Vốn ủy thác từ ngân sách địa phương qua NHCSXH đã tiếp theo vốn cho các đối tượng chính sách
Nhìn từ Nam Đông
Là một trong những sản phẩm chủ lực địa phương tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm, thương hiệu cam Nam Đông đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, diện tích cây cam cũng phát triển lên 220 ha.
Cây cam Nam Đông phát triển mạnh mẽ về thương hiệu, chất lượng trong gần 10 năm trở lại đây khi UBND huyện có chủ trương lồng ghép nguồn vốn ủy thác từ địa phương sang NHCSXH huyện phục vụ đề án phát triển cây cam Nam Đông.
Ông Trương Phước, xã Hương Xuân, huyện Nam Đông là một trong số 56 hộ vay vốn từ nguồn vốn ủy thác từ ngân sách huyện qua Phòng giao dịch NHCSXH huyện Nam Đông để phát triển mô hình trồng cam theo đề án phát triển cây cam Nam Đông. Nhờ nguồn vốn này, ông đã phát triển diện tích cây cam lên 1,5 ha với 3 giống chủ yếu là Xã Đoài, Sài Gòn và Vân Du. Hiện hơn một nửa số diện tích trên đã cho thu hoạch, mang lại thu nhập ổn định hơn 200 triệu đồng/năm.
Được biết hàng năm, UBND huyện Nam Đông đều bố trí nguồn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn với số tiền 500 triệu đồng và nguồn vốn này đã được HĐND huyện đưa vào nghị quyết để thực hiện. Năm 2020, nguồn vốn ngân sách chuyển sang NHCSXH cho vay 500 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch giao, trong quý I năm 2021, nguồn vốn ngân sách huyện đã chuyển sang 750 triệu đồng, vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao; lũy kế nguồn ngân sách địa phương đã chuyển sang NHCSXH huyện Nam Đông đến nay là 3.200 triệu đồng.
Ông Dương Thanh Phước, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, nguồn vốn tín dụng chính sách, trong đó có nguồn vốn uỷ thác từ ngân sách huyện chuyển sang NHCSXH là nguồn lực tài chính quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Nguồn vốn này đặc biệt tập trung cho việc định hình và phát triển các sản phẩm chủ lực theo nghị quyết của Huyện ủy, HĐND huyện; đề án cho vay trồng cam, chuối, dứa Kaien…
Thêm nguồn vốn cải thiện sinh kế
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tỉnh cũng đã có cơ chế, chính sách riêng về việc bố trí ngân sách tỉnh, huyện ủy thác qua NHCSXH nhằm tăng cường nguồn vốn cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách khác
Số liệu từ NHCSXH tỉnh cho thấy từ năm 2016 đến nay, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương cấp tỉnh đến cấp huyện chuyển sang NHCSXH không ngừng tăng lên. Trước khi có Chỉ thị 40-CT/TW, nguồn vốn ủy thác địa phương chỉ thực hiện tại UBND cấp tỉnh và 1 đơn vị cấp huyện là Phong Điền trích từ ngân sách chuyển sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Sau khi có Chỉ thị 40/CT-TW đến nay, 100% UBND cấp huyện trên địa bàn toàn tỉnh đã trích ngân sách địa phương hàng năm chuyển sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay nhằm thực hiện tốt chỉ tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới theo chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã được HĐND và UBND đề ra hàng năm.
Nếu đầu năm 2016, nguồn vốn ủy thác địa phương chuyển sang NHCSXH để cho vay chỉ là 35.528 triệu đồng thì đến nay, nguồn vốn ủy thác địa phương đạt 133.872 triệu đồng, tăng 98.344 triệu đồng so với đầu năm 2016. Trong đó, nguồn vốn ủy thác cấp tỉnh là 93.852 triệu đồng, nguồn vốn ủy thác địa phương cấp huyện là 40.020 triệu đồng.
Trong quý I năm 2021, nguồn vốn ủy thác địa phương chuyển sang NHCSXH tỉnh là 19.250 triệu đồng, trong đó nguồn ngân sách tỉnh chuyển 15.000 triệu đồng, có 8/9 đơn vị cấp huyện đã chuyển 4.250 triệu đồng. Riêng thành phố Huế bình quân hàng năm chuyển ngân sách thành phố sang NHCSXH tối thiểu 2.000 triệu đồng, nhưng quý I/2021 do có khó khăn về nguồn thu nên chưa cân đối để chuyển được và dự kiến trong quý II/2021 sẽ chuyển. Trong quý I đã có 2 đơn vị chuyển đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao là huyện Nam Đông và Phú Lộc, các đơn vị còn lại sẽ cân đối nguồn ngân sách để tiếp tục chuyển trong thời gian tới.
Ông Trương Công Lân, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh thông tin, mặc dù nguồn vốn ủy thác địa phương chỉ chiếm 4,3% trong tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, nhưng thể hiện sự quan tâm, cố gắng và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chuyển sang được NHCSXH đã được chuyển tải kịp thời, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: Hoàng Loan