Một góc trưng bày sản phẩm
Định hình từ chất lượng sản phẩm
OCOP với trọng tâm phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo hướng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm tạo đà trong mở rộng thị trường. Dù thời gian triển khai chưa lâu, song chương trình đã được xem là động lực trong phát triển kinh tế một cách bền vững và là mục tiêu hướng đến của các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn…
Một trong những sản phẩm tạo được sự chú ý, được đánh giá cao trong quá trình chuẩn hóa OCOP là gia vị bún bò Huế của YesHue. Là một sản phẩm đoạt giải Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và với sự đồng hành của các sở, ngành trong chuẩn hóa sản phẩm, YesHue vượt qua được sự kiểm soát nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn FDA (quy định của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) và các nước Nhật, Úc, châu Âu… Tiếp cận với các thị trường như Mỹ, Nhật, Úc, Canada… thông qua các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT). Với thành công này, YesHue được UBND tỉnh công nhận đủ điểm đạt 5 sao đề nghị Trung ương đánh giá phân hạng.
Một trong những kinh nghiệm được Lê Thị Kim Hằng, Co-founder của YesHue đưa ra chính là phải đầu tư cho chất lượng. Ngoài ra, mẫu mã sản phẩm cũng cần được đầu tư mang đậm bản sắc văn hóa với các thông số rõ ràng dễ dàng truy xuất hơn, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm.
Không riêng gì YesHue, các sản phẩm đã và đang định hướng xây dựng OCOP cũng có nhiều chuyển biến tích cực rõ nét về chất lượng và bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc. Một số sản phẩm có vùng nguyên liệu được hỗ trợ chứng nhận VietGAP, chứng nhận hữu cơ, đối với các sản phẩm nước mắm, mắm đã thay đổi từ chai nhựa sang chai thủy tinh... Nhiều thương hiệu phát triển đã góp phần nâng tầm chất lượng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ.
Lướt qua danh sách sản phẩm được công nhận OCOP dễ dàng nhận ra những cái tên có có bề dày truyền thống, như mây tre đan Bao La, khăn choàng Zèng Nhâm; những sản phẩm thuần nông được chứng nhận hữu cơ, VietGAP như gạo hữu cơ An Lỗ; chuối già lùn A Lưới… Đa phần những sản phẩm này đều đã có chỗ đứng và có thương hiệu trên thị trường.
Sản phẩm OCOP được hỗ trợ xúc tiến thương mại điện tử
Xúc tiến thương mại điện tử
Thương hiệu và thị trường bắt đầu định hình, song trong 2 năm trở lại đây, dưới tác động của đại dịch COVID-19, các hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng; trong đó, không ít các sản phẩm OCOP bị tồn đọng do không thể tiêu thụ. Để thích nghi trong tình hình mới, công tác hỗ trợ, xúc tiến thương mại đã dần có những điều chỉnh. Nhiều chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cũng đã chủ động đổi mới, không ngừng cải tiến quy trình, đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng tiếp cận hơn với công nghệ trong kinh doanh.
Trong số 41 sản phẩm OCOP được công nhận, hiện đã có hơn 28 sản phẩm OCOP được bán trên các sàn giao dịch TMĐT Shopee, Lazada, Postmart… Nhiều sản phẩm có doanh thu lớn như sản phẩm hương sạch Tân Nguyên có doanh thu trên 2 tỷ đồng; sản phẩm bún bò Huế - gia vị hoàn chỉnh đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Mỹ và Nhật Bản. 6 sản phẩm đã ký kết hợp đồng xuất khẩu qua thị trường Nhật Bản (3 loại vang Bạch Mã, tinh dầu thanh trà Huế - Liên Minh Xanh), Đông Nam Á (tinh dầu tràm Kim Vui, mây tre Bao La).
Có thể khẳng định, OCOP sẽ là xu hướng trong phát triển sản phẩm chủ lực địa phương. Và để có chiến lược dài hơi trong chương trình OCOP, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai chương trình OCOP tỉnh giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu trong giai đoạn này sẽ có ít nhất 150 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (30 sản phẩm/năm); nâng cấp ít nhất 60% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng giai đoạn 2019-2020; phát triển mới 30 sản phẩm; 100% sản phẩm được nâng cấp, tiêu chuẩn hóa tham gia chu trình OCOP và tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm tại cấp huyện, tỉnh; ít nhất 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao, phát triển theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ, quy mô lớn và ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản trị chất lượng, tham gia thị trường xuất khẩu…
Theo ông Võ Văn Tần, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, để chương trình OCOP thật sự là lực đẩy trong phát triển kinh tế, nhất là trong các lĩnh vực nghề thủ công truyền thống, ngoài sự chủ động từ phía các chủ thể, các địa phương cũng cần có vai trò như chất xúc tác đẩy mạnh và thúc đẩy chủ thể tham gia chuẩn hóa sản phẩm, từ đó nâng tầm sản phẩm OCOP. Các địa phương cũng phải xây dựng, củng cố, kiện toàn hệ thống bộ máy giúp việc OCOP các cấp đồng bộ, hiệu quả, vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách để đồng hành cùng chủ thể OCOP.
Ngoài ra, đẩy mạnh xúc tiến TMĐT, phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm đặc biệt các sản phẩm đã được xếp hạng đạt chuẩn OCOP cũng là giải pháp quan trọng trong thời gian tới. Các chủ thể cũng cần quan tâm đầu tư thực hiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và quản lý tốt nhãn hiệu sản phẩm OCOP đã được công nhận của tỉnh.
Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 41 sản phẩm được phân hạng, công nhận. Trong đó, 15 sản phẩm đạt 4 sao (36,58%), 25 sản phẩm đạt 3 sao (60,98%), 1 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đủ điểm đạt 5 sao đề nghị Trung ương đánh giá phân hạng.
Bài, ảnh: Hoàng Loan