Mục tiêu “lỡ hẹn”
Tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIV, nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh câu chuyện về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, trong đó tập trung vào chiến lược phát triển ngành tô tô.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận, giai đoạn vừa qua công nghiệp ô tô Việt Nam chưa đạt được mục tiêu cả về tham gia chuỗi cung ứng thị trường thế giới cũng như việc tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm trong nước.
Bộ trưởng chỉ ra 3 nguyên nhân chủ yếu khiến ngành công nghiệp ô tô không đạt mục tiêu. Thứ nhất là do dung lượng thị trường Việt Nam vốn đã nhỏ, lại không có chủ trương để tạo ưu tiên, điều kiện để cho các tập đoàn đầu tư có tiềm lực, có sức lan tỏa để hình thành chuỗi sản phẩm trong nước tham gia mà có nhiều các nhà đầu tư. Thứ hai là chưa có sự liên kết và hình thành các ngành công nghiệp phụ trợ và các nhà sản xuất có tính vệ tinh để liên kết với các doanh nghiệp sản xuất ô tô ở Việt Nam. Thứ ba là vấn đề chuyển giao công nghệ và tham gia của các doanh nghiệp ô tô lớn trên thế giới tại Việt Nam không đảm bảo và chưa có những cơ chế chính sách để thực hiện được phần chuyển giao công nghệ.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho hay, ngành công nghiệp hỗ trợ công nghiệp ô tô đã hình thành, nhưng mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, săm-lốp, sản phẩm nhựa... Chỉ một số ít doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe.
Riêng về tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân dưới 9 chỗ ngồi, mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%...
Sức ép hội nhập
Không chỉ “đau đầu” vì lỡ hẹn mục tiêu, ngành công nghiệp này đang “lao đao” trước sức ép hội nhập ngày càng lớn. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu quy định thuế suất nhập khẩu ô tô từ châu Âu về Việt Nam sẽ giảm còn 0% sau 10 năm.
Công nghiệp ô tô Việt Nam trước sức ép hội nhập
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng quy định ô tô tải và xe con dung tích từ 3 lít trở lên nhập khẩu từ Hàn Quốc giảm thuế về 0% sau 10 năm.
Đáng lưu ý nhất đó là sức ép cạnh tranh từ các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Indonesia… khi chỉ còn hơn 1 năm (từ năm 2018), ô tô nhập từ ASEAN sẽ tràn vào Việt Nam với thuế 0% theo lộ trình trong Hiệp định thương mại tự do AFTA.
Hiện nay, mặc dù chưa gỡ bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan song lượng ô tô nhập khẩu từ các quốc gia thuộc khu vực ASEAN đã chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam.
Việt Nam phải làm gì tô khi thuế xuất nhập khẩu ASEAN về 0%?
Tại phiên chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu Quốc hội đề nghị người đứng đầu Chính phủ làm rõ biện pháp nào cho ngành công nghiệp ô tô khi thuế xuất nhập khẩu ASEAN về 0% để mở cửa nhưng vẫn bảo đảm tính cạnh tranh để bảo hộ một cách chính đáng, hợp lý cho các doanh nghiệp trong nước.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) cho rằng, ký kết các hiệp định thương mại tự do thực chất là thiết lập cơ chế bảo hộ nội địa của các nước thành viên bằng luật chơi minh bạch và tiên liệu trước.
Công việc chính và nặng nề nhất sau khi ký Hiệp định Thương mại tự do là xây dựng những chiến lược giải pháp khai thác tối đa những cơ hội mà các hiệp định đem lại. Bảo hộ doanh nghiệp trong nước và bảo vệ thị trường và người tiêu dụng nội địa một cách hợp pháp, hợp lý, khôn ngoan và hiệu quả.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ông rất thấm thía ý kiến của đại biểu về việc để tràn ngập hàng hóa của các nước vào Việt Nam mà Việt Nam không có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ.
"Vừa qua, từ sản xuất, lắp ráp ô tô cho đến sản xuất phân bón, thức ăn gia súc và nhiều mặt hàng khác chúng ta đã buông lỏng, biến thành một thị trường tiêu dùng với gần 100 triệu dân mà chưa coi trọng bảo vệ hàng sản xuất trong nước", Thủ tướng thừa nhận.
Lãnh đạo Chính phủ cũng nhấn mạnh: "Chúng ta đừng quá dễ dàng, đừng biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ dễ dàng cho các nước".
Trước đó, Bộ trưởng Công thương đã đưa ra những nét cơ bản trong định hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô trong thời gian tới.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, đến năm 2018 Việt Nam sẽ thực hiện việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan nhập khẩu ô tô Việt Nam. Ngành công nghiệp ô tô trong nước sẽ tập trung vào dòng xe dưới 9 chỗ ngồi, xe tải, xe khách và tập trung vào phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Để đạt được mục tiêu đề ra, người đứng đầu ngành công thương cho biết, sắp tới sẽ ưu tiên bằng các chính sách, cơ chế thuế phù hợp và ưu đãi để hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn với những dự án có quy mô, tạo ra hiệu quả và sức lan tỏa.
Nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng: Công nghiệp ô tô trong nước chỉ còn hơn một năm nữa để chuẩn bị và tăng cường năng lực cạnh tranh. Nếu chính sách không rõ ràng, không ổn định, không nhất quán sẽ khiến các nhà đầu tư mất niềm tin. Các nhà sản xuất, lắp ráp sẽ rút khỏi thị trường chuyển sang thị trường khác hoặc chuyển sang việc nhập khẩu khiến ngành công nghiệp ô tô trong nước ốm yếu, chết yểu…
Các đại biểu cũng đánh giá, việc đưa ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, không những không vi phạm các cam kết quốc tế mà còn là một cơ hội cho chiến lược phát triển nền công nghiệp ô tô Việt Nam.
Theo báo cáo vừa công bố của Tổng cục Hải quan, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu trong tháng 10/2016 đạt 9.129 chiếc, tương đương giá trị 154,36 triệu USD. Luỹ kế cả giai đoạn 10 tháng, tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về nước đạt 82.743 chiếc, tương ứng với mức giá trị kim ngạch xấp xỉ 1,8 tỷ USD.
Đặc biệt, lượng ô tô có xuất xứ từ Thái Lan đang chiếm tỷ lệ rất lớn. Riêng trong tháng 10/2016, lượng xe nhập khẩu từ quốc gia Đông Nam Á này đạt 2.891 chiếc.Luỹ kế 10 tháng, lượng xe nhập khẩu Thái Lan cũng đạt con số ấn tượng 26.790 chiếc. Có nghĩa là tính đến thời điểm này trong năm, cứ 3 xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu thì có 1 xe đến từ Thái Lan...
|
Theo VOV