Khách hàng gửi tiền có thể rút một phần tiền gửi
Theo quy định hiện nay, có 4 hình thức tiền gửi rút trước hạn gồm: tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn; tiền gửi có kỳ hạn; chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và trái phiếu do TCTD phát hành; các hình thức nhận tiền gửi có kỳ hạn khác theo quy định tại Luật các TCTD.
Trước đây, khi gửi tiền tại các TCTD, khách hàng sẽ không được rút một phần tiền gửi mà phải rút toàn bộ sổ tiết kiệm và chịu lãi suất tối đa bằng lãi suất không kỳ hạn. Điều này khiến nhiều khách hàng tỏ ra lo ngại khi quyết định gửi tiền theo kỳ hạn dài kỳ. Vì vậy, một số khách hàng gửi tiền sẽ chia tiền thành nhiều khoản tiền gửi hoặc mở nhiều sổ với nhiều kỳ hạn khác nhau và thường chọn kỳ hạn ngắn để hạn chế rủi ro.
Chị Diễm Quỳnh (TP. Huế) tâm sự: Trước đây, mình gửi tiết kiệm 800 triệu đồng tại ngân hàng theo kỳ hạn 12 tháng với lãi suất 6,8%. Tuy nhiên, do có nhu cầu sửa chữa nhà ngoài kế hoạch nên mình đã liên hệ ngân hàng yêu cầu rút 150 triệu đồng, nhưng phía ngân hàng không đồng ý. Giao dịch viên cho biết, nếu rút trước hạn 150 triệu đồng thì tổng số tiền tiết kiệm đã gửi hơn 9 tháng qua sẽ chỉ nhận được lãi suất không kỳ hạn và tư vấn nên cầm cố sổ tiết kiệm đó để vay tạm số tiền 150 triệu đồng, sau tất toán sổ sẽ trả lại số tiền vay và bảo toàn được toàn bộ số lãi suất của 800 triệu đồng trong thời hạn 12 tháng đã gửi. Sau khi cân nhắc các phương án thì vợ chồng tôi lựa chọn cầm cố sổ tiết kiệm đó để vay tạm số tiền 150 triệu đồng, thay vì rút toàn bộ số tiền tiết kiệm sẽ bị mất lãi.
Cầm cố sổ tiết kiệm được xem là phương án khá hiệu quả với các khoản tiết kiệm lớn đã có thời hạn gửi khá dài. Lúc này khách hàng vẫn bảo toàn được lãi suất ưu đãi sổ tiết kiệm, đồng thời số tiền cần vay cũng được giải ngân nhanh chóng và linh hoạt hình thức rút tiền. Lãi suất vay có thể cao hơn lãi suất tiết kiệm, nhưng bù trừ với phần lãi của sổ tiết kiệm cuối kỳ thì vẫn lợi hơn, nhất là với những khoản đã gửi có thời gian tương đối dài.
Tuy nhiên mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư số 04/2022/TT-NHNN quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và có hiệu lực từ 1/8/2022, những quy định tại thông tư này đã mở ra cho khách hàng thêm 1 sự lựa chọn khác có lợi không kém việc thế chấp sổ tiết kiệm.
Theo thông tư này, TCTD và khách hàng thỏa thuận từng hình thức tiền gửi cụ thể phù hợp với các quy định của NHNN. Theo đó, lãi suất rút trước hạn tiền gửi cũng được thỏa thuận phù hợp với quy định. Nếu không có thỏa thuận rút trước hạn tiền gửi, TCTD sẽ áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi phù hợp với quy định tại thông tư này.
Cụ thể, trường hợp rút trước hạn toàn bộ tiền gửi sẽ áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của TCTD đó theo đối tượng khách hàng hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm rút trước hạn. Với trường hợp rút trước hạn một phần tiền gửi thì đối với phần tiền gửi rút trước hạn, áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của TCTD đó theo đối tượng khách hàng hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm rút trước hạn. Riêng với phần tiền gửi còn lại được ngân hàng giữ nguyên mức lãi suất đang áp dụng.
Nhận định của nhiều khách hàng, quy định này khá thoáng và bởi ngân hàng đồng ý cho rút một phần vốn trên sổ mà lãi suất tiền gửi không thay đổi. Nhờ đó, khách hàng có thêm phương án lựa chọn khi gặp trường hợp muốn rút một phần tiền gửi. Và với chính sách mới này, khách hàng có thể linh hoạt rút tiền trước hạn khi có nhu cầu mà không lo mất lãi.
Theo khảo sát, hiện các TCTD trên địa bàn đều đã triển khai tính năng rút một phần tiền gửi trước hạn theo Thông tư 04. Điều này cũng đặt ra kỳ vọng, chính sách mới sẽ giúp các ngân hàng đa dạng hóa sản phẩm tiền gửi, thu hút được nguồn tiền gửi trung và dài hạn; khách hàng yên tâm gửi tiết kiệm kỳ hạn dài, hưởng lợi tối đa từ nguồn vốn nhàn rỗi.
Bài, ảnh: Hoàng Loan