ClockThứ Bảy, 26/02/2022 15:14

Giảm thuế giá trị gia tăng: Hỗ trợ người tiêu dùng & doanh nghiệp

TTH - Việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% (từ 10% xuống 8%) theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ đang tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực kinh tế.

Tổng cục Thuế yêu cầu đẩy mạnh thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng

Các cửa hàng đều triển khai giảm 2% thuế VAT cho khách hàng

Không chỉ người tiêu dùng hưởng lợi

Gần 1 tháng khi Nghị định 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ về triển khai thực hiện việc giảm thuế VAT có hiệu lực, hầu hết các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn đều triển khai giảm 2% thuế VAT cho các mặt hàng nằm trong danh mục giảm thuế VAT.

Cuối tuần, chị Nguyễn Thị Thúy Trinh, TP. Huế dẫn gia đình đi ăn uống tại siêu thị và mua một số nhu yếu phẩm trong gia đình. Với hóa đơn ăn uống 2 triệu đồng, chị được giảm gần 40 ngàn đồng tiền thuế VAT. Số tiền trừ trực tiếp vào hóa đơn không lớn, nhưng chị cũng thấy vui.

Chị Trinh bộc bạch “Tôi thực sự không biết đến sự thay đổi này. Đến khi, cô nhân viên thanh toán nói tôi mới để ý đến hóa đơn. Thực tế, thuế VAT trước kia là 10%, nếu với những đơn thanh toán giá trị nhỏ thì mức đóng không lớn nên tôi không để ý nhiều. Dù vậy, khi thấy hóa đơn giảm 2% thuế VAT, tôi cũng rất vui, vì dù khó khăn nhưng Nhà nước vẫn đồng hành hỗ trợ người dân, DN trong bối cảnh dịch COVID-19.

Với mức chi tiêu cho việc mua sắm hàng tháng hơn 15 triệu đồng, chưa kể các khoản chi khác thì mỗi tháng gia đình chị Trinh có thể tiết kiệm hơn 300 ngàn đồng từ việc giảm thuế. Thực tế, việc giảm thuế VAT 2% áp dụng cho những dịch vụ, hàng hóa rất khó nhận thấy nếu có giá trị nhỏ. Tuy nhiên, nếu người tiêu dùng sử dụng dịch vụ càng nhiều thì càng thấy rõ lợi ích.

Tại hội nghị về bàn giải pháp phục hồi kinh tế do Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh khẳng định, trước đây các gói hỗ trợ lấy trụ cột là giãn, hoãn là chính để hỗ trợ DN, không tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Tuy nhiên, với chính sách giảm thuế VAT như hiện nay không chỉ có tác động hỗ trợ giảm phí đầu vào cho DN, giúp DN có cơ hội giảm giá sản phẩm; từ đây kích thích hoạt động mua sắm của người dân. Việc giảm thuế sẽ giảm trực tiếp vào số tiền chi tiêu hàng ngày của người tiêu dùng. Điều này, vô hình trung sẽ góp phần kiềm chế lạm phát, nhất là thời điểm đầu năm khi giá cả trên thị trường có xu hướng tăng cao.

Giám sát chặt việc giảm thuế

Mục đích lớn nhất của Nghị định 15 của Chính phủ là giảm thuế VAT để giảm giá hàng hóa, kích cầu tiêu dùng. Do đó, nghị định cũng quy định các bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát để người tiêu dùng hiểu và thụ hưởng lợi ích từ việc giảm thuế VAT. Trong đó, tập trung các giải pháp ổn định cung cầu hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế VAT nhằm giữ bình ổn mặt bằng giá cả thị trường (giá chưa có thuế VAT) từ ngày 1/2/2022 đến hết ngày 31/12/2022 cơ bản ổn định so với thời điểm trước ngày 1/2/2022.

Ông Hà Văn Khoa, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh chia sẻ: Để đảm bảo chính sách này đi vào cuộc sống, Cục Thuế tỉnh đang triển khai tuyên truyền, phổ biến cho người dân và DN trên địa bàn quản lý; bám sát địa bàn, người nộp thuế để hướng dẫn, hỗ trợ các DN, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh các nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc diện giảm thuế VAT trên địa bàn để thực hiện đúng quy định về giảm 2% thuế suất thuế VAT.

Trên tinh thần tạo thuận lợi cho DN, tổ chức, người dân, cơ quan thuế các cấp sẽ kiểm tra, giám sát về giá bán hàng hóa, dịch vụ của các DN, tổ chức trên địa bàn. Trường hợp phát hiện các hiện tượng lợi dụng chính sách của Nhà nước để tăng giá bán của các hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT, cơ quan thuế sẽ tham mưu các biện pháp xử lý với cơ quan có thẩm quyền để giúp DN, hộ kinh doanh sớm đưa chính sách nhân văn này vào cuộc sống.

Phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế Cục Thuế tỉnh cũng hướng dẫn, DN và hộ kinh doanh cần lập danh sách các mặt hàng, dịch vụ mà mình đang kinh doanh, sản xuất gồm những sản phẩm nào; tra cứu xem ứng với từng mã sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đã lập có mã sản phẩm là gì, theo quy định ở Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 1/11/2018. Sau khi đã có các mã hàng hóa, dịch vụ kinh doanh, sản xuất, DN, hộ cá nhân kinh doanh đem mã từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ này so với mã hàng hóa, dịch vụ được quy định ở Phụ lục số I, II, III ban hành kèm theo của Nghị định số 15/2022/NĐ-CP.

Nếu mã hàng hóa, dịch vụ của DN, hộ cá nhân kinh doanh mình đang kinh doanh, sản xuất trùng với mã hàng hóa, dịch vụ được quy định ở Phụ lục I, II, III, ban hành kèm theo của Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, hàng hóa, dịch vụ này áp dụng thuế suất thuế VAT 10%. Ngược lại, nếu mã hàng hóa, dịch vụ của DN, hộ cá nhân kinh doanh mình đang kinh doanh, sản xuất không trùng với mã hàng hóa, dịch vụ được quy định ở Phụ lục I, II, III, ban hành kèm theo của Nghị định số 15/2022/NĐ-CP thì hàng hóa, dịch vụ này áp dụng thuế suất thuế VAT 8%.

Bài, ảnh: HOÀNG LOAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

TIN MỚI

Return to top