ClockThứ Hai, 23/01/2017 14:49

Đặc sản Huế tiếp cận thị trường rộng

TTH - Mứt gừng, bánh chưng, mè xửng “made in Huế” đã lần lượt đến các thị trường Mỹ, Nhật, Anh, Đức và nhiều sản phẩm đặc sản do các cơ sở trên địa bàn tỉnh sản xuất có mặt ở các siêu thị, trung tâm mua sắm lớn, đánh dấu bước phát triển và khẳng định thương hiệu đặc sản Huế trên thị trường quốc tế.

Lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng trưng bày đặc sản Huế tại Hội nghị kết nối cung cầu cuối năm 2016

Mở rộng thị trường

Cơ sở sản xuất thực phẩm Tâm Huế ở phường Thủy Dương (thị xã Hương Thủy) tấp nập những ngày cuối năm. Hàng chục nhân viên đang khẩn trương đóng gói các lô hàng bánh chưng, mứt gừng và tỏi đen để chuyển vào TP. Hồ Chí Minh, An Giang giao cho đối tác, kịp phục vụ khách dịp Tết Nguyên đán 2017. Không chỉ cung ứng cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm ở các tỉnh, thành  trong nước, thông qua DN ở TP. Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2016 cơ sở đã xuất hai sản phẩm mứt gừng và bánh chưng sang thị trường Đức và Anh.

Theo chủ cơ sở Phạm Thị Khánh Tâm, thông qua hội nghị kết nối cung cầu do Sở Công thương tổ chức vào tháng 5/2016, các sản phẩm tôm chua, mứt gừng, bánh chưng và tỏi đen đã có mặt tại hệ thống 110 cửa hàng tiện lợi Satrafoods tại TP. Hồ Chí Minh, đây là chuỗi cửa hàng có doanh số bán hàng lớn nhất hiện nay trong cả nước và một số siêu thị Coop.Mart miền Trung, Big C Huế, Tứ Sơn (An Giang). Năm 2016, cơ sở đã tiêu thụ 20 tấn sản phẩm và doanh số bán hàng đạt trên 2 tỷ đồng.

Là thương hiệu đặc sản Huế nổi tiếng ra đời gần 40 năm, năm 2016, sản phẩm mè xửng của Công ty TNHH Thiên Hương có mặt ở các kênh phân phối lớn trong cả nước và xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Nga, Trung Quốc, tiêu thụ khoảng 20 tấn sản phẩm. “Để bảo vệ thương hiệu và hạn chế tình trạng làm giả, nhái mẫu sản phẩm, đầu năm 2016 công ty đầu tư trên 2 tỷ đồng cải tiến bao bì đóng gói và thiết kế mẫu. Hiện, bao bì sản phẩm không còn thiết kế theo kiểu truyền thống bằng ni lông trong, dán giấy bên ngoài mà chuyển sang in màu bằng máy với kinh phí trên 60 triệu đồng/mẫu”, bà Hồ Thị Hoa, giám đốc DN thông tin.

Theo thống kê của Hiệp hội Tôm chua Huế, hiện toàn tỉnh có trên 50 cơ sở sản xuất tôm chua với các tên gọi như Tấn Lộc, Tô Việt, Bà Duệ, Bà Mãng, Bà Nhồng, Bà Mai... Sản phẩm tôm chua Huế hiện đã có mặt ở nhiều siêu thị trong và ngoài tỉnh và xuất khẩu sang các nước Lào, Thái Lan, Pháp. “Dù ảnh hưởng sự cố môi trường biển nhưng năm 2016, đặc sản tôm chua Huế vẫn tiêu thụ mạnh, sản lượng tiêu thụ đạt trên 30 tấn. Đây là nỗ lực lớn không chỉ của các cơ sở sản xuất, mà có sự vào cuộc của các ban ngành với mục đích quảng bá thương hiệu đặc sản Huế đến các thị trường tiềm năng”, Chủ tịch Hiệp hội Tôm chua Huế- Trần Cao Phúc chia sẻ.

Mứt gừng Huế được xuất khẩu sang Đức và Anh

Xây dựng con dấu nhận diện đặc sản Huế

Tại hội nghị kết nối, phát triển thị trường sản phẩm đặc sản vừa diễn ra vào cuối tháng 12/2016, nhiều đối tác đánh giá cao chất lượng hàng đặc sản Huế. Qua khảo sát một số đặc sản như mè xửng, tôm chua, nước mắm, trà cung đình, trà vả, thanh trà… có 6 nhà phân phối lớn đến từ Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, An Giang, Đà Nẵng đã ký kết biên bản tiêu thụ sản phẩm với 20 DN, cơ sở sản xuất đặc sản Huế.

Ông Tạ Minh Sơn-Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn khẳng định: “Huế là địa phương có nhiều đặc sản mang bản sắc riêng, chất lượng tốt, song khâu quảng bá, giới thiệu của các DN, cơ sở còn hạn chế nên lâu nay đặc sản Huế có mặt rất ít tại các siêu thị lớn. Hiện, Tứ Sơn đang kinh doanh đầy đủ sản phẩm đặc trưng của các vùng miền trong cả nước, trong đó Huế có 3 đặc sản là trà cung đình, mứt gừng và bánh chưng. Năm 2017, DN sẽ kết nối và tiêu thụ thêm một số đặc sản Huế, đồng thời làm đầu mối cung ứng cho các nhà bán lẻ tỉnh An Giang và các địa phương khác”.

Để phát triển thị trường đặc sản, UBND tỉnh triển khai chương trình phát triển thị trường sản phẩm đặc sản Huế giai đoạn 2016- 2020. Chương trình tập trung hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất sản phẩm đặc sản đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thị trường. Các nội dung thực hiện gồm quy hoạch phát triển nguồn nguyên liệu sản xuất; xây dựng lô gô nhận diện sản phẩm đặc sản; hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn hiệu, xây dựng quy trình đóng gói…

Theo Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh, năm 2016 các sản phẩm đặc sản đã khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, để duy trì và tạo niềm tin đối với các nhà phân phối hay hệ thống bán lẻ trong và ngoài nước, các DN, cơ sở sản xuất cần ổn định đơn hàng, thay đổi mẫu mã sản phẩm và đẩy mạnh khâu quảng bá, tiếp thị sản phẩm. Năm 2017, sở sẽ hỗ trợ để các DN, cơ sở đầu tư các dây chuyền sản xuất hiện đại, thiết kế mẫu mã và đào tạo nhân lực nhằm nâng cao chất lượng và cải tiến mẫu mã sản phẩm. Trong đó, sẽ xây dựng lô gô “Con dấu nhận diện đặc sản Huế” để khách hàng dễ dàng phân biệt và nhận biết đặc sản do các cơ sở trên địa bàn tỉnh sản xuất và đã được đăng ký nhãn hiệu; giúp DN xây dựng mã vạch để khách hàng nhận biết nơi sản xuất hàng hóa, từ đó dễ dàng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.”

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ  ngành công thương năm 2017,  Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ giao Sở Công thương phối hợp với Sở NNN&PTNT hình thành bộ danh mục các đặc sản đặc trưng của Huế để tiếp tục hỗ trợ cải tiến mẫu mã, bao bì đóng gói và xúc tiến mở rộng thị trường. Năm 2017, ngành công thương cần chủ động kết nối với các DN, hộ nông dân để thúc đẩy quá trình đưa đặc sản ở các địa phương vào cung ứng tại chuỗi siêu thị; vận động các cơ sở đăng ký nhãn hiệu, hình thành thương hiệu và chứng nhận sở hữu trí tuệ để sản phẩm cạnh tranh với các thương hiệu cùng loại, đồng thời hạn chế tình trạng làm giả, làm nhái.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế

Hội thảo khoa học "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế" do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức chiều 22/11 tại TP. Huế. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân, cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam

Hơn 100 hình ảnh, tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên đã được giới thiệu, công bố đến công chúng tại triển lãm chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”, khai mạc sáng 15/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (7 Lê Lợi, TP. Huế).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam
“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc

Tập tùy bút, ghi chép “Trước nhà có cây hoàng mai: Những ghi chép về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa” (NXB Phụ Nữ Việt Nam) đã được tác giả - nhà báo Minh Tự giới thiệu đến công chúng, những người yêu sách tại Phố sách Hà Nội (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc
Cát nhân tạo chưa tiếp cận được thị trường

Theo kế hoạch, năm 2026 trên địa bàn tỉnh sẽ đưa vào sử dụng trên 80% cát nghiền (cát nhân tạo) thay thế cát tự nhiên. Dù có nhiều giải pháp được triển khai, nhưng đến nay việc sử dụng cát nhân tạo vẫn chưa đạt kế hoạch.

Cát nhân tạo chưa tiếp cận được thị trường

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top