Niềm vui của người dân xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên khi vụ cà phê được mùa, được giá. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)
Khảo sát tại thị trường Tây Ban Nha cho thấy, có tới 87% dân số nước này trong độ tuổi từ 18-64 uống càphê và 70% uống càphê hàng ngày.
Mức trung bình là 2,2 cốc/ngày và địa điểm ưa thích là ở nhà 61%, tiếp theo là quán bar hoặc nhà hàng 26% và nơi làm việc 21%. Hơn nữa, thông tin từ https:// www.statista.com cho thấy, phân khúc càphê của Tây Ban Nha dự kiến sẽ tăng trưởng 6,84% trong giai đoạn 2022- 2025.
Do đó, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha cho rằng, vẫn còn nhiều dư địa phát triển và là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng càphê vào thị trường tiềm năng này.
Để tăng cường xuất khẩu bền vững nông sản hàng hóa nói chung và càphê nói riêng sang thị trường Tây Ban Nha, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha cho rằng các địa phương và Hiệp hội ngành hàng cần đề xuất và phối hợp với Thương vụ tổ chức các sự kiện tọa đàm trực tiếp và trực tuyến giới thiệu về cơ hội hợp tác kinh doanh tiềm năng cho các doanh nghiệp địa phương và các hiệp hội ngành hàng của hai nước trong việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tổ chức các đoàn doanh nghiệp với thành phần là các nhà nhập khẩu, phân phối và siêu thị lớn của Việt Nam sang làm việc kết nối, trao đổi hàng hóa trực tiếp song phương với các đối tác tại địa bàn sở tại.
Mặt khác, các địa phương, hiệp hội cung cấp cho Thương vụ danh sách các doanh nghiệp cũng như bản giới thiệu các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh tương ứng để Thương vụ có cơ sở dữ liệu hỗ trợ việc kết nối giao thương một cách thường xuyên tại các sự kiện xúc tiến thương mại-đầu tư thời gian tới.
Còn đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha cũng lưu ý cần tăng cường duy trì chất lượng và thương hiệu hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tại thị trường này.
Ngoài ra, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha khuyến nghị các bộ, ngành liên quan của Việt Nam cần chỉ đạo và phối hợp với Thương vụ thúc đẩy việc tổ chức Phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban liên Chính phủ về kinh tế, thương mại và đầu tư nhằm rà soát, đánh giá và cùng tìm ra các giải pháp chung khai thông rào cản thương mại…
Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, tháng 9/2022, Việt Nam xuất khẩu càphê sang Tây Ban Nha đạt 5.240 tấn, trị giá 13,1 triệu USD, giảm 14,4% về lượng và giảm 7,1% về trị giá so với tháng 8/2022. Tuy nhiên, nếu so với tháng 9/2021 thì lượng càphê tăng 11,5% và tăng 37,4% về trị giá.
Theo đó, tính chung 9 tháng, xuất khẩu càphê của Việt Nam sang Tây Ban Nha đạt 71.700 tấn, trị giá 160,81 triệu USD, tăng 40,4% về lượng và tăng 63,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, tháng Chín giá xuất khẩu bình quân càphê của Việt Nam sang Tây Ban Nha đạt mức 2.496 USD/tấn, tăng 8,6% so với tháng 8/2022 và tăng 16,9% so với tháng 9/2021. Vì vậy, tính chung 9 tháng, giá xuất khẩu bình quân càphê của Việt Nam sang Tây Ban Nha đạt mức 2.245 USD/tấn, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhận định từ các chuyên gia, Tây Ban Nha tăng nhập khẩu càphê từ hầu hết các nguồn cung nội và ngoại khối, ngoại trừ Indonesia và Hà Lan. Giá nhập khẩu bình quân càphê của Tây Ban Nha tăng từ hầu hết các nguồn cung ngoại khối nhưng giảm từ nguồn cung nội khối.
Thống kê cho thấy, nhập khẩu càphê của Tây Ban Nha từ nguồn cung ngoại khối EU trong 7 tháng năm 2022 đạt 165.7300 tấn, trị giá 524,1 triệu EUR, tăng 17,4% về lượng và tăng 100,8% về trị giá; trong đó, Việt Nam là nguồn cung ngoại khối lớn nhất cho Tây Ban Nha với lượng nhập khẩu đạt 67.200 tấn, trị giá 152 triệu EUR, tăng 18,3% về lượng và tăng 79,3% về trị giá.
Đặc biệt, thị phần càphê của Việt Nam chiếm 30,14% trong tổng lượng nhập khẩu của Tây Ban Nha trong 7 tháng năm 2022, thấp hơn so với thị phần 30,46% của cùng kỳ năm 2021.
Theo Vietnam+