Gian hàng giới thiệu điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư của Thừa Thiên Huế tại Hội nghị Thượng đỉnh Việt Nam - Hàn Quốc diễn ra tại Quảng Nam
Nỗ lực cải thiện CPI
Theo ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, mấy năm gần đây, tỉnh đã có nhiều động thái quyết liệt trong việc cải thiện các Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, các tỉnh thành khác cũng đã có các hoạt động cải thiện hiệu quả hơn, dẫn đến tình trạng “tăng điểm” nhưng vẫn tụt hạng về vị trí trên bảng xếp hạng.
Cụ thể, năm 2018, điểm số PCI của Thừa Thiên Huế tăng 1,14 điểm nhưng lại giảm 1 bậc so với năm 2017, đứng thứ 30/63 tỉnh/thành, xếp vào nhóm khá của cả nước. Trong 10 chỉ số thành phần thì tỉnh có 5 chỉ số tăng bậc, trong đó có một số chỉ số đứng đầu, như: Chỉ số gia nhập thị trường tăng 25 bậc, xếp thứ 1/63 tỉnh /thành; tính minh bạch tăng 15 bậc, xếp thứ 1/63 tỉnh/thành...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định khẳng định, trong năm 2020 và những năm tiếp theo sẽ quyết tâm cải thiện vị trí xếp hạng PCI của tỉnh thuộc vào “nhóm tốt” hoặc nhóm trên của “nhóm khá”, phấn đấu nằm trong top dẫn đầu các tỉnh, thành trong cả nước.
Trong kế hoạch phát triển, nâng cao chỉ số CPI, tỉnh đang phấn đấu đạt 98% doanh nghiệp (DN) khai thuế và nộp thuế qua mạng điện tử; 100% hồ sơ khiếu nại, vướng mắc của DN được giải quyết đúng theo thời gian quy định của pháp luật. Phấn đấu có 100% thủ tục hành chính được đưa vào tiếp nhận và giải quyết theo chế độ một cửa, một cửa liên thông; 100% các cơ quan hành chính có hệ thống mạng thông tin nội bộ, các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính được giao dịch hoàn toàn dưới dạng điện tử.
Doanh nghiệp đầu tư vào Thừa Thiên Huế mong muốn có cơ chế thông thoáng, linh hoạt hơn
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu
Từ góc nhìn của chuyên gia, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ ra một số tồn tại chung làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư đối với các địa phương. Đó là việc xin các giấy phép con vẫn diễn ra tương đối phổ biến và có đến gần một nửa số DN gặp khó khăn; tỷ lệ DN trả chi phí không chính thức khi làm các thủ tục thành lập DN vẫn còn khá phổ biến. Trong một số trường hợp, các yêu cầu về chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn cho hàng hóa dịch vụ có thể trở thành rào cản cho hoạt động của DN.
Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, hiện nay, việc triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tại các địa phương thực tế là chưa đi vào chiều sâu. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do các địa phương chưa nắm bắt đầy đủ các chỉ số trọng tâm trong kế hoạch hành động về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh.
“Để khắc phục điều này, Thừa Thiên Huế cần tập trung vào 5 nhóm giải pháp chủ yếu. Đó là cải thiện môi trường kinh doanh; đơn giản điều kiện kinh doanh; cải cách toàn diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành kết hợp với kết nối cổng thông tin điện tử quốc gia; đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; phát triển hệ sinh thái và hỗ trợ, khuyến khích DN đổi mới sáng tạo”, ông Hiếu khuyến nghị.
Sau khi nghe ý kiến của các chuyên gia, cũng như những đóng góp từ các sở, ban, ngành liên quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định cho rằng, để tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh cho năm 2020 và những năm tiếp theo, tỉnh đã đề ra mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử với các sáng kiến trong phát triển đô thị thông minh, hướng các hoạt động quản lý và điều hành địa phương phù hợp và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
“Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là yếu tố con người, cần phải có sự quyết tâm mạnh mẽ và đồng bộ của hệ thống chính trị. Cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến kế hoạch đến từng cán bộ, công chức, viên chức trong mỗi cơ quan, đơn vị và thường xuyên kiểm tra, giám sát. Phải tránh được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, thì lúc đó môi trường đầu tư kinh doanh mới thật sự được cải thiện”, ông Phan Thiên Định, nhấn mạnh.
Đến đầu tháng 12/2019, tỉnh đã cấp mới 30 dự án (DA) đầu tư với tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn đạt trên 22.711 tỷ đồng, chiếm trên 12% tổng vốn đăng ký từ trước đến nay, vượt kế hoạch đề ra với số án thu hút được gấp 2 lần về lượng và gấp 2,27 lần về vốn (gồm 19 DA trong nước với vốn đăng ký gần 14.428 tỷ đồng; 11 DA đầu tư nước ngoài 293 triệu USD). Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 559 DA còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 170.000 tỷ đồng, trong đó 450 DA trong nước với số vốn 85.000 tỷ đồng; 109 DA nước ngoài với vốn đăng ký 3.799 triệu USD. |
Bài, ảnh: Thái Sơn