Nông sản an toàn vẫn khó bán
Trang trại (TT) trứng gà sạch Đức Việt có quy mô lớn nhất tỉnh (đàn gà 5.000 con) do Viện Chăn nuôi cung cấp con giống. Mỗi ngày, TT xuất ra thị trường trên 3.000 quả trứng gà thương phẩm. Đàn gà được nuôi theo hình thức chăn thả tự nhiên, được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP.
Nếu liên kết tốt, nông sản dễ tiêu thụ hơn
Ông Phan Văn Tân- chủ TT chia sẻ: Gà trong quá trình lấy trứng không sử dụng kháng sinh, chỉ bổ sung thêm tỏi, nghệ và một số thảo dược vào chế độ ăn hàng ngày nhằm tăng sức đề kháng. Dù có xuất sứ rõ ràng, truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng đầu ra sản phẩm còn khiêm tốn...
Theo ông Tân, qua 5 năm thực nghiệm chăn nuôi đại trà, khó khăn nhất của TT là sự cạnh tranh không lành mạnh của trứng gà không rõ nguồn gốc, xuất sứ. Hiện, chúng tôi đã tiếp thị tất cả các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh nhưng mới chỉ có 42 trường sử dụng trứng gà sạch Đức Việt, chủ yếu là các trường tư thục. Thị trường trong tỉnh nhất là khu vực TP. Huế tiêu thụ chỉ đạt 30% sản lượng còn lại là các địa phương khác.
Không riêng trứng gà sạch Đức Việt, các sản phẩm rau đạt chuẩn VietGAP hiện cũng đang gặp không ít khó khăn từ sự nhập nhằng giữa thực phẩm an toàn và thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Theo ông Trương Đình Tuấn (Tổ hợp tác trồng rau hữu cơ Kim Long), thị trường tiêu thụ các loại rau sạch vẫn là các chợ truyền thống. Nếu được đưa vào các cửa hàng thực phẩm an toàn, giá có cao hơn khoảng 10- 20%. Trong khi đó, để tuân thủ các quy trình VietGAP, các hộ dân phải thực hiện nghiêm ngặt các khâu từ làm đất, chọn giống, bón phân và chăm sóc nên phải đầu tư kinh phí khá lớn. Thời gian thu hoạch rau cũng kéo dài hơn so với rau trồng thông thường.
Kết nối
Ông Phan Văn Xuân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân (HND) tỉnh chia sẻ, giá cả nông sản thời gian qua còn bấp bênh, dư thừa cục bộ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nông sản rớt giá là do phần lớn sản xuất còn manh mún, thiếu thông tin định hướng thị trường, sản phẩm chủ yếu ở dạng thô, chất lượng không đồng đều, chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sản phẩm gà VietGAP của Công ty Quốc Trung vẫn khó cạnh tranh với gà nhập từ các tỉnh khác
Hiện có 90-95% sản phẩm nông nghiệp được người dân bán cho thương lái, số hàng hóa ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp rất ít dẫn tới bị ép giá.
Tại hội thảo kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp do HND tỉnh tổ chức, xây dựng các tổ hợp tác, đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp được xem là giải pháp khả thi nhằm tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm nông nghiệp.
Đại diện Công ty TNHH Sản xuất TM DV Lộc Mai, ông Mai Quốc Bảo chia sẻ: Để xây dựng thương hiệu Lộc Mai, chúng tôi phải có một thời gian dài nghiên cứu các giá trị của quả vả, nghiên cứu thị trường, nghiên cứu khách hàng để đánh giá nhu cầu của sản phẩm… Đó chính là khâu quan trọng giúp xây dựng thương hiệu sản phẩm, tạo chỗ đứng trên thị trường mà người nông dân hiện nay rất yếu. Vì thế, muốn đầu ra ổn định phải xác định được lợi thế và nhu cầu thị trường.
Ông Phan Văn Tân cho rằng, người ta thường đổ lỗi cho nông dân như sản xuất chạy theo phong trào dẫn đến tình trạng được mùa mất giá nhưng ít khi nhắc đến trách nhiệm của ngành quản lý. Trong khi đó, ngành quản lý đóng vai trò quan trọng trong việc định giá, kiểm định chất lượng hàng nông sản. Nếu làm tốt công tác quy hoạch thì ngành quản lý có thể kiểm soát số lượng hàng hóa cung ra thị trường. Kiểm soát chặt chất lượng đầu ra, đầu vào sẽ không tạo cơ hội cho các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc cạnh tranh không lành mạnh với sản phẩm đảm bảo chất lượng…Vai trò quản lý nhà nước phải được phát huy, nhất là khâu kết nối cung cầu.
Ông Nguyễn Viết Linh, Trưởng phòng Kinh tế hợp tác và trang trại Chi cục Phát triển nông thôn cho rằng, người nông dân cần thay đổi tư duy phát triển nông nghiệp; trong đó cần tập trung xây dựng các sản phẩm có chất lượng, đảm bảo đạt chuẩn VietGAP, hữu cơ…
Tốt nhất nên đầu tư vào khâu chế biến sau sản xuất, đóng gói, xây dựng thương hiệu nhằm định hình sản phẩm; từ đó, kết nối với các doanh nghiệp, thành lập các HTX sử dụng sức mạnh của nhiều người để đưa sản phẩm vươn xa.
Nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp 4.0 phải dựa vào các doanh nghiệp lớn có đủ năng lực về tài chính, tạo sản lượng lớn, chất lượng cao và truy xuất được nguồn gốc.
Bài, ảnh: Hoàng Loan