ClockThứ Tư, 22/12/2021 13:12

Thu hút tàu về bến

TTH - Chất lượng hải sản chính là thước đo của giá trị, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của các tàu cá đánh bắt xa bờ. Song, các loại hải sản giá trị cao được ngư dân Thừa Thiên Huế đánh bắt được tiêu thụ ngay nơi đất khách là điều phải suy ngẫm.

Giống thủy sản: Cung chưa đáp ứng nổi cầu240/241 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đạt yêu cầu

Hải sản cập bờ tại Cảng cá Thuận An có giá trị không cao

Người ta nhìn nhận rằng, tàu cá tại Thừa Thiên Huế chỉ đánh bắt các loại cá “vặt”, chưa “chạm” được cá lớn. Thực tế có như vậy hay không?

Khoảng hai thập kỷ trước, ngư dân Phú Vang, Phú Lộc từng dong buồm, vượt sóng đến ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa để câu cá ngừ đại dương với trọng lượng cả tạ/con. Từ một dự án hỗ trợ người dân bao tiêu sản phẩm cá ngừ đại dương của chính quyền giúp ngư dân “chạm” đến loại hải sản có giá trị cao này. Một số ngư dân đã làm giàu bằng việc hoàn thiện các kỹ năng đánh bắt. Thậm chí, ngư dân Thừa Thiên Huế đóng luôn loại tàu chuyên câu cá ngừ đại dương, mạnh dạn thuê nhân công là những ngư phủ có kinh nghiệm từ Bình Định, Khánh Hòa để vừa làm, vừa học.

Tuy nhiên, đến nay dự án “mất tích”, nghề câu cá ngừ đại dương thuở ấy cũng mai một, "trôi" theo dòng nước. Ngoài những lý do chủ quan đến từ năng lực đánh bắt thì việc hạ tầng nghề cá chưa hoàn thiện gây ra trở lực lớn. Ngư dân không thể sau khi đánh bắt cứ mãi cập cảng tỉnh bạn để tiêu thụ sản phẩm rồi đánh tàu về lại địa phương trú ngụ, việc này khiến chi phí mỗi chuyến biển đội lên nhiều lần. Và thế là nghề câu cá ngừ đại dương từ đó thành ký ức.

Hiện nay, không phủ nhận năng lực đánh bắt của ngư dân Thừa Thiên Huế đang ở “chiếu dưới” so với các tỉnh, thành duyên hải miền Trung. Song, sự phát triển của nghề cá ở các địa phương cũng rất đáng ghi nhận. Sự hỗ trợ từ Nghị định 67 giúp hệ thống tàu cá công suất lớn phát triển, chưa kể một số tàu sắt được đóng mới. Dù vậy, hạ tầng nghề cá vẫn chưa tạo ra cú hích để hướng đến sự bền vững, hải sản giá trị cao, lạ phải tiêu thụ nơi đất khách.

Câu chuyện đội tàu công suất lớn ở Lộc Trì (Phú Lộc) nhiều năm nay phải cập cảng Thọ Quang (Đà Nẵng) để tiêu thụ sau chuyến biển chứng tỏ họ “ly hương”, bởi các cảng cá tại địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Chuỗi cung ứng từ giá trị đầu vào đến đầu ra được thực hiện trên đất bạn, dù số hiệu tàu cá là của Thừa Thiên Huế. Điều đáng nói, hải sản được tiêu thụ tại đây đều là những sản phẩm có giá trị cao.

Với các ngành nghề kinh doanh nói chung và ngư dân nói riêng thì giá trị cuối cùng họ hướng đến là lợi nhuận. Hiệu quả khai thác phải phản ánh đúng với bản chất, công sức bỏ ra. Thành phố Đà Nẵng đang có hàng chục doanh nghiệp chế biến hải sản, xuất khẩu, đa số đều tập trung tại Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang. Những doanh nghiệp liên tục mở rộng thị trường xuất khẩu, kể cả những thị trường khó tính nhất trên thế giới như, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản... từ đó thu hút các sản phẩm hải sản giá trị cao. Ngoài ra, tổ hợp dịch vụ hậu cần nghề cá của Đà Nẵng cũng đáp ứng nhu cầu neo đậu, cung cấp lương thực, nước ngọt, đá cây, xăng dầu cho hàng trăm lượt tàu, thuyền mỗi năm. Ðội tàu dịch vụ hậu cần trên biển thường xuyên ra khơi thu mua hải sản ngay trên biển, cung cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm; hỗ trợ sửa chữa hư hỏng nhỏ, chở ngư dân đau ốm hoặc lai dắt tàu bị nạn vào bờ. Nhờ đó, ngư dân có thể bám ngư trường dài ngày hơn, chi phí sản xuất thấp hơn, thu nhập cũng cao hơn. Những lý do trên khiến ngư dân thường xuyên lựa chọn âu thuyền Thọ Quang cũng là điều dễ hiểu vì ở đây thuận lợi mọi mặt, giá hải sản thu mua cao hơn nơi khác. Thậm chí, các doanh nghiệp chế biến hải sản sẵn sàng đứng ra hỗ trợ về giá cho ngư dân để họ không chịu sự chi phối bởi thương lái.

Thương lái thu mua hải sản

Tại Thừa Thiên Huế, chưa bàn đến các loại hải sản giá trị, chỉ riêng con cá nục thôi cũng khiến ngư dân trăn trở. Các cơ sở cấp đông tự điều chỉnh giá để thu mua. Và con đường để cá nục đến tay người tiêu dùng cũng lắm gập ghềnh. Cơ sở cấp đông phụ thuộc vào các doanh nghiệp chế biến tại Quảng Trị để đưa sản phẩm ra thị trường, khi có biến động, điển hình như tác động của COVID-19, người thiệt thòi lớn nhất là ngư dân. Riêng việc chế biến xuất khẩu, số lượng doanh nghiệp đếm trên đầu ngón tay, nhưng chưa mặn mà với sản phẩm bản địa. Các loại hải sản có giá trị không xuất hiện tại các cảng cá ở địa phương khiến vùng nguyên liệu thu hẹp đáng kể.

Chúng ta đang nói nhiều đến việc nâng cao năng lực đánh bắt, công suất tàu cá mà quên rằng việc thu hút tàu cá cập bến trên mặt nước tỉnh nhà là điều quan trọng. Nó sẽ góp phần tạo ra một chuỗi giá trị hải sản với những sản phẩm chất lượng.

Để thu hút, trước mắt phải rà soát, đẩy nhanh các dự án xây dựng cảng cá đang chậm tiến độ ở Thuận An. Việc khơi thông luồng lạch ở cửa Tư Hiền dù bàn lui bàn tới nhưng đến nay vẫn chưa có hiệu quả, dứt điểm được “đường đi” này sẽ mở ra cơ hội để tàu cá cập bến. Khi đó, quá trình tiêu thụ sau khai thác sẽ được thúc đẩy, và mở ra một vùng nguyên liệu đủ lớn để các doanh nghiệp chế biến hải sản mạnh dạn đầu tư.

Bài, ảnh: Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cổ tích tàu không số

Xác định nhiệm vụ vận tải chi viện cách mạng miền Nam mang tính chiến lược và lâu dài, ngày 23/10/1961, Đảng ta chỉ đạo thành lập Đoàn Vận tải quân sự 759 và qua đó, mở Đường Hồ Chí Minh trên biển. Tôi đặc biệt ấn tượng khi cố nhà văn Ngô Minh gọi đó là “Cổ tích tàu không số”.

Cổ tích tàu không số
Thu hút FDI: Lợi ích kép

Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) là động lực tạo chuyển biến trong tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết việc làm cũng như thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu, ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động của doanh nghiệp (DN).

Thu hút FDI Lợi ích kép
Nâng cấp dịch vụ để thu hút “khách nhà giàu”

Khách hạng sang, giới siêu giàu gần đây khá quan tâm du lịch Việt Nam và Thừa Thiên Huế là một trong những điểm đến được họ quan tâm tới. Ngoài cảnh đẹp, muốn thu hút dòng khách này, chất lượng dịch vụ là yêu cầu hàng đầu.

Nâng cấp dịch vụ để thu hút “khách nhà giàu”
Return to top