ClockThứ Ba, 14/11/2017 12:36

“Ma trận” thực phẩm an toàn - kì II: Bỏ ngỏ quản lý

TTH - Dù chưa được công nhận đạt chuẩn an toàn, song khá nhiều cửa hàng (CH) kinh doanh các sản phẩm nông lâm thủy sản (NLTS) vẫn quảng cáo thực phẩm an toàn, sạch trong khi khâu kiểm tra, xử phạt bỏ ngỏ.

“Ma trận” thực phẩm an toàn - Kì I: “Tự phong”... an toàn

Hầu hết các mặt hàng nông lâm thủy sản được gắn mác an toàn đều có giá cao hơn giá thị trường song người dân vẫn chọn mua

Chưa được kiểm định

Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng CCQLCLNLS&TS thông tin, từ sau 2015, các CH thực phẩm an toàn tăng nhanh về số lượng, từ một hai CH, đến nay có khoảng 12 CH kinh doanh các thực phẩm tiêu dùng, tươi sống hàng ngày. Trong số 12 CH kinh doanh thực phẩm NLTS, có một số CH được chứng nhận đủ điều kiện an toàn trong việc trưng bày và bán sản phẩm (SP), còn lại vẫn còn hơn một nửa các CH chưa được chứng nhận, đó là chưa nói đến các SP được kinh doanh, bày bán tại các CH mà như đã nêu ở trên, đến nay chỉ mới có 4 SP của CT Quế Lâm được chứng nhận an toàn (CNAT). Ngoài ra còn có hàng chục, thậm chí hàng trăm người kinh doanh hàng NLTS online với những lời quảng cáo có cánh như hàng nhập từ Đà Lạt, lợn nhà nuôi, gà nhà, rau nhà trồng... để thu hút khách hàng nhưng thực chất SP họ bán như thế nào, có đúng như lời họ quảng cáo hay không vẫn chưa có cơ quan chức năng nào thẩm định.

Hầu như CH nào cũng gắn mác an toàn, thậm chí có CH gắn mác sạch cho các loại thực phẩm bày bán.

Ông Hồ Đăng Khoa cho rằng, trong khái niệm về thực phẩm, không có từ sạch mà chỉ là an toàn, bởi từ sạch là tuyệt đối và chưa có quy định để nuôi trồng, sản xuất theo quy trình sạch. Ngay cả từ hữu cơ cũng chỉ là cách gọi của các cơ sở doanh nghiệp kinh doanh nông lâm sản. Ở Việt Nam chưa có bộ quy chuẩn nuôi trồng sản xuất theo quy chuẩn hữu cơ hay còn gọi là organic mà mới chỉ có ở một số nước tiên tiến trên thế giới áp dụng nuôi trồng theo quy trình này.

Dù trưng bảng an toàn, sạch khi chưa được cấp phép, song việc xử phạt với những cơ sở này vẫn đang còn bỏ ngỏ.

Theo ông Hồ Đăng Khoa, việc các CH tự quảng cáo không đúng với nội dung, sự thật như rau, củ quả, thịt, trứng cá chưa được CNAT không thuộc chức năng xử phạt của đơn vị. CCQLCLNLS&TS chỉ kiểm tra chất lượng các SP bày bán, còn việc quảng cáo phải là các cơ quan liên quan đến văn hoá, thông tin…

Tuy nhiên, khi PV liên hệ với một số cơ quan liên quan, họ cho rằng việc xử phạt đối với vấn đề nêu trên lâu nay chưa có tiền lệ, các cơ quan liên quan như đội quản lý đô thị, phòng văn hoá, thông tin,… chỉ xử phạt về việc treo biển quảng cáo không đúng nơi quy định, sai về kích thước…

Lỗ hổng

Theo quy định, việc đăng ký CNAT cho sản phẩm  NLTS dựa trên cơ sở tự nguyện của các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, nuôi trồng. Thế nên, dù vận động nhiều lần, song các cơ sở không tự nguyện, cơ quan chức năng cũng “bó tay”.

Theo cơ quan chức năng, lý do người dân, cơ sở sản xuất chưa mặn mà trong việc đăng ký CNAT với SP NLTS là do kinh phí đăng ký xét nghiệm các mẫu SP ban đầu khá lớn, từ 2-3,5 triệu đồng/mẫu, trong khi các cơ sở, CH kinh doanh thực phẩm NLTS có khá nhiều mặt hàng, nếu đăng ký chứng nhận khoảng chục mẫu, họ phải mất vài chục triệu đồng. Với các cơ sở kinh doanh lớn, có thể không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập, song với các cơ sở nhỏ, mỗi ngày chỉ bán được vài triệu đồng thì số tiền để đăng ký ban đầu không phải nhỏ.

Dù thế, cái lợi theo ông Hồ Đăng Khoa là người kinh doanh chỉ tốn kinh phí ban đầu, sau đó, đều đặn hàng tháng, CCQLCLNLS&TS có trách nhiệm lấy mẫu SP để kiểm tra định kỳ và những lần sau này người kinh doanh không phải tốn phí.

CCQLCLNLS&TS cho biết, đơn vị đã khảo sát khá nhiều vườn trồng rau, củ của một số cơ sở kinh doanh thực phẩm NLTS trên địa bàn. Tuy cách họ trồng khá bài bản như bón phân hữu cơ, không phun thuốc trừ sâu…, song cũng không thể khẳng định SP của họ an toàn khi chưa được kiểm nghiệm, xét nghiệm định tính, định lượng. Hơn nữa, lượng rau củ được trồng trên địa bàn chỉ đáp ứng chưa tới 40% nhu cầu của người dân, trong đó các loại củ, quả chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu tiêu thụ của người dân, do đó, đa số các loại rau, củ quả đều được nhập về từ các tỉnh, thành khác.

Rõ ràng, cái lợi nhãn tiền là nếu có chứng nhận, người kinh doanh có thể trưng bày chứng nhận tại điểm kinh doanh để tạo thêm độ tin cậy cho khách hàng. Từ đó, các giá trị thặng dư được tạo ra khi khách hàng có niềm tin và truyền tai nhau giúp mở rộng thương hiệu. Từ cơ sở đó, người kinh doanh hoàn toàn có thêm điều kiện để mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Chị L., chủ cửa hàng NLTS ở đường Đống Đa chia sẻ, chị rất muốn đăng ký cấp CNAT cho một số SP rau do chị phối hợp với nông dân một số phường trên địa bàn trồng, song với kinh phí ban đầu lớn, hơn nữa, vựa rau khá nhỏ lẻ, chỉ đáp ứng được một phận nhỏ người tiêu dùng nên chưa có điều kiện đăng ký chứng nhận SP an toàn.

Khi hỏi lý do tại sao chưa được cấp giấy CNAT nhưng CH vẫn quảng cáo là thực phẩm an toàn, chị L., chỉ cười và cho rằng, mình nhập rau củ có nguồn gốc, với rau nhà trồng không an toàn thì là gì? Tuy thế, khi chúng tôi hỏi các giấy tờ liên quan cũng như nhật ký trồng rau ở vườn nhà thì chị L., cho rằng, của nhà trồng nên không ghi.

CCQLCLNLS&TS cho hay, dù đã được cấp giấy CNAT, song nếu quá trình kiểm tra phát hiện SP NLST có dấu hiệu vi phạm các quy định về an toàn, vượt các chỉ tiêu thông số cho phép, đơn vị sẽ lập tức rút giấy chứng nhận, ngoài xử phạt còn công bố trên các phương tiện truyền thông để công chúng được biết.

Trong quá trình quản lý từ, đầu năm đến nay, đơn vị đã kiểm tra và lấy mẫu ngẫu nhiên khá nhiều SP NLTS đã kiểm nghiệm, song chưa phát hiện trường hợp nào có tồn dư các chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt. Tuy thế, cũng không thể khẳng định các loại rau, củ quả, thịt, trứng, cá trên địa bàn an toàn, bởi phạm vi lấy mẫu xét nghiệm, kiểm nghiệm khá nhỏ, chỉ vài chục SP, trong khi số lượng hàng hoá, thực phẩm tiêu thụ hàng ngày rất lớn.

Để đảm bảo sức khoẻ, người tiêu dùng nên tỉnh táo lựa chọn thực phẩm cho bữa cơm gia đình hàng ngày, tốt nhất là chọn hàng hoá có nguồn gốc, nhãn mác, thay vì những lời có cánh nhưng khi truy xuất nguồn gốc, người bán không có cơ sở để chứng minh.

Bài, ảnh: Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản số 10182/NHNN-TT yêu cầu các đơn vị liên quan trực thuộc, các tổ chức tín dụng, NAPAS và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán,... triển khai một số biện pháp để bảo đảm hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt trong thời gian cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025.

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

TIN MỚI

Return to top