Theo ông Nguyễn Minh Châu, thị trường BĐS không còn khu hẹp trong phạm vi nhà, đất ở mà đang được mở rộng nghĩa từ BĐS nghỉ dưỡng, thương mại, BĐS giáo dục, y tế…
Ông Nguyễn Minh Châu, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Ân Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Thừa Thiên Huế
Từ khía cạnh nhà đầu tư, ông nhận định thế nào về thị trường BĐS hiện nay?
Thị trường BĐS tại Thừa Thiên Huế hiện vẫn khá ổn định. Du lịch phát triển, cộng thêm những chính sách cởi mở của tỉnh đã kích thích một làn sóng đầu tư mới vào lĩnh vực BĐS. Bằng chứng là trong năm 2019 và đầu năm 2020, nhiều dự án (DA) lớn được tỉnh chấp nhận chủ trương đầu tư. Một số nhà đầu tư tái khởi động DA như: DA xây dựng công trình dịch vụ du lịch, văn phòng, căn hộ cao cấp của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam tại số 4 Hà Nội (267 tỷ đồng); DA Le Babilone De Hue của Công ty Đầu tư kinh doanh nhà Thành Đạt (Viwaseen cũ) tại đường Nguyễn Tri Phương (160 tỷ đồng); DA xây dựng công trình dịch vụ du lịch, văn phòng của Công ty TCP Đầu tư xây dựng du lịch và Phát triển Đất Vàng tại khu nhà đất số 14, 16, 18 và 20 Lý Thường Kiệt (600 tỷ đồng)… Điều này chứng tỏ, thị trường đang có nhiều tiềm năng, triển vọng để phát triển.
Cuối năm 2019, đầu năm 2020 nhiều DA BĐS khởi công hay hoàn thiện các giai đoạn cuối chuẩn bị đi vào hoạt động trong năm 2020… Phân khúc nhà ở DA bắt đầu định hình và có quy củ hơn nhờ đầu tư hạ tầng đồng bộ. Các DA BĐS nghĩa trang cũng lần đầu xuất hiện và thu hút sự quan tâm của thị trường.
Khu đô thị The Manor Crown Huế
Theo ông, thị trường BĐS đang bình ổn nhưng liệu có tiếp tục xảy ra “sốt”?
Năm 2019, Thừa Thiên Huế lần đầu tiên có hiện tượng “sốt đất” thật sự tại một số vị trí chưa phải là trung tâm. Tình trạng này đã dần ổn định trở lại. Nhìn từ một khía cạnh tích cực, việc sốt đất như thế là kinh nghiệm cho địa phương trong quản lý điều hành và cũng chứng tỏ thị trường đang có những tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, việc sốt đất tại một số thời điểm, vị trí chỉ là sốt ảo.
Theo tôi, thị trường Huế rất khó gây sốt vì tính cách người Huế “không ưa” mạo hiểm, tính thụ động rất cao nên sẽ nhớ rất lâu. Vì thế, nếu ai bắt tay làm “sốt” hay tạo sóng ở Huế sẽ “khó” hơn nhiều so với các địa phương khác và không ai khác người “làm sốt” sẽ chịu kết quả không tốt đầu tiên.
Để tránh sốt ảo hay vướng một số vấn đề pháp lý khi mua bán BĐS, người dân, doanh nghiệp cần làm gì?
Tính minh bạch các DA, khu đất… chính là yếu tố hàng đầu tránh những rủi ro khi mua bán chuyển nhượng. Ngoài lựa chọn những nhà đầu tư uy tín, thì tìm hiểu kỹ quy hoạch đất đai và các văn bản liên quan là giải pháp nhằm hạn chế những rủi ro liên quan đến đất đai. Tuy nhiên thực tế, việc tiếp cận các nguồn thông tin về đất đai đối với người dân rất khó. Ngay cả các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh BĐS cũng “rối” mỗi khi tìm hiểu về các quy hoạch.
Hiện, Hiệp hội BĐS đang hỗ trợ tỉnh trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu BĐS. Theo đó, các thông tin quy hoạch; thông tin thửa đất theo số tờ, số thửa hoặc theo tọa độ; thông tin cao độ nền… sẽ được cập nhật lên app này. Các thông tin quy hoạch, văn bản liên quan sẽ được cập nhật liên tục đồng bộ, vì thế người dân sẽ rất tiện tra cứu giảm thiểu những rủi ro đáng tiếc.
Ngoài ra, các doanh nghiệp BĐS và cả cơ quan Nhà nước cần tăng cường quản lý hoạt động hành nghề và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS; gắn trách nhiệm ba bên và ngay từ đầu đối với đội ngũ môi giới BĐS. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS cần chú tâm xây dựng được đội ngũ môi giới chuyên nghiệp, vì điều này sẽ góp phần minh bạch thị trường.
Những DA nào sẽ tạo được dấu ấn trong năm 2020?
Điều này rất khó nói, vì dấu ấn một DA không chỉ thể hiện ở giá trị căn hộ, khu đất mà nó còn nằm ở những giá trị cảnh quan, không gian, cây xanh, kể cả công tác quản lý vận hành, an ninh trật tự cũng tạo nên được dấu ấn. DA chỉ được xem là hình mẫu khi cả cư dân và chủ đầu tư cùng bắt tay xây dựng dự án văn minh, thân thiện.
Với thị trường nhà ở DA ở Huế, ngoài An Cựu City, các DA khác đều mới nên các yếu tố quản lý vận hành, an ninh trật tự… chưa thể đánh giá. Các chủ đầu tư ngoài tập trung cho công tác xây dựng nên chủ động trong quản lý vận hành, xây dựng cảnh quan hậu bàn giao nhà, đảm bảo an ninh trật tự, thu gom rác… Một việc làm nhỏ của chủ đầu tư lúc này sẽ nâng tầm thương hiệu và giá trị cho DA, doanh nghiệp về sau.
Ông nhận định thế nào về thị trường BĐS trên địa bàn trong năm 2020?
Thị trường BĐS vẫn giữ nhịp như năm 2019 nhưng sẽ có nhiều thách thức hơn khi chính sách phát triển DA, thủ tục vay vốn được siết lại và giá đất bắt đầu tăng. Chính sách này sẽ hạn chế nguồn cung và làm tăng giá BĐS.
Vậy theo ông đâu là hướng đầu tư hiệu quả trong năm 2020?
Thị trường BĐS năm 2020 sẽ chưa "sáng" hơn năm 2019, nhất là về vấn đề pháp lý. Để giảm rủi ro, người mua nên tập trung vào các chủ đầu tư lớn hay khu đô thị lớn vì pháp lý sẽ đảm bảo và mang tính chất an toàn hơn. Giá ở các DA này sẽ khá cao, nhưng với những DA quy mô được đầu tư bởi các chủ đầu tư lớn, uy tín thì dòng tiền của khách hàng sẽ đảm bảo.
Ngoài ra, phân khúc nghỉ dưỡng có khả năng phát triển mạnh trong năm khi du lịch đang có những bước phát triển mới với hình ảnh Huế thân thiện, xanh, sạch, sáng… Riêng phân khúc đất nền vẫn duy trì biên độ phát triển do tâm lý người Huế vẫn rất chuộng đất nền. Nhiều loại hình BĐS mới cũng có nhiều dư địa để phát triển, nhất là BĐS y tế.
BĐS y tế - Loại hình này có vẻ mới ở Huế?
Thừa Thiên Huế là trung tâm y tế lớn của cả nước. Những người có điều kiện sẵn sàng chi tiền để có được cảm giác thoải mái khi nằm viện như dịch vụ khách sạn, nhà ăn (dịch vụ không y tế)… ngay trong bệnh viện. Tuy nhiên, các bệnh viện lớn hiện nay đều nằm ở những khu dân cư đã hình thành từ lâu, quỹ đất khu vực lân cận không còn nhiều để phát triển các DA BĐS y tế. Mà thực tế, BĐS sản y tế đang mang lại lợi nhuận khủng từ cho thuê và khả năng tăng giá vượt trội nhưng ít có cơ hội cho nhà đầu tư vì thiếu quỹ đất. Nếu tỉnh có chính sách khai thác tốt quỹ đất và kêu gọi đầu tư khu vực trong và lân cận bệnh viện sẽ là hướng đầu tư hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Loan (thực hiện)