Ảnh minh họa
Lo ngại giá xuống
Sau 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu ngành Dệt May Việt Nam đạt gần 23 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành trên 75% kế hoạch xuất khẩu cả năm và Hiệp hội Dệt may Việt Namg dự báo, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong năm 2017 có thể đạt 31 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2016.
Tuy nhiên, các chuyên gia và doanh nghiệp cũng dự báo thị trường xuất khẩu dệt may của Việt Nam, nhất là tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt.
Là doanh nghiệp có tên tuổi của ngành dệt may Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên cho rằng, với các doanh nghiệp lớn, đơn hàng trong năm 2018 không là vấn đề lớn nhưng một điều đáng lưu ý là về đơn giá các mặt hàng dệt may lại đang có xu hướng giảm.
Theo đại diện doanh nghiệp này, việc giảm giá ở nhiều khu vực thị trường sẽ tác động đến xuất khẩu của dệt may Việt Nam trong thời gian tới.
Trong khi đó, với số lượng lao động rất lớn, ngành dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như chi phí sản xuất tăng cao, giá trị gia tăng thấp và năng lực cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp còn chưa theo kịp với xu hướng hiện nay.
Ông Dương cho biết, giá đơn hàng xuất khẩu có thể giảm nhưng các khoản chi phí đầu vào ở Việt Nam như tiền lương, chi phí khác... đều tăng.
"Nếu doanh nghiệp muốn tồn tại được thì con đường duy nhất là phải tăng năng suất lao động, đổi mới phương pháp quản trị...," ông Dương nói.
Cùng quan điểm này, Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội May thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ ra những thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam trong thời gian tới, nhất là áp lực cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ từ các nước trong khu vực như Trung Quốc, Myanmar, Campuchia...
Trên thực tế, các nước này không chỉ đột phá về thị phần xuất khẩu mà ngay tại thị trường trong nước, các chính sách về bảo hiểm, đất đai, thuế... đều thấp hơn so với Việt Nam.
Do vậy, để vượt qua được những rào cản trên và cạnh tranh tốt hơn, đại diện Hiệp hội này đề nghị các doanh nghiệp cần khai thác đầy đủ và phát huy tay nghề điêu luyện của công nhân cũng như đổi mới phương thức quản lý qua đó có thể tối ưu hóa sản xuất và nâng cao năng suất lao động.
Cạnh tranh bằng tăng năng suất lao động
Cũng chỉ ra những hạn chế của ngành dệt may Việt Nam, nhưng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, do phương thức sản xuất chủ yếu là gia công cho các đơn hàng nước ngoài nên tỷ lệ giá trị gia tăng không cao.
Hơn nữa, việc chưa phát triển được chuỗi cung ứng dệt may đã dẫn đến hệ quả là ngành dệt may Việt Nam có giá trị gia tăng thập so với nhiều nước trên thế giới,
Chính vì vậy, để khắc phục những tồn tại trên, ông Hưng cho biết, Chính phủ và các Bộ, ngành đang từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Theo đó, Chính phủ đã ban hành các cơ chế chính sách nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong đó có sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của ngành dệt may, từ đó góp phần phát triển chuỗi cung ứng trong ngành dệt may Việt Nam.
Về phía doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Xuân Dương, doanh nghiệp muốn tồn tại được thì con đường duy nhất chính là tăng năng suất lao động.
"Giải pháp được đưa ra để thực hiện mục tiêu trên chính là thông qua cải tiến công nghệ, máy móc, thiết bị và quản trị doanh nghiệp...," ông Dương nói.
Đánh giá về năm 2017, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, đây là năm đầy thách thức, khó khăn cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam,
Tuy vậy, trong thách thức cũng mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp tự nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư chiều sâu vào kỹ thuật, công nghệ mới với năng suất cao hơn.
Ông Trường khẳng định, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra những cơ hội mới cho ngành dệt may Việt Nam, song để tạo ra ưu thế lớn hơn, bản thân doanh nghiệp cần chuẩn bị cả nguồn lực về vốn, thị trường để ứng dụng từng phần cách mạng công nghiệp 4.0 trong quá trình đầu tư, sản xuất mới.
Theo Vietnam+