ClockThứ Bảy, 03/09/2022 07:21

Tiền “chảy” vào ngân hàng

TTH - Lượng tiền gửi vào ngân hàng tăng bởi thị trường chứng khoán ảm đạm; thị trường bất động sản chững lại, thanh khoản kém; thị trường vàng “rung lắc” và đang có xu hướng giảm…

Rút một phần tiền gửi vẫn được hưởng lãi suất cố địnhĐua tăng lãi suất huy động

Giao dịch tại một ngân hàng trên địa bàn TP. Huế

Dòng tiền đảo chiều

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Thừa Thiên Huế, ước đến cuối tháng 8/2022, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh khoảng 59.200 tỷ đồng, tăng gần 6,5% so với đầu năm. Tiền gửi tiết kiệm chiếm tỷ trọng hơn 68% tổng vốn huy động. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tiền gửi vẫn còn thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Ước đến cuối tháng 8/2022, dư nợ tín dụng tại các TCTD trên địa bàn tỉnh khoảng 71.500 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cuối năm 2021.

Giám đốc NHNN Thừa Thiên Huế - Phạm Bá Nam phân tích: Lãi suất tiền gửi tăng liên tục từ đầu năm 2022 là một trong những yếu tố khiến ngân hàng trở thành kênh hút vốn mạnh từ người dân, sau thời gian dài dòng tiền "đổ" vào chứng khoán, bất động sản. Lãi suất huy động đẩy lên để kích thích người gửi tiền, bảo đảm thanh khoản dồi dào. Đặc biệt, lãi suất huy động từ tháng 8 đến nay tiếp tục tăng lên tại nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần như HDbank, VPBank, Techcombank, ACB, SHB... Lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn dài trên 7%/năm xuất hiện tại nhiều NHTM.

Các NHTM cũng đưa ra nhiều sản phẩm tiền gửi để thu hút dòng tiền nhàn rỗi. VIB đang triển khai sản phẩm tiền gửi iDepo với lãi suất cao nhất 6,7%/năm, định kỳ lĩnh lãi 6 tháng/lần với các mệnh giá từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Lợi thế của sản phẩm chứng chỉ tiền gửi này là chuyển nhượng thuận lợi ngay khi cần. Theo đó, khi cần vốn đột xuất cho các nhu cầu khác, khách hàng có thể chuyển nhượng trên thị trường thứ cấp không hạn chế với mức phí chuyển nhượng linh hoạt.

Gửi tiết kiệm online cũng là một kênh được ưa chuộng vì tính tiện lợi và lãi suất cao hơn so với gửi tại quầy. Ngân hàng số Cake by VPBank công bố tăng lãi suất tiết kiệm lên cao nhất 7,7%/năm khi khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 36 tháng; các kỳ hạn khác như 12 tháng lãi suất 7,5%/năm.

Thị trường chứng khoán, bất động sản, tiền số trầm lắng, trong khi lãi suất tiền gửi ngân hàng có xu hướng tăng khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân phân bổ lại danh mục đầu tư của mình. Sau 2 năm, dòng tiền phân tán sang các kênh đầu tư khác, gửi tiền vào ngân hàng nay lại trở thành kênh được ưa chuộng của nhiều người dân.

Xu hướng này trái ngược với hai năm dịch COVID-19. Giai đoạn 2020 - 2021, do lãi suất thấp, tiền gửi ngân hàng kém cạnh tranh hơn các kênh đầu tư khác khiến người dân rút tiền để rót vào chứng khoán, bất động sản. Trong khi đó, tiền gửi của các doanh nghiệp lại tăng mạnh do dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến họ không dám mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD). Sau dịch bệnh, nền kinh tế mở cửa và phục hồi mạnh mẽ đã khiến dòng tiền đảo chiều rõ rệt.

Lãi suất huy động tiếp tục tăng?

Giám đốc ACB Huế - Nguyễn Quốc Toản lý giải: Lãi suất huy động tăng để chuẩn bị nguồn vốn cho vay ngay trong trường hợp NHNN nới room tín dụng (giới hạn cho vay) của các ngân hàng vào những tháng cuối năm.

Theo dõi thị trường tiền tệ có thể thấy, nhiều NHTM đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn và tăng nhanh hơn dự kiến. Từ tháng 7- 8/2022, hơn 10 NHTM trên địa bàn đã đẩy mức lãi suất huy động lên từ 7,0 -7,55%/năm cho các kỳ hạn dài trên 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng.

Một số NHTM cổ phần quy mô nhỏ như BacABank, PvcomBank, SHB… đều niêm yết trên mức 7,0% cho kỳ hạn dài 12 tháng trở lên. Chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng lên tới gần 3% tùy vào từng kỳ hạn gửi tiền.

Giới chuyên môn cho rằng, 8 tháng qua, lãi suất huy động trên thị trường đã tăng tới 0,1%, dự báo lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ tăng khoảng 0,5-1%, trong khi lãi suất cho vay tăng 0,4 - 0,7% từ nay đến cuối năm. Lãi suất huy động tăng cũng giúp hút bớt lượng tiền đang lưu thông trong nền kinh tế để điều hướng nhiều hơn vào SXKD. Hiện, thanh khoản hệ thống ngân hàng tương đối ổn định.

Công ty CP Chứng khoán SSI - định chế tài chính hàng đầu Việt Nam dự báo, áp lực tăng lãi suất huy động trong những tháng cuối năm 2022 là hiện hữu, nếu hạn mức tín dụng được nới. Đồng thời, một số NHTM cũng sẽ có nhu cầu tăng vốn dài hạn, do mức trần tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn sẽ được điều chỉnh từ 37% xuống 34% và cho vay dài hạn có thể là động lực tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm 2022.

Lãi suất huy động có thể tăng thêm 50-70 điểm cơ bản sau khi nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Cả năm 2022, lãi suất huy động có thể tăng 1-1,5%. Lãi suất cho vay đối với các khoản giải ngân mới sẽ cao hơn 1%-2% so với năm 2021. Trong khi đó, thông thường phải mất từ 1-2 quý để lãi suất cho vay đối với các khoản vay dài hạn cũ điều chỉnh lại hoàn toàn theo lãi suất huy động…

Bài, ảnh: Quang Tâm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ổn định lãi suất, tạo đà tăng trưởng

Trong bối cảnh nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp tăng cao dịp cuối năm, nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Song cùng với đó, để thúc đẩy tín dụng, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế, các ngân hàng phải tìm cách tiết giảm chi phí, nỗ lực giữ ổn định lãi suất cho vay.

Ổn định lãi suất, tạo đà tăng trưởng
Vốn vay cho lao động đi làm việc ở nước ngoài: Cung chưa đến cầu

Với tổng kinh phí 23,5 tỷ đồng được tỉnh phân bổ cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2024, đến nay, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này trên địa bàn chưa tới 40%. Trong khi thực tế, rất nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài đang rất cần và mong muốn được tiếp cận nguồn vốn này.

Vốn vay cho lao động đi làm việc ở nước ngoài Cung chưa đến cầu
“Điểm tựa” vốn vay chính sách

“Biết ơn sự quan tâm của chính quyền địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Vang, gia đình tôi đã sử dụng vốn vay thật hiệu quả để phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống” - chị Nguyễn Thị Thảo (thôn Xuân Ổ, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang) chia sẻ.

“Điểm tựa” vốn vay chính sách
Hiệu quả từ vốn vay cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Thông qua nguồn vốn vay từ chương trình tín dụng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) TP. Huế, nhiều gia đình đã có điều kiện đầu tư cho con em tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (NNTHĐ) tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…

Hiệu quả từ vốn vay cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top