ClockThứ Ba, 24/10/2023 07:19

Tìm hướng thoát nghèo bền vững cho vùng cao

TTH - Hơn 4.000 thanh niên trong độ tuổi lao động đang thiếu việc làm ổn định là bài toán mà huyện A Lưới tập trung giải quyết. Đào tạo nghề phi nông nghiệp, nông nghiệp và định hướng tham gia các thị trường lao động phù hợp là những phương án được các ngành, cơ sở triển khai thực hiện.

Hướng đi mới để giảm nghèo bền vững Đồng hành cùng hộ nghèoGiảm nghèo ở Đông Sơn

Đào tạo nghề cho người lao động để có tay nghề xin việc làm thuận lợi, ổn định 

Tạo việc làm để thoát nghèo bền vững

Qua điều tra rà soát (theo chuẩn nghèo đa chiều), toàn huyện A Lưới hiện có 7.022 hộ nghèo, chiếm 49,98%; 2.185 hộ cận nghèo, chiếm 15,55%. Như vậy, tổng hộ nghèo và cận nghèo toàn huyện chiếm trên 65%. Số xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25% là 13 xã, chiếm 72% số xã có tỷ lệ nghèo cao toàn huyện.

Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới thông tin, để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 26,12% vào cuối năm 2023 và đưa A Lưới ra khỏi danh sách huyện nghèo, phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 12,01%, cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững từ huyện đến cơ sở đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, phương án giảm nghèo bền vững cho từng hộ gia đình.

Huyện đã xây dựng đề án giảm nghèo bền vững đến năm 2025 với những mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp cụ thể và phù hợp. Trong đó chú trọng đến các giải pháp về đào tạo nghề, việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Kế hoạch tạo việc làm cho người lao động ở A Lưới giai đoạn 2021 - 2025 là 2.500 người, ước thực hiện đến hết năm 2023 sẽ có 3.333 lao động được giải quyết việc làm, đạt hơn 120% kế hoạch giai đoạn 2021-2023 và đạt gần 80% kế hoạch cả giai đoạn 2021-2025.

Ông Lê Ngọc Tĩnh, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện A Lưới cho biết, trong 6 tiêu chí thiếu hụt của hộ nghèo, địa phương tập trung vào những yếu tố quyết định đến thoát nghèo nhanh nhất và bền vững nhất. Ngoài đầu tư cây con giống để sản xuất nông nghiệp, huyện tập trung vào giải quyết việc làm, nhà ở. Đối với việc làm và đào tạo nghề, qua rà soát, số hộ nghèo thiếu việc làm trên địa bàn hiện có 4.115 lao động.

Để giải quyết vấn đề này, trước tiên phải tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu chỉ khi có công việc ổn định ngoài làm nghề nông đơn thuần với thu nhập bấp bênh, người lao động mới nhanh thoát nghèo. Huyện cũng phân chia ra theo từng độ tuổi để định hướng nơi làm việc như: ở khu chế xuất, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, lao động tại chỗ đối với những người có tư liệu sản xuất...

Qua nắm tình hình, ngành LĐTB&XH ưu tiên tuyên truyền, vận động những thanh niên trong độ tuổi lao động có sức khỏe vào làm việc ở các khu chế xuất miền Nam hoặc đi làm việc ở nước ngoài. Qua thống kê, trên địa bàn huyện có trên 3.000 người đang làm việc ở các khu chế xuất phía Nam. Riêng đối tượng này, chỉ cần tính bình quân mỗi tháng gửi tiền về cho gia đình 5 triệu đồng/1 trường hợp thì trung bình mỗi tháng nguồn tiền gửi về địa phương từ 3.000 lao động này là khoảng 15 tỷ đồng. Qua đó tăng thêm nguồn thu nhập gia đình, giúp ổn định kinh tế và thoát nghèo bền vững.

Đào tạo nghề và khuyến khích đi làm việc ở nước ngoài

Xuất phát điểm của huyện A Lưới thấp, phương thức canh tác lạc hậu, hậu quả sau 30 năm chiến tranh để lại khá nặng nề với trên 5.000 người nhiễm chất độc hóa học, số thương, bệnh binh lớn nhất trên toàn tỉnh. Nhiều đồng bào còn lưu giữ phương thức canh tác lạc hậu, năng suất lao động thấp. Thu nhập người nghèo chỉ đáp ứng tối thiểu nhu cầu cuộc sống, không đủ tích lũy để dự phòng ốm đau, mất việc làm...

Đại diện lãnh đạo Phòng LĐTB&XH A Lưới luôn trăn trở tại các cuộc hội nghị, hội họp về vấn đề nhiều lao động nghèo dù có sức khỏe nhưng luôn trông chờ ỷ lại, lười lao động, không muốn làm việc chân tay, chỉ thích công việc nhàn hạ trong lúc không có tay nghề kỹ thuật hoặc trình độ chuyên môn nhất định. Để giải quyết những tồn tại trên, huyện cùng ngành LĐTB&XH tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin cần thiết để người lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài.

Huyện đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lao động nông thôn và người dân tộc thiểu số với mục tiêu đào tạo từ 1.500 - 2.000 người giai đoạn 2021 - 2025.  Trong đó, số có trình độ cao đẳng, trung cấp khoảng 150 lao động. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên A Lưới tổ chức 23 lớp đào tạo nghề với 690 học viên; các đơn vị cấp tỉnh như hội nông dân, thanh niên, phụ nữ đã dạy được 120 học viên và khoảng 815 lao động tham gia các lớp học đi làm việc nước ngoài, vừa học vừa làm tại các doanh nghiệp, khu chế xuất, các trường đại học, cao đẳng...

Đến nay, tổng số lao động được đào tạo nghề toàn huyện lên 1.625 người, đạt 105,86% giai đoạn 2021-2023 và đạt 64,1% của cả giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, huyện còn liên kết với Công ty TNHH Suleco, Công ty Daystar, Công ty TNHH Sao Kim… đào tạo lao động có chất lượng cao giai đoạn 2022 - 2025 nhằm tạo ra được lao động có trình độ cao đáp ứng yêu cầu công việc tại Nhật Bản, Đài Loan...

Chỉ tiêu giao của tỉnh về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2023 cho A Lưới là 70 người, nhưng khả năng sẽ đạt 75 người nhờ có những chính sách ưu đãi hỗ trợ người đồng bào dân tộc thiểu số và lao động thuộc hộ nghèo. Hiện nay, trên địa bàn A Lưới có 103 người đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Số lao động này đã gửi tiền về cho gia đình xây dựng, sửa chữa nhà cửa, trả nợ ngân hàng, đầu tư sản xuất, kinh doanh. Nhiều trường hợp ở xã Hồng Hạ, Hồng Bắc, Trung Sơn đều đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định hơn nhờ có lao động đi làm việc ở nước ngoài. Sau khi đi lao động ở nước ngoài về, số người này đều có tay nghề tốt, nên dễ xin việc làm hoặc họ có thể tự mở cơ sở kinh doanh, sản xuất quy mô nhỏ với thu nhập ổn định.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững

Huy động nhiều nguồn lực thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể ở TX. Hương Trà không ngừng giúp người nghèo cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống.

Nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững
Điểm tựa giúp người dân Nam Đông thoát nghèo

Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã trở thành “điểm tựa” vững chắc giúp người dân huyện miền núi Nam Đông vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và từng bước thoát nghèo.

Điểm tựa giúp người dân Nam Đông thoát nghèo
Phiên chợ vùng cao góp phần quảng bá sản phẩm địa phương

Những phiên chợ vùng cao tại Thừa Thiên Huế đang dần khẳng định vị trí đặc biệt trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đây là nơi để bà con trao đổi hàng hóa, góp phần quảng bá sản phẩm địa phương, đồng thời phát triển du lịch và tạo động lực nâng cao đời sống kinh tế - xã hội.

Phiên chợ vùng cao góp phần quảng bá sản phẩm địa phương
Đoàn cơ sở “3 chủ động” tại vùng cao A Lưới

Với mô hình Đoàn cơ sở “3 chủ động”, các tổ chức cơ sở đoàn trên địa bàn huyện A Lưới đã tạo chuyển biến tích cực trong phong trào đoàn, cũng như công tác đoàn kết tập hợp đoàn viên, thanh niên.

Đoàn cơ sở “3 chủ động” tại vùng cao A Lưới
Một mốc son tự hào của A Lưới

Chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện A Lưới đã bám sát thực tế, nhất là các tiêu chí, tiêu chuẩn về giảm nghèo bền vững để triển khai thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt.

Một mốc son tự hào của A Lưới
Return to top