ClockThứ Bảy, 26/09/2020 13:15

An toàn thực phẩm mùa Trung thu

TTH - Thời gian qua, nhiều địa phương trong cả nước đã xảy ra một số vụ ngộ độc nghiêm trọng liên quan đến an toàn thực phẩm (ATTP). Nhằm đảm bảo ATTP dịp Tết Trung thu năm nay, Sở Công thương đẩy mạnh công tác tuyên truyền cộng đồng và kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) trên địa bàn tỉnh.

Xử lý nghiêm nếu vi phạm an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thuNhiều loại bánh trung thu không đảm bảo an toàn thực phẩm

Kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại một cơ sở sản xuất bánh kẹo

Tuyên truyền, hướng dẫn

Cơ sở sản xuất bánh Trung thu Lâm Anh, đường Hải Triều, TP. Huế những ngày này hoạt động hết công suất để kịp sản xuất các sản phẩm bánh Trung thu, mè xửng cung ứng ra thị trường.

Là cơ sở có kinh nghiệm trên 40 năm sản xuất với hàng chục đại lý trong cả nước, mỗi mùa Trung thu cơ sở sản xuất trên 3 tấn bánh nên ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cơ sở thường xuyên cập nhật các mẫu bánh mới, bổ sung thêm nguồn nguyên liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên vào sản xuất. 

Chủ cơ sở, bà Lâm Thị Kim cho rằng, vấn đề quan trọng nhất trong sản xuất thực phẩm là đảm bảo an toàn vệ sinh cho người sử dụng. Nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm, ngay lập tức sản phẩm sẽ bị người tiêu dùng “tẩy chay” và mất uy tín, ảnh hưởng đến SXKD và sự sống còn của thương hiệu.

Theo bà Kim, bánh Trung thu sản xuất theo mùa, mỗi năm chỉ tập trung sản xuất khoảng 20 ngày trước rằm tháng 8 âm lịch và tiêu thụ trong vòng 1 tháng nên vấn đề đảm bảo ATTP luôn được cơ sở đặt lên hàng đầu. Cùng với việc chấp hành các quy định trong sản xuất, công tác tuyên truyền, hướng dẫn các quy định về ATTP của ngành công thương góp phần giúp cơ sở nắm bắt các quy định trong sản xuất, mua sắm nguyên vật liệu và xét nghiệm mẫu trước khi đưa ra thị trường. 

Toàn tỉnh có khoảng 20 cơ sở sản xuất bánh Trung thu, mỗi năm cung ứng ra thị trường trên dưới 20 tấn bánh các loại. Qua kiểm tra, cán bộ ngành công thương đã tuyên truyền, hướng dẫn các quy định đối với cơ sở sản xuất, như khu vực kho nguyên liệu, khoa thành phẩm, khu vực sản xuất và khu vệ sinh, thay đồ bảo hộ phải được thiết kế tách biệt. Nơi tập kết, xử lý chất thải phải ở ngoài khu vực sản xuất và có đủ dụng cụ thu gom chất thải, rác thải và dụng cụ thu gom phải đảm bảo kín, có nắp đậy và vệ sinh, khử khuẩn thường xuyên. Đối với người trực tiếp lao động, phải mang đầy đủ khẩu trang, găng tay, bảo hộ lao động, thực hiện nghiêm túc việc rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, vệ sinh cá nhân trong quá trình sản xuất…

Bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng

Từ đầu tháng 7 âm lịch, Sở Công thương thành lập các đoàn kiểm tra kiểm tra các cơ sở SXKD bánh Trung thu, bánh ngọt trên địa bàn tỉnh. Công tác kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về ATTP, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Công tác kiểm tra là cơ sở để đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo đảm ATTP từ các cơ sở SXKD bánh Trung thu thuộc phạm vi quản lý của ngành công thương.

Tại các cơ sở SXKD bánh Trung thu, đoàn đã kiểm tra hồ sơ pháp lý, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy khám sức khỏe và giấy xác nhận kiến thức ATTP đối với chủ cơ sở và người lao động trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Ngoài ra, cơ sở đủ điều kiện SXKD bánh Trung thu phải hội đủ các hồ sơ, như: hồ sơ tự công bố phù hợp quy định ATTP đối với những sản phẩm phải công bố, hồ sơ liên quan đến nguyên vật liệu đầu vào, nhãn sản phẩm hàng hóa thực phẩm, các giấy chứng nhận HACCP; ISO (nếu có). Ngoài ra, các cơ sở sẽ được kiểm tra thực tế điều kiện vệ sinh của cơ sở bao gồm: kho chứa, dây chuyền sản xuất; dụng cụ, trang thiết bị phục vụ, bao gói, thành phẩm, phân phối thực phẩm; trang thiết bị, dụng cụ trưng bày, bảo quản thực phẩm, dụng cụ lưu mẫu…

Qua kiểm tra, đa phần các cơ sở đều chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATTP, trong đó đảm bảo hồ sơ pháp lý như giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy tự công bố chất lượng sản phẩm, kết quả kiểm nghiệm sản phẩm đúng quy định; các điều kiện cơ sở vật chất; trang thiết bị, dụng cụ sản xuất vệ sinh sạch sẽ, hoạt động tốt; khu vực bảo quản nguyên liệu và thành phẩm kê kích đúng quy định.

Quá trình kiểm tra đã chỉ ra một số hạn chế và yêu cầu khắc phục như, bố trí trang thiết bị dụng cụ chưa phù hợp với nguyên lý một chiều, hồ sơ nguyên vật liệu đầu vào chưa đầy đủ, người lao động trực tiếp mang bảo hộ chưa đầy đủ. Qua công tác thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, Sở đã chấn chỉnh, nhắc nhở một số đơn vị khắc phục một số tồn tại như công tác vệ sinh cơ sở chưa đảm bảo ATTP; cơ sở vật chất sắp xếp không gọn gàng, cập nhật hồ sơ nguyên vật liệu đầu vào chưa đầy đủ…

Theo Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh, thông qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP, ngành công thương hướng dẫn người dân trong việc lựa chọn mua, tiêu dùng các sản phẩm, thực phẩm an toàn. Đối với công tác kiểm tra, sẽ tập trung kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, phương pháp khoa học để rút ngắn thời gian, tránh ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của các tổ chức, cá nhân liên quan đến nội dung kiểm tra, đồng thời đảm bảo an toàn trong hoạt động kiểm tra theo Công điện số 07 ngày 2/8/2020 của UBND tỉnh về việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Đối với việc đưa thông tin trên nhãn mác, thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa, quy định nội dung trên nhãn hàng hóa, cách ghi nhãn hàng hóa lưu thông tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu, cách ghi xuất xứ, định lượng, thông tin cảnh báo trên nhãn hàng hóa. Trong đó, những nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa gồm tên hàng hóa; xuất xứ hàng hóa; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa. Những nội dung khác tùy vào tính chất loại hàng hóa.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản số 10182/NHNN-TT yêu cầu các đơn vị liên quan trực thuộc, các tổ chức tín dụng, NAPAS và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán,... triển khai một số biện pháp để bảo đảm hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt trong thời gian cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025.

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top