ClockThứ Hai, 28/03/2022 16:45

Doanh nghiệp linh hoạt giải pháp đối phó với các 'cú sốc' về chi phí

Theo chuyên gia, cấu trúc của nền kinh tế sẽ thay đổi, theo đó một lượng nhất định doanh nghiệp trong các ngành gặp khó khăn sẽ phải ứng phó để thích ứng hoặc chấp nhận đào thải.

Sử dụng xăng dầu hiệu quả: Bài toán căn cơ trước bão giá nhiên liệuHỗ trợ công nhân xoay xở trước “bão giá”Nhiều công trình giao thông gặp khó vì “bão giá”

Ảnh hưởng của 'bão giá,' nhiều doanh nghiệp phảo đang tìm kiếm các giải pháp thích ứng để tồn tại. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trong bối cảnh “bão giá” về nguyên, nhiên vật liệu cũng như vận chuyển, logistics…, các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu không thể dễ dàng tăng giá bán, thay vào đó họ phải tìm kiếm các giải pháp ứng phó trong ngắn hạn.

Biên lợi nhuận giảm mạnh

Ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty Công ty Phát triển Nông nghiệp và tư vấn Môi trường (DACE) chia sẻ công ty kinh doanh trong lĩnh vực là xuất khẩu nguyên liệu ngành gia vị (90% thị trường là xuất khẩu). Việc thu mua nông sản theo thời vụ, hơn nữa công ty có đủ năng lực lưu trữ kho bãi, do đó chưa bị ảnh hưởng đến giá nguyên liệu đầu vào.

Tuy nhiên, các loạt vật tư, bao bì, phí vận chuyển trong nước giá đã tăng khá mạnh khoảng 20-30%. Đặc biệt là chi phí logistics tăng từ 300-600 USD/container (đi Nhật Bản, Hàn Quốc) thời điểm trước dịch COVID-19 đã tăng lên 1.500 USD/container ở hiện tại. Với thị trường châu Âu, Mỹ (thị trường truyền thống trước đó của DACE) cước phí “leo thang” chóng mặt từ mức 3.000-5.000 USD/container lên tới 20.000-23.000 USD ở hiện tại.

“Chưa kể phải tranh giành container cộng thêm thời gian vận chuyển do phải trung chuyển qua nước thứ ba (vì hiện tại tàu xuất cảng Việt Nam chủ yếu có dung tích nhỏ), khiến thời gian tăng từ 30 ngày (trước đây) lên tới 50 ngày/chuyến hàng. Điều này dẫn đến việc nếu công ty tiếp tục xuất khẩu nguyên liệu tươi sẽ không thể cạnh tranh với các nhà cung cấp từ Nam Mỹ,” ông Hiếu cho biết.

Theo ông Hiếu, tỷ suất lợi nhuận sau thuế của công ty trong ba tháng đầu năm đã giảm xuống còn 7-10% (cùng kỳ năm 2021 là 13-15%).

Không chỉ gặp những vấn đề khó khăn như trên, bà Thị Hoài Thương, phó giám đốc Công ty Hồ Tiêu Việt cho biết công ty sản xuất-kinh doanh gia vị thành phẩm (thị trường xuất khẩu 70%, trong nước 30%) có nguyên liệu là vật tư, bao bì (như chai, lọ…) chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc đã gặp khó khăn do bị “đóng biên" vì chính sách "Zero Covid” của nước này. Việc này khiến chi phí của công ty bị tăng 30-40%, cộng thêm thời gian đặt hàng trước đây khoảng 30-45 ngày thì bây giờ phải trên hai tháng.

Bà Thương chia sẻ do công ty sản xuất kinh doanh mặt hàng không thiết yếu nên nhu cầu của thị trường (xuất khẩu và nội địa) đều giảm mạnh trước áp lực của lạm phát. Với thị trường xuất khẩu, công ty có thể đàm phán giá cung cấp theo thị trường song sản lượng đã chậm hơn trước rất nhiều. Về thị trường trong nước, công ty vẫn duy trì ổn định giá bán (ít nhất trong quý 1) nhằm giữ chân khách hàng. Vì vậy, biên lợi nhuận của công ty trong quý này dự kiến sẽ giảm về mức 5-7% (cùng thời điểm năm 2021 là khoảng 10-15%).

Đại diện Công ty cổ phần công nghệ Phúc Bình, đơn vị chuyên nhập khẩu và phân phối, thi công hạ tầng tích hợp điện nhẹ, cung cấp hệ thống camera giám sát, hệ thống báo động..., cho hay công ty cũng bị ảnh hưởng rất lớn trước tác động của “bão giá.” Thời điểm giãn cách xã hội, hoạt động nhập khẩu của công ty bị gián đoạn đồng thời hàng hóa về tới cảng song không được phép vận chuyển về kho, dẫn tới các chi phí kèm theo tăng lên.

“Nhiều sản phẩm đặt hàng nhà cung cấp, sau mấy tháng mới về tới kho. Công ty liên tục trong tình trạng thiếu hàng và phải tìm nguồn hàng dự trữ, lưu chuyển giữa các kho. Hơn nữa, các chi phí dịch vụ trên thị trường đều tăng lên theo giá xăng, dầu (như chi phí vận chuyển, lưu kho). Tuy nhiên, các công trình chủ yếu là đã ký kết hợp đồng trước đó nên công ty vẫn cố gắng tiết giảm chi phí để đảm bảo giá cả cung cấp hợp lý cũng như chia sẻ gánh nặng với khách hàng,” vị đại diện này cho biết.

Ứng phó trong ngắn hạn

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Bình, Trưởng khoa Kinh tế, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới tăng cao không hoàn toàn do giá dầu “leo thang,” mà các loại vật liệu đã đồng loạt tăng lên từ năm ngoài và đến thời điểm này tiếp tục tăng hơn nữa.

Theo ông Bình, giá nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới tăng cao do cộng hưởng từ nhiều yếu tố bệnh dịch, chiến tranh, sản lượng cung ứng thấp cộng thêm chính sách kích cầu của các Ngân hàng trung ương với lãi suất thấp để cứu vãn nền kinh tế trong nước.

Về dài hạn, ông Bình cho rằng, “giá dầu rất khó quay trở lại mặt bằng 30-50 USD/thùng như trước đây. Không giống như giai đoạn năm 2008, tình hình hiện nay là hoàn toàn khác, sản lượng sản xuất toàn cầu rất thấp cộng thêm yếu tố cấm vận do chiến tranh, dẫn đến cấu trúc sản lượng của thế giới đang bị thay đổi rất lớn. Vì vậy, thị trường ít nhất sẽ phải mất 2-3 năm tới mới có thể điều chỉnh xuống và ổn định.”

Về mặt bằng giá hàng hóa nói chung, ông Bình dự báo cũng không thể kỳ vọng về như thời kỳ chưa có đại dịch, theo đó nền kinh tế phải chấp nhận một mặt bằng mới. Thậm chí, những căng thẳng về xung đột chiến tranh có giảm bớt, thế giới dần hòa nhập sống chung với dịch bệnh và sản lượng sản xuất hàng hóa tăng lên, thì mặt bằng giá cũng chỉ điều chỉnh nhẹ.

“Các doanh nghiệp phải chấp nhận làm quen với mặt bằng giá mới, áp lực cạnh tranh diễn ra trên toàn cầu, không riêng ở Việt Nam. Những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngành hàng tiêu thụ nguyên, nhiên liệu giá cao bắt buộc phải thích ứng một thời gian bằng cách tự điều chỉnh trước những cú sốc ngắn hạn và chờ 1-2 năm tới, khi người tiêu dùng làm quen dần với mặt bằng giá mới,” ông Bình nói.

Theo ông Bình, ở giai đoạn đầu này, cách tốt nhất để điều chỉnh là doanh nghiệp tự cắt giảm chi phí, nâng cao quản trị kinh doanh.

“Lúc này doanh nghiệp nào có chi phí thấp, năng suất lao động cao vẫn có thể tồn tại, song những doanh nghiệp không điều chỉnh được về quản trị chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Cấu trúc của nền kinh tế sẽ thay đổi, một số lượng nhất định doanh nghiệp trong các ngành bị khó khăn sẽ phải ứng phó để thích ứng hoặc chấp nhận bị đào thải. Bên cạnh đó, một số ngành sẽ lớn mạnh lên nhờ việc tăng giá nguyên, nhiên vật liệu,” ông Bình nói.

Về giải pháp, ông Trần Văn Hiếu - Giám đốc DACO, cho biết trước mắt công ty đã chuyển sang tiếp cận thị trường trong nước và những thị trường gần (như Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia) để có thể quay vòng vốn nhanh. Trong quý 1, công ty ghi nhận mức doanh thu 50%, điều này giúp công ty bù đắp khoản biên lợi nhuận giảm sút khoảng 5%.

“Bên cạnh đó, DACO đang nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, phù hợp với điều kiện logistics hiện nay (như thay thế hàng nguyên liệu tươi bằng hàng cấp đông, muối, khô đồng thời nâng cao giá trị gia tăng). Về dài hạn, công ty có kế hoạch chuẩn bị về tài chính, nhân sự, vùng nguyên liệu, phương pháp sản xuất, áp dụng hệ thống ERP ((hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) và chuyển đổi số. Thêm vào đó, công ty sẽ tăng cường chiến lược tiếp cận thị trường (như kết hợp hội chợ quốc tế truyền thống và xây dựng các kênh thương mại điện tử),” ông Hiếu nói.

Đại diện Công ty Phúc Bình cũng chia sẻ các biện pháp làm việc online, công tác cung ứng hàng hóa đã được công ty lên kế hoạch từ rất sớm (như dự đoán tình hình vận chuyển và chủ động dự trữ các sản phẩm, các phụ kiện quan trọng).

“Với đặc thù ngành nghề kinh doanh của mình, công ty sẽ tập trung vào chất lược dịch vụ trong quá trình triển khai thi công và bố trí sắp xếp cán bộ trực hotline 24/7 để xử lý hỗ trợ khách hàng mọi thời điểm,” vị đại diện này cho hay./.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả

Xây dựng chiến lược, lập kế hoạch kinh doanh và vận hành doanh nghiệp (DN) hiệu quả là nội dung khóa đạo tạo được Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tổ chức trong 2 ngày 22 và 23/11.

Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả
Đa dạng các giải pháp giảm nghèo

Là địa phương nằm ở vùng ven thành phố, số hộ nghèo trên địa bàn phường Hương Vinh (TP. Huế) khá đông. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững (GNBV), bằng nhiều cách làm và đa dạng các giải pháp giảm nghèo, đến cuối tháng 11/2024, toàn phường chỉ còn 10 hộ nghèo, vượt 400% so với chỉ tiêu thành phố giao.

Đa dạng các giải pháp giảm nghèo
Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc

Không chỉ là một khẩu hiệu, phong trào "Doanh nghiệp nói không với thuốc lá" đang trở thành cam kết của nhiều doanh nghiệp (DN), góp phần cùng cộng đồng bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng sống.

Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc
Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp

Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp và có nhiều chính sách đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), song nhìn nhận từ góc độ bao phủ của chính sách vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của DN, nhất là DN các tuyến huyện, thị xã.

Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp

TIN MỚI

Return to top