Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh triển khai kiểm tra giá các loại hàng hóa trên địa bàn
Động thái này nhằm góp phần đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP ngành công thương; góp phần bình ổn giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Giám sát 100% cơ sở kinh doanh các mặt hàng thiết yếu
Ông Phan Hùng Sơn - Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho hay: Trong đợt cao điểm tổng kiểm tra chấp hành pháp luật về giá, bên cạnh tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát 100% cơ sở kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, nhất là các cơ sở kinh doanh đầu mối, phân phối hàng hóa, trung tâm thương mại, các chợ trên địa bàn, các tuyến đường trọng điểm…, đơn vị còn chủ động lồng ghép tuyên truyền phổ biến pháp luật, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh thực hiện đúng các văn bản quy phạm pháp luật về giá. Đồng thời, ký cam kết không vi phạm pháp luật; niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; cung cấp đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, phản ảnh về các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động SXKD và lĩnh vực giá.
Tính từ đầu năm đến nay, Cục QLTT tỉnh đã kiểm tra 335 vụ việc liên quan đến lĩnh vực giá, xử phạt hơn 267 triệu đồng. Điều này cho thấy, việc giám sát, kiểm tra các diễn biến bất thường của hàng hóa lưu thông trên thị trường cũng như liên quan đến lĩnh vực giá là hoạt động thường kỳ của đơn vị chứ không riêng trong đợt cao điểm.
Kiểm tra, lấy mẫu hậu kiểm tại tiệm bánh Bảo Thạnh
Trong những tháng cuối năm, việc triển khai đợt cao điểm tổng kiểm tra chấp hành pháp luật về giá càng giúp ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là với các mặt hàng, như: lương thực, thịt lợn, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu, vật liệu xây dựng, trang thiết bị phòng, chống dịch…
“Từ đây cho đến cuối năm, nhằm bình ổn thị trường, đơn vị yêu cầu các lực lượng trực thuộc báo cáo ngay về tình trạng, nguyên nhân khi phát hiện biến động bất thường về giá cả; cung cầu của những mặt hàng thiết yếu và đề xuất hướng xử lý…, qua đó, chủ động phòng ngừa, đối phó những diễn biến bất thường có thể xảy ra, nhất là trước, trong các dịp lễ, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023”, ông Phan Hùng Sơn cho hay.
Vì sức khỏe của người dân
Ông Nguyễn Lương Bảy – Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương và UBND tỉnh về công tác ATTP, Sở Công thương yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc việc đảm bảo, phân cấp quản lý ATTP thuộc lĩnh vực quản lý của ngành công thương; tuyên truyền về vai trò của ATTP tác động đến sức khỏe mỗi người; phòng, chống ngộ độc thực phẩm và tác hại của việc sử dụng thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời, phối hợp với ngành y tế và các địa phương tăng cường công tác quản lý, giám sát ATTP đối với các trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, các cơ sở SXKD thực phẩm kết hợp với tuyên truyền, nhắc nhở thực hiện nghiêm túc công tác bảo đảm ATTP…
Hiện, Sở Công thương đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho trên 400 cơ sở, tập trung chủ yếu ở địa bàn TP. Huế, TX. Hương Trà, TX. Hương Thủy, huyện Phú Vang… (phổ biến là các sản phẩm: kẹo mè xửng, bánh mì, bánh ngọt, bánh kem, sữa bắp, bún, mì sợi, rượu truyền thống..), 3 siêu thị quy mô lớn (VinMart, Co.opMart và Go Huế), trên 50 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi bán lẻ và hàng ngàn điểm bán hàng hóa thực phẩm khác…
Qua hậu kiểm ATTP, đa số các đơn vị có điều kiện về địa điểm, cơ sở vật chất bố trí khép kín theo nguyên lý một chiều, sạch sẽ, cách ly nguồn ô nhiễm xung quanh; trang thiết bị dụng cụ đảm bảo vệ sinh, đáp ứng nhu cầu sản xuất; đại diện đơn vị và người lao động trực tiếp đã xác nhận kiến thức ATTP và khám sức khỏe đúng quy định. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị cập nhật, lưu trữ các loại giấy tờ liên quan đến ATTP chưa đầy đủ, vệ sinh dụng cụ cũng như khu vực sản xuất chưa đảm bảo…
“Thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh, số lượng các cơ sở SXKD thực phẩm thuộc ngành công thương quản lý có quy mô nhỏ lẻ khá nhiều và thường xuyên biến động. Điều này gây khó khăn trong công tác quản lý, nhất là khi cán bộ kiêm nhiệm của đơn vị thiếu, công tác bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành ATTP hạn chế; nguồn kinh phí cho lĩnh vực ATTP cho công tác hậu kiểm, giám sát, hướng dẫn các cơ sở SXKD, chế biến thực phẩm, thực hiện tốt vệ sinh ATTP hạn hẹp. Công tác kiểm tra ATTP tại các chợ gặp khó khăn do liên quan đến nhiều lĩnh vực như y tế, nông nghiệp…”, ông Nguyễn Lương Bảy nêu thực trạng.
Tháo gỡ vướng mắc, hiện Sở Công thương đã đề xuất Bộ Công thương và các cấp có kế hoạch tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ quản lý Nhà nước về ATTP cho cán bộ kiêm nhiệm; hỗ trợ, tăng nguồn kinh phí cho lĩnh vực ATTP; giám sát, hướng dẫn các cơ sở SXKD, chế biến thực phẩm, thực hiện tốt vệ sinh ATTP…
Về phía Sở Công thương, đơn vị tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với Cục QLTT tỉnh, các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm ATTP, trong đó, chú trọng các cơ sở cung cấp thực phẩm cho tập thể, các kho hàng thương mại; ngăn chặn rượu, nước giải khát… giả, kém chất lượng, nhập lậu, gian lận thương mại; đảm bảo vệ sinh ATTP thực phẩm tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại…
Bài, ảnh: Hàn Đăng