ClockThứ Bảy, 01/04/2023 15:03

Người vay tiêu dùng có thật sự dễ thở hơn?

TTH - Người đi vay thường cho hai mục đích - đầu tư sản xuất, kinh doanh và vay tiêu dùng. Vay để kinh doanh thì gắn nhiều với doanh nghiệp (DN), kể cả những hộ cá thể. Vốn trong trường hợp này được tính là một yếu tố đầu vào của sản phẩm và dịch vụ. Nhưng vay tiêu dùng thì khác, lãi suất không thể coi là một yếu tố đầu vào. Cho nên, xét về góc độ kinh tế, lãi suất tăng cao đương nhiên ai cũng bất lợi, nhưng bất lợi nhất, có thể gặp nhiều xáo trộn nhất về tài chính, chính là người vay tiêu dùng. DN có thể chuyển hóa lãi suất vào sản phẩm, nhưng người vay tiêu dùng thì không thể làm được điều này.

Người vay tiêu dùng chới với trong “cơn lốc” lãi suất neo cao

leftcenterrightdel
Các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùn.  Ảnh: Hoàng Loan

Hiện nay, lãi suất cả huy động và cho vay đang trên đà giảm. Mức lãi suất mà các ngân hàng công bố, chúng ta thấy lãi suất không còn cao hơn trước khi biến động là mấy. Nghĩa là DN đã rất “dễ thở”. Qua chỉ số CPI (chỉ số giá tiêu dùng) 2 tháng đầu năm 2023 tăng đến 4,6% (tăng đến 1,68% so với cùng kỳ 2022), được xem là mức tăng cao trong nhiều năm gần đây. Những số liệu này cho thấy, rõ ràng những yếu tố tác động lên giá đã chuyển hóa vào sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Ở giai đoạn đầu của việc tăng các yếu tố đầu vào, trong đó có lãi suất, các DN (nói chung là nhà sản xuất và dịch vụ) thường giữ giá nhằm đảm bảo tính cạnh tranh. Có nhiều cách để làm điều này: soát xét lại quy trình vận hành, tiết giảm chi phí sản xuất, giảm một phần lợi nhuận… Đến một giới hạn nào đó, nếu các yếu tố đầu vào không giảm thì nó sẽ chuyển hóa vào giá hàng hóa. Hiểu một cách nôm na là hàng hóa và dịch vụ có một mặt bằng giá mới, cao hơn. DN có chịu thiệt ở trường hợp này không? Có thể có, ví dụ như chấp nhận giảm biên lợi nhuận. Nhưng người gánh chịu cuối cùng rõ ràng là người tiêu dùng.

Ví dụ, xe đưa đón khách từ Huế đến sân bay Phú Bài, trước đây giá 150 ngàn đồng/lượt (chẳng hạn), khi giá tăng, các tài xế đã tăng lên thêm vài mươi ngàn đồng. Như vậy, người cung cấp dịch vụ không chịu thiệt mà bên chịu chi phí chính là người tiêu dùng. Cho nên, một khi lãi suất tăng, DN kêu thì cứ kêu nhưng vay vẫn cứ vay là vì vậy. Năm nào cũng vẫn tăng trưởng tín dụng.

Lãi suất tăng và ở mức cao, khó khăn nhất có thể nói là đối tượng tiêu dùng. Những người vay những món vay có giá trị lớn như xây nhà, mua đất, mua căn hộ chung cư, mua xe là gặp nhiều bất lợi nhất. Ví dụ một người có mức lương cố định. Khi vay, họ đã tính là bao nhiêu phần trăm trong thu nhập để trả lãi và gốc cho ngân hàng. Giờ lãi suất tăng (nếu cam kết lãi suất thả nổi, mà hầu như ngân hàng nào cũng vậy, ngân hàng thường chỉ cam kết lãi suất cố định trong một giai đoạn, thường là 1 năm, sau đó là thả nổi. Mà lãi suất thả nổi thường là tăng). Giờ thì người tiêu dùng chịu 2 mức tăng – mức thứ nhất là lãi suất thả nổi, mức thứ hai là mức tăng lãi suất chung theo mặt bằng lãi suất mới. Những biến động này rất dễ dẫn đến những khó khăn trong cân đối tài chính đối với người vay tiêu dùng.

Với mức lãi suất như hiện tại, chắc là người vay tiêu dùng đều đắn đo. Kinh nghiệm rút ra ở đây là khi vay, luôn luôn tính đến một yếu tố dự phòng, đó là việc tăng của lãi suất.

NGUYÊN LÊ
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận
Danh sách bình luận (1)
NM
Nguyễn Văn Mạnh - 26/07/2023 18:44
Rất tốt

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top