ClockThứ Hai, 04/12/2023 07:23

Thị trường bất động sản dự kiến phục hồi giữa năm 2024

TTH - Không chỉ vào thời điểm này mà lâu nay thị trường bất động sản (BĐS) ở các phân khúc nhà ở riêng lẻ, đất nền, căn hộ nghỉ dưỡng… trên địa bàn tỉnh vẫn rơi vào tình trạng “ế ẩm” . Các chuyên gia nhận định, khả năng phục hồi thị trường bất động sản vào khoảng giữa năm 2024.

Thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồiLuật Đất đai (sửa đổi) giải quyết căn cơ vướng mắc, đáp ứng kỳ vọng của cử tri"Ngấm thuốc” chính sách, thị trường bất động sản có dấu hiệu khỏe lên

 Thị trường nhà ở tại TP. Huế ế ẩm gần 2 năm nay

Ít giao dịch

Chị L.T. N., một môi giới BĐS tự do ở huyện Phong Điền chia sẻ, lâu nay dù đã nghe Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, địa phương tháo gỡ, sớm giúp thị trường BĐS phục hồi. Thế nhưng giao dịch đất đai ở địa phương vẫn “ế ẩm”. Nhiều khu đất phân lô bán nền ở thị trấn Phong Điền, hay xã Phong An, Phong Mỹ…(Phong Điền) vài năm trước chỉ cần đưa ra đấu giá 1-2 đợt là có chủ, nhưng hơn 1 năm nay dù đã tổ chức nhiều cuộc đấu giá chẳng thấy khách đến.

“Mấy năm trước giá tối thiểu một nền đất hơn 100m2 tại thị trấn Phong Điền có giá hơn 1 tỷ đồng thì hơn nửa năm nay giảm xuống 800 triệu đồng, nhưng vẫn không thấy ai liên hệ” - chị N. thực lòng.

Theo chị N., hơn hai năm trước đất sử dụng với mục đích gì, ra sổ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) hay chưa, khách hàng đều có nhu cầu hỏi mua, nhưng hơn 1 năm nay, chị chẳng giao dịch được một lô nào. Thời buổi kinh tế khó khăn, thị trường đất đai “ế ẩm”, dẫn đến nguồn thu nhập môi giới đất đai của chị N. cũng giảm sút đáng kể.

Tại các khu phân lô bán nền phía nam tỉnh thuộc địa bàn huyện Phú Lộc cũng rơi vào cảnh “chợ chiều” không kém. Hiện tại địa phương này đã quy hoạch hơn 23 khu, bình quân mỗi khu hơn 20 lô. Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện Phú Lộc tổ chức 33 cuộc đấu giá; trong đó có hơn 10 cuộc không có khách hàng tham gia.

Các khu đô thị mới tại TP. Huế, như An Vân Dương, Đông Nam Thuỷ An… từ nhiều năm qua đã thu hút nhiều dự án đầu tư đất nền và nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu mọi khách hàng. Đơn cử dự án nhà ở xã hội Ecogarden tại phường Thủy Vân, do Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Totana Capital làm chủ đầu tư, đến nay đã hoàn thiện 100% cơ sở hạ tầng và pháp lý. Thế nhưng gần 2 năm nay, đơn vị chưa giao dịch được vì thị trường BĐS ế ẩm.

Ông Đặng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Totana Capital cho biết, hiện công ty có hơn 300 sản phẩm thuộc dự án nói trên với kinh phí đầu tư xây dựng hơn 1.300 tỷ đồng nhưng suốt thời gian qua chưa bán được một sản phẩm. May mắn với mức kinh phí đầu tư đó, công ty không “dính nợ” ngân hàng nhiều nên thời điểm này vẫn triển khai thêm giai đoạn 2, dù sức mua của thị trường đang vắng lặng.

Một lãnh đạo của Hiệp hội Bất động sản Thừa Thiên Huế chia sẻ, một trong những nguyên nhân dẫn đến thị trường BĐS “đóng băng” vẫn là tình hình thế giới và trong nước gặp khó khăn về kinh tế, thị trường đất đai đang giảm sâu, doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, một thời gian ngân hàng siết chặt vay vốn đầu tư BĐS... Hơn nữa, một số doanh nghiệp BĐS khi triển khai các dự án lại gặp khó khăn thủ tục đất đai, vấn đề thuế đất… đến khi hoàn thành mức giá bị đội lên so với dự kiến ban đầu làm việc giao dịch gặp khó khăn…

 Nhiều dự án bất động sản ở địa phương gặp khó, triển khai chậm tiến độ

Khi nào thị trường sẽ phục hồi?

Đó là một dấu hỏi rất lớn mà  các chuyên gia và doanh nghiệp BĐS vẫn chưa có đánh giá lạc quan trong thời điểm hiện nay.

Thời gian qua, mặc dù Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, địa phương đã tập trung nhiều giải pháp tháo gỡ cho thị trường BĐS, nhưng thực tế các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, nhất là những bất cập chồng chéo trong chính sách đất đai, nhà ở trong đầu tư BĐS và việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng.

Nhiều chuyên gia nhìn nhận, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã tập trung tháo gỡ nhiều chính sách liên quan về đất đai, nhà ở... Thế nên, họ kỳ vọng cuối năm 2023 thị trường BĐS sẽ ổn định hơn. Tuy nhiên, đà phục hồi khó có thể là mẫu hình “chữ V” như nhiều người kỳ vọng mà khả năng sẽ là mẫu hình “chữ U”.

Cụ thể những phân khúc BĐS phục vụ cho nhu cầu ở thực được dự báo sẽ hồi phục tốt hơn những phân khúc mang tính chất đầu cơ. Thanh khoản thị trường tập trung ở những dự án đã có pháp lý đầy đủ với mức giá bán được chiết khấu về vùng hợp lý, tương xứng với giá trị thực.

Theo đại diện lãnh đạo Hiệp hội BĐS tỉnh, vào giữa năm 2024, những phân khúc BĐS nhà ở có mức giá phù hợp với tài chính và nhu cầu của người dân tại khu vực trung tâm thành phố; hay những phân khúc có nhu cầu ở thực, tính thanh khoản cao, mang lại dòng tiền ổn định (nhà ở xã hội, các căn hộ hạng B, hạng C, đất nền tại các vị trí gần các trung tâm, đô thị…) sẽ tiếp tục dẫn dắt đà hồi phục thị trường BĐS trong tương lai.

Ông Đặng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Totana Capital chia sẻ, không riêng các doanh nghiệp BĐS ở Thừa Thiên Huế mà phần lớn doanh nghiệp trong nước đến thời điểm này đã thua lỗ và phá sản. Nhìn về thị trường BĐS trong thời gian đến, theo ông Tuấn, khả năng phục hồi khi được Chính phủ, các bộ, ngành liên quan có nhiều biện pháp tích cực hỗ trợ về tài chính, như khoanh nợ, giãn nợ, giãn thời hạn nộp thuế, giảm lãi vay ngân hàng... và các giải pháp đó phải đủ “ngấm” vào mỗi địa phương và từng doanh nghiệp BĐS.

Bài, ảnh: MINH VĂN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cát nhân tạo chưa tiếp cận được thị trường

Theo kế hoạch, năm 2026 trên địa bàn tỉnh sẽ đưa vào sử dụng trên 80% cát nghiền (cát nhân tạo) thay thế cát tự nhiên. Dù có nhiều giải pháp được triển khai, nhưng đến nay việc sử dụng cát nhân tạo vẫn chưa đạt kế hoạch.

Cát nhân tạo chưa tiếp cận được thị trường

TIN MỚI

Return to top