Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Các ngân hàng có nhiều gói vay vốn cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất
Dịch COVID-19 tác động đến hầu hết các ngành lĩnh vực nhất là DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, giao thông vận tải, xây dựng, doanh nghiệp FDI, dự ước thiệt hại đến nay lên đến 6.500 tỷ đồng. Trước khó khăn đó, ngoài các chính sách hỗ trợ theo chủ trương của Trung ương, Thừa Thiên Huế cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN địa phương. Trong đó, có chính sách kích cầu du lịch nhằm phục hồi và phát triển du lịch bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, các giải pháp đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu tối đa thời gian thực hiện thủ tục hành chính của người dân và DN được tỉnh triển khai.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, tỉnh đã tiến hành rà soát, điều chỉnh giảm mức thu đối với 22 khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng Nhân dân tỉnh nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng dịch COVID-l9. Tạm hoãn tất cả các cuộc thanh tra, kiểm tra các DN trong thời gian xảy ra dịch bệnh. Tỉnh đã xây dựng và vận hành hiệu quả việc khai báo trực tuyến và tổng hợp tình hình thiệt hại do dịch để chủ động liên hệ với các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ.
Ngoài chính sách hỗ trợ do dịch COVID-l9, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành liên quan đẩy mạnh thông tin đến DN các chính sách hỗ trợ đang được áp dụng trên địa bàn.
Riêng lĩnh vực tín dụng ngân hàng, ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh thông tin đến ngày 22/5, toàn tỉnh có 682 DN được các ngân hàng, TCTD cơ cấu lại thời gian trả nợ với dư nợ được cơ cấu 821 tỷ đồng; 2.118 khách hàng được miễn, giảm lãi; 1.212 khách hàng được vay mới để khôi phục sản xuất với doanh số cho vay khi công bố dịch đến 22/5 là 3.739 tỷ đồng. Ngoài ra, 149 khách hàng là hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được giãn nợ với dư nợ 2,6 tỷ đồng.
Hội thảo cũng được nghe đại diện NHNN, Quỹ Phát triển DN vừa và nhỏ thông tin về các dòng vốn có lãi xuất ưu đãi của các ngân hàng, Quỹ Bảo lãnh tín dụng và những thủ tục cần thiết để tiếp cận với các khoản vay ưu đãi.
Nâng cao kỹ năng quản trị dòng tiền
Đại diện doanh nghiệp dệt may chia sẻ khó khăn trong chính sách vay vốn
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Tấn Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học lãnh đạo và Quản trị DN, có vốn không chưa đủ, để thành công trong môi trường kinh doanh ngày nay, các nhà quản lý DN cần chú trọng đến việc nâng cấp kiến thức chuyên môn như: tầm nhìn chiến lược, marketing, nhân sự, sản xuất... đặc biệt là những kiến thức và kỹ năng trong việc quản trị tài chính - quản trị dòng tiền nhằm đáp ứng sự phát triển của DN.
Theo ông Nguyễn Tấn Bình, dòng tiền như dòng máu của DN. Quản trị dòng tiền và quản lý thanh khoản không chỉ đảm bảo việc kinh doanh được thông suốt và thuận lợi, mà còn là cơ sở để vượt lên các đối thủ khi thời cơ đến. Những lỗi thường gặp trong quản trị tài chính DN là dòng tiền không trôi chảy; có lợi nhuận nhưng không có tiền đẩy DN đến bờ vực phá sản; hạn chế xây dựng kế hoạch dòng tiền trong dài hạn; không nắm được tầm quan trọng của dòng tiền và lợi ích to lớn từ báo cáo dòng tiền; mơ hồ” về sự khác biệt bản chất của tài sản – lợi nhuận – dòng tiền dẫn đến những quyết định quản trị sai lầm; đối với các startup non trẻ, tiền mặt như “gió vào nhà trống”.
Việc quản trị tiền mặt tốt sẽ kiểm soát, tăng số tiền và tốc độ dòng tiền vào; giảm số tiền và tốc độ dòng tiền ra. Vì thế, bản thân DN phải thiết lập kế hoạch vay/trả tiền hiệu quả chỉ vay khi cần thiết, giảm chi phí vay. Một số nội dung về phương thức lập kế hoạch ngân sách; bí quyết dự báo doanh thu và ứng phó khủng hoảng tiền mặt trong quản trị dòng tiền cũng được TS Nguyễn Tấn Bình chia sẻ đến cộng đồng DN.
Phát biểu kết thúc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, tỉnh sẽ luôn sát cánh cùng DN, sự thành công của DN, doanh nhân chính là thành công của tỉnh.
Thời gian tới, để tăng khả năng tiếp cận vốn vay, ngoài những giải pháp từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các tổ chức tín dụng (TCTD), bản thân DN cần cơ cấu lại hoạt động của mình, nâng cao khả năng tài chính, khả năng trả nợ, xây dựng phương án, dự án sử dụng vốn vay hiệu quả.
Đối với các DN gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận với các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cũng như tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 cần liên hệ với đường dây nóng của NHNN tỉnh để được hỗ trợ. Với những trường hợp DN trong tỉnh nhưng vay vốn ngân hàng ngoại tỉnh, NHNN chi nhánh tỉnh có thể hỗ trợ thông qua các mối quan hệ với NHNN ở tỉnh đó để hỗ trợ tốt hơn cho DN địa phương tháo gỡ khó khăn.
Bài, ảnh: Hoàng Loan