Tái đàn theo phương thức chăn nuôi an toàn sinh học là hướng đi an toàn, bền vững tại một số trang trại lớn ở Phong Điền, Quảng Điền
Đầu tư trở lại
Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) tỉnh, từ cuối năm 2019, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh có 137.830 con (trong đó đàn lợn nạc chiếm trên 94% tổng đàn), giảm 14,7% do ảnh hưởng dịch TLCP.
Đến cuối tháng 6, đầu tháng 7/2020, tổng đàn lợn trên địa bàn có 171.450 con (đàn lợn nái có khoảng 17.500 con). Năm 2020, phát triển đàn lợn với dự kiến tổng đàn tăng 8%/năm, đến cuối năm nay có khoảng 150.000 con, nhằm tăng nguồn cung cấp sản phẩm để bình ổn giá thịt lợn, cơ bản phục vụ đủ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, khôi phục công ăn việc làm cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục CN&TY tỉnh thông tin, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có khoảng 10.000 hộ, cơ sở đã nuôi trở lại sau dịch để tái đàn, tăng đàn; trong đó có 38 doanh nghiệp (DN), trang trại (TT). Số lợn tái đàn khoảng 95.000 con, đạt khoảng 70% tổng đàn (trong đó lợn nái tái đàn khoảng 9.200 con). DN và TT vừa và lớn tái nuôi khoảng 57.000 con, chiếm khoảng 60% số tái đàn.
Lợn tái đàn được nuôi phần lớn tại các TT bảo đảm an toàn sinh học ở TX.Hương Trà, Hương Thủy; huyện Quảng Điền, Phong Điền...và các trại nuôi tập trung, các hộ có đất đai rộng, cách ly, cách biệt với nhà ở và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học (ATSH) (có tường rào, hàng rào bao quanh; quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, mật độ nuôi phù hợp và thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng đảm bảo).
Theo ông Hưng, để tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn tái đàn, tăng đàn lợn bảo đảm ATSH, giảm thiệt hại khi dịch bệnh xảy ra, hạn chế ô nhiễm môi trường, tiến tới chấm dứt tình trạng chăn nuôi trong khu vực dân cư, bảo đảm phát triển chăn nuôi bền vững, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tái đàn lợn gắn với tái cơ cấu chăn nuôi sau dịch TLCP giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu đến năm 2025 tổng đàn lợn toàn tỉnh đạt trên 207.000 con và phát triển nâng dần tổng đàn.
Đảm bảo nguyên tắc tái đàn
Theo Chi cục CN&TY tỉnh, giá thịt lợn hơi trong tỉnh hiện nay khoảng 90.000 - 95.000 đồng/kg và mức giá này đã “cầm cự” khá lâu, chưa có khả năng giảm trong thời gian tới.
Việc tái đàn là cấp thiết nhưng cần triển khai chăn nuôi ATSH, tái đàn nhưng không tái dịch; cần đầu tư về các điều kiện cách ly tối thiểu 150 mét đối với TT nhỏ, 500 mét đối với TT lớn, an toàn vào ra và đảm bảo môi trường bền vững. Các địa phương quản lý việc tái đàn có đăng ký, không để dịch xảy ra, nếu để dịch xảy ra, người nuôi không đăng ký thì sẽ không được hỗ trợ.
Theo đó, tái đàn, tăng đàn lợn tại các địa phương phải đảm bảo nguyên tắc, áp dụng được các biện pháp ATSH theo hướng dẫn tại Công văn số 5329/BNN-CN ngày 25/7/2019, Công văn số 4249/HD-BNN-TY ngày 18/6/2019 và Công văn số 13/BCĐDTLCP ngày 19/12/2019 của Bộ NN&PTNT, đồng thời chủ động được thị trường đầu vào, đầu ra theo quy luật cung - cầu.
Tổ chức, cá nhân chăn nuôi lợn phải có đủ quỹ đất, nguồn lực, phải khai báo và chịu sự quản lý, hướng dẫn của ngành chuyên môn trong việc tái đàn gắn với tái cơ cấu sản xuất và tuân thủ quy định về vệ sinh môi trường.
Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các cấp huyện chủ động bố trí lại khu vực chăn nuôi theo kế hoạch sử dụng đất ở địa phương để từng bước chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung, TT theo hướng hữu cơ, ATSH; chuyển dần chăn nuôi từ vùng mật độ dân số cao đến nơi có mật độ dân số thấp; hình thành các vùng chăn nuôi xa khu vực nội thành, nội thị, khu dân cư và khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn đến chế biến nâng cao năng suất, cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng. Đồng thời, hướng dẫn cho người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi ATSH, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, chủ động phòng, chống thiên tai, dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Ông Nguyễn Văn Hưng khẳng định, việc tái đàn là cần thiết nhưng vẫn khuyến cáo các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo chăn nuôi ATSH thì không nên nuôi tái đàn lợn. Các cơ sở cố tình tái đàn mà không khai báo với chính quyền và cơ quan thú y để được theo dõi, quản lý thì sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra.
Chi cục đang tăng cường công tác kiểm tra việc xuất, nhập, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn và sản phẩm thịt lợn vào địa bàn tỉnh. Kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp vi phạm các quy định về chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh, xả thải và tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT tạo điều kiện hỗ trợ nguồn lực, con giống và hướng dẫn tỉnh khôi phục kịp thời đàn lợn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và góp phần bình ổn được giá thịt lợn lâu dài.
Chi cục CN&TY tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT bổ sung vào Đề án tái cơ cấu và Kế hoạch hành động của Trung ương nhằm hỗ trợ kinh phí, giúp đỡ về chuyên môn để tỉnh được tham gia xây dựng một số mô hình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, mô hình nuôi gà lông màu theo hướng TT, nuôi gà thả vườn, mô hình chăn nuôi ATSH, mô hình chăn nuôi hữu cơ và một số mô hình thích hợp khác để có cơ sở triển khai nhân rộng giúp nông dân phát triển chăn nuôi bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bài, ảnh: Hà Nguyên