức đầu tư 3.784 tỷ đồng đã đi vào hoạt động. Đây là nhà máy sản xuất pin hiện đại nhất Việt Nam, sử dụng các công nghệ tiên tiến hàng đầu theo tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu với mức độ tự động cao (hơn 80%); dự án đầu tư Nhà máy sản xuất và thương mại công nghệ pin lithium của Công ty TNHH giải pháp năng lượng công nghệ cao V-G có tổng mức đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động trong quý III năm 2024 với công suất 30 triệu cell pin sạc LFP mỗi năm. Sự ra đời của hai dự án là “lực đẩy” quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội Hà Tĩnh phát triển bền vững.

Tại tỉnh Nghệ An, sự xuất hiện của Khu công nghiệp-Đô thị và Dịch vụ VSIP Nghệ An, giai đoạn 1 (gọi tắt Khu công nghiệp VSIP 1) cũng mở ra cơ hội tăng trưởng. Theo Phó Giám đốc Công ty TNHH VSIP Nghệ An Nguyễn Hồng Nguyên, Khu công nghiệp VSIP 1 Nghệ An, có vốn đầu tư gần 280 triệu USD, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế theo hướng phát triển xanh, thân thiện với môi trường, nằm gần các tuyến giao huyết mạch, cho nên đã thu hút được các tập đoàn, nhà đầu tư lớn của thế giới.

Sau hơn tám năm hoạt động, đến nay Khu công nghiệp VSIP 1 đã thu hút 48 dự án đầu tư, trong đó có 28 dự án FDI. Hiện 31 dự án đã đi vào hoạt động, bước đầu tạo việc làm cho hơn 18.000 lao động; các dự án khác đang và chuẩn bị xây dựng. Diện tích đất cho thuê là 243,9 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 97%; tổng vốn đầu tư của các nhà đầu tư thứ cấp tại Khu công nghiệp VSIP 1 Nghệ An là 1,328 tỷ USD; trong đó, phải kể đến nhà máy của tập đoàn điện tử Luxshare có tổng vốn đầu tư 290 triệu USD; nhà máy sản xuất điện tử-cơ khí chính xác của Tập đoàn Everwin Prevcision Hồng Kông (Trung Quốc) với vốn đầu tư gần 310 triệu USD hay nhà máy của Công ty TNHH Công nghệ LUXCASE (Việt Nam) với số vốn đầu tư 174 triệu USD…

Dự kiến, khi toàn bộ các nhà máy đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho khoảng 70.000 lao động. Trong năm 2024, đơn vị sẽ triển khai dự án VSIP Nghệ An 2 với diện tích 500 ha tại Khu công nghiệp Thọ Lộc, huyện Diễn Châu. Hiện, Nghệ An đã bàn giao mặt bằng được hơn 300 ha và doanh nghiệp đang triển khai thi công hạ tầng kỹ thuật, tuy nhiên, đã có ba tập đoàn lớn liên quan đến lĩnh vực điện tử, dệt may cao cấp ký cam kết đầu tư với số vốn hơn một tỷ USD.

Theo thông tin từ Khu kinh tế Đông Nam, Công ty cổ phần WHA Industrial Zone Nghệ An đã đầu tư dự án WHA Industrial Zone 1-Nghệ An với quy mô 498 ha ở huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Khu công nghiệp này đã thu hút được 32 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,65 tỷ USD; trong đó, dự án nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện của Tập đoàn Goertek với tổng mức 500 triệu USD đang là dự án FDI có tổng mức đầu tư lớn nhất Nghệ An.

Kế đến, Công ty cổ phần Hoàng Thịnh Đạt đầu tư Khu công nghiệp Hoàng Mai I ở thị xã Hoàng Mai, đã thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký hơn 700 triệu USD, đạt tỷ lệ lấp đầy 86%; trong đó riêng Runegy-Tập đoàn công nghệ năng lượng mặt trời lớn nhất của Trung Quốc và thế giới đã đầu tư nhà máy sản xuất thanh silic đơn tinh thể và địa bán dẫn với số vốn đầu tư 440 triệu USD (giai đoạn 1)...

Chủ động tìm kiếm nhà đầu tư

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết, để chủ động mời gọi các nhà đầu tư chiến lược đến sản xuất, kinh doanh, tỉnh đã chuẩn bị “5 sẵn sàng” gồm Quy hoạch, hạ tầng kết nối, mặt bằng sạch, nguồn nhân lực và hỗ trợ thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đây được xem là thông điệp khẳng định cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh nhắn gửi đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Điều đáng ghi nhận, thời gian qua, lãnh đạo hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cùng các địa phương và các ngành liên quan đã dành thời gian, quan tâm giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, tập trung tối đa nguồn lực để đầu tư nâng cấp các hệ thống hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối, tạo điều kiện cần thiết, thuận lợi, giúp các khu công nghiệp trở thành một điểm đến hấp dẫn.

Bên cạnh đó, các đoàn công tác của hai tỉnh đồng hành cùng nhà đầu tư khu công nghiệp đã lập đoàn công tác đến các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ gặp gỡ các tập đoàn, công ty lớn, các hiệp hội doanh nghiệp, thương mại để chủ động tìm kiếm, mở rộng cơ hội thu hút đầu tư FDI.

“Hà Tĩnh đã và đang nỗ lực kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thân thiện, thuận lợi, khai thác tiềm năng lợi thế, đẩy mạnh huy động nguồn lực để đầu tư nâng cấp hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, cảng biển…, tạo nền tảng để thu hút và thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư trên địa bàn”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải cho biết thêm.

Mới đây Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) đã khởi công Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Bắc Thạch Hà với tổng mức đầu tư hơn 1.555 tỷ đồng. Quy mô sử dụng đất dự án (giai đoạn 1) là 190,41 ha, tại địa bàn hai xã Thạch Liên và Việt Tiến, huyện Thạch Hà.

Theo đánh giá của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, đây là bước đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp theo chiều sâu, gắn với mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; góp phần quan trọng tăng thu ngân sách, tăng cường nội lực của tỉnh cho đầu tư phát triển, tạo việc làm và giải quyết tốt hơn các vấn đề an sinh xã hội, góp phần đưa Hà Tĩnh từng bước trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền trung.

Những kết quả tích cực của Nghệ An và Hà Tĩnh thời gian gần đây đã góp phần quan trọng tạo động lực để các tỉnh này đẩy mạnh tốc độ thu hút đầu tư. Nếu Hà Tĩnh có Khu liên hợp gang thép lớn nhất Đông Nam Á thì Nghệ An đã dần hình thành một hệ sinh thái nhà đầu tư trong lĩnh vực điện tử công nghệ cao như Foxconn, Goertek, Luxshare-ICT, Everwin, TuTeng…

Từ “vùng trũng” đầu tư FDI, hiện Nghệ An đang có nhiều nhà đầu tư lớn “đổ bộ” đến và liên tiếp trong các năm gần đây lọt vào tốp 10 về thu hút đầu tư FDI lớn nhất toàn quốc. Cụ thể năm 2022, năm đầu tiên tỉnh thu hút vốn FDI đạt gần một tỷ USD; năm 2023, thu hút vốn đầu tư FDI được hơn 1,2 tỷ USD. Đến nay, Nghệ An có 312 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký 168,7 nghìn tỷ đồng; trong đó, có 89 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký hơn 4,1 tỷ USD…

Với sức hút đầu tư mạnh mẽ của các khu công nghiệp, khu kinh tế, cùng với các cơ chế, chính sách thông thoáng, cởi mở, đồng hành của các địa phương, Nghệ An và Hà Tĩnh tiếp tục trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư, nhất là các tập đoàn có thương hiệu toàn cầu nhằm sớm đưa các tỉnh Bắc Trung Bộ này trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp điện tử, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, cơ khí chính xác… của cả nước và khu vực.

Theo nhandan.vn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thời tiết ngày 15/12: Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trời rét đậm

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 15/12, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến phía Bắc của vực Nam Trung Bộ; ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; khu vực biển Trung Bộ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Thời tiết ngày 15 12 Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trời rét đậm
Thời tiết ngày 7/12: Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trời chuyển rét

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 7/12, không khí lạnh được tăng cường mạnh hơn, tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ, phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; sau đó ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ và một số nơi ở Nam Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5.

Thời tiết ngày 7 12 Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trời chuyển rét
Khánh thành trạm biến áp 110kV tại Phong Điền

Chiều 1/12, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lễ khánh thành Dự án (DA) trạm biến áp (TBA) 110kV khu công nghiệp (KCN) Phong Điền. Tổng Giám đốc EVNCPC Ngô Tấn Cư, cùng đại diện các ban, ngành, đơn vị liên quan đến dự, cắt băng khánh thành.

Khánh thành trạm biến áp 110kV tại Phong Điền

TIN MỚI

Return to top