ClockThứ Sáu, 22/11/2019 15:21

Cau tươi rớt giá, người dân lao đao

TTH.VN - Năm nay, người trồng cau huyện Nam Đông đang dở khóc, dở cười khi giá mỗi kg cau chỉ bán được 2.000 - 3.000 đồng - chỉ bằng 1/10 những năm trước.

Nâng chất lượng sản phẩm nông nghiệpTính kế tránh nạn được mùa - mất giáNgười dân kỳ vọng có thể được mua ôtô nhập khẩu với mức giá rẻĐầu ra cho nông sảnMất lạc, được dưa

Các chủ lò sấy cau trên địa bàn Nam Đông đang thu mua cầm chừng vì sợ bán không được

Bán không người mua

Khi cau tươi tăng giá, người trồng trên địa bàn huyện Nam Đông nức lòng, phấn khởi mở rộng diện tích và dốc công sức đầu tư chăm sóc, mong loại cây này sẽ cho thu nhập cao. Nhưng vụ cau năm nay, người dân đứng ngồi không yên khi trái cau rớt giá thê thảm.

Hiện tại, quả cau đang được thương lái thu mua tại vườn chỉ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg; tại các lò sấy giao động từ 5.000 - 6.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thu mua năm 2018 có thời điểm gần 30.000 đồng/kg. Một vụ mùa thất thu đã hiện hữu trước mắt đối với người trồng cau.

Bà Nguyễn Thị Cúc, thôn 11, xã Hương Hòa, huyện Nam Đông chỉ về hàng cau mới được trồng xen với những cây cau trĩu quả xót xa: Gia đình tui có thu nhập nhờ vào mấy cây cau. Năm trước, có lúc giá cau lên đến 30.000 đồng/kg nên mở rộng diện tích. Bây giờ, giá xuống 2.000 - 3000 đồng/1kg, tui lỗ vốn do phải bỏ tiền mua giống cây về trồng, phân bón, công chăm sóc.

Theo thống kê, tổng diện tích trồng cau trên địa bàn huyện Nam Đông khoảng 160ha. Trong đó, cây cau cho thu hoạch gần 150ha tập trung chủ yếu ở các xã Hương Hòa, Hương Lộc, thị trấn Khe Tre. Sản lượng năm nay ước khoảng 1.500 tấn.

Trước đây, toàn huyện có 6 lò sấy cau được đầu tư quy mô, hiện đại hoạt động hết công suất, nhưng hiện nay chỉ còn 4 lò hoạt động cầm chừng. Đơn cử như lò sấy cau của ông Phan Gia Điền ở xã Hương Hòa đã tạm dừng cả tháng nay. “Những năm trước, giá cau cao khiến người dân đầu tư trồng mới nhiều. Tuy nhiên năm nay giá cả tụt xuống thảm hại, người dân lao đao. Chủ lò sấy như tôi cũng rơi vào tình cảnh khó khăn”, ông Phan Gia Điền lo lắng.

Nông dân đỏ mắt chờ thương lái đến vườn thu mua, còn các chủ lò cũng đang nơm nớp lo lắng, sợ lượng cau đã nhập và sấy tại lò không xuất bán được. Vì thế, việc thu mua sấy khô và đầu tư sản xuất được tiến hành cầm chừng để nghe ngóng nắm bắt thông tin, giá cả thị trường.

Không mở rộng diện tích

Nhiều diện tích cau trên địa bàn huyện cây vẫn trĩu quả vì thương lái mua giá rẻ mạt

Trong quá khứ, cây cau là một trong những cây trồng cho thu nhập tương đối cao và ổn định đối với nông dân của huyện miền núi Nam Đông. Song, với thị trường phần lớn phụ thuộc vào Trung Quốc như hiện nay, người dân cần cân nhắc trước khi mở rộng diện tích, để tránh thiệt hại do biến động của thời tiết, giá cả và đầu ra cho sản phẩm.

Nguyên nhân dẫn đến điệp khúc “được mùa mất giá” được các cơ quan chức năng xác định là bởi sự mất cân đối cung cầu, sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định và dường như trong nước chưa có một doanh nghiệp nào đứng ra bao tiêu sản phẩm, chế biến các sản phẩm từ loại quả này.

Theo đó, người trồng cau bây giờ như “đánh bạc với trời”, phó mặc cho sự biến động của thị trường chứ chưa có hướng đi nào hiệu quả. Các cơ quan chức năng vẫn loay hoay giải bài toán đầu ra cho cây cau.

Ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, những năm trước giá cau cao do nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc lớn. Tuy nhiên, đây là thị trường không ổn định nên huyện Nam Đông chỉ đạo các địa phương duy trì diện tích chứ không quy hoạch phát triển diện tích cau tập trung.

“Huyện cũng chỉ đạo các địa phương vận động người dân cố gắng duy trì chăm sóc vườn cau hiện tại. Đặc biệt, thị trường cau thường không ổn định, thời gian tới huyện chỉ vận động Nhân dân chăm sóc và phát triển cây cau trong vườn để góp phần làm đẹp theo tiêu chí nông thôn mới chứ không phát triển thành những vườn cau tập trung. Thế nhưng có nhiều hộ dân thấy lợi trước mắt nên không nghe theo mà tự động đầu tư trồng thêm” - ông Trần Quốc Phụng nói.

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng gần 190 ha cây cau, tập trung ở các huyện Nam Đông, Phú Lộc và thị xã Hương Trà (riêng Nam Đông 160ha). Những năm trước, với sự được giá của quả cau tươi, có lúc lên gần 30.000 đồng/1kg, Sở từng khuyến cáo bà con không nên tự ý chuyển đổi cây trồng khác sang trồng cau để tránh rủi ro.

Bài, ảnh: Thái Sơn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Siêu trộm” 5 tiền án sa lưới

Ngày 11/10, Công an huyện Nam Đông cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Đức Toàn (SN 1990, trú tại phường Vỹ Dạ, TP. Huế) về hành vi trộm cắp tài sản.

“Siêu trộm” 5 tiền án sa lưới
Tìm giải pháp bảo tồn lễ bỏ mả truyền thống của người Cơ Tu

UBND huyện Nam Đông và các cơ quan, đơn vị khác có liên quan sẽ khảo sát, điều tra, thống kê, thu thập thông tin về lễ bỏ mả truyền thống của người Cơ Tu ở thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông. Điều này làm cơ sở dữ liệu thông tin đầy đủ, toàn diện một quy trình nghi lễ bỏ mả truyền thống cho công tác phục hồi, bảo tồn phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu.

Tìm giải pháp bảo tồn lễ bỏ mả truyền thống của người Cơ Tu

TIN MỚI

Return to top