|
Đài tưởng niệm tàu không số Vũng Rô tại Khu Di tích lịch sử Vũng Rô. Ảnh: Tienphong.vn |
Tàu không số và sự kiện Vũng Rô
Vượt qua bao khó khăn, những chiếc tàu vỏ gỗ nhỏ bé đầu tiên của Đoàn 759 thuộc Bộ Tổng Tham mưu (từ năm 1964 đổi phiên hiệu thành Đoàn 125 thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân) được hoán cải thành tàu đánh cá, không có số hiệu cố định, trà trộn vào những tàu đánh cá của ngư dân để thực hiện nhiệm vụ cách mạng giao phó. Tính chung từ năm 1961 đến năm 1975, những chuyến tàu không số này đã thực hiện được 1.879 lượt tàu thuyền, vận chuyển trên 152.876 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và trên 80.026 lượt cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào miền Nam, chiến đấu hàng trăm trận với máy bay và tàu chiến địch.
Hơn 20 năm trước, tôi có dịp ghé thăm vịnh Vũng Rô. Đây là vịnh biển trải dài trong diện tích khoảng 16,4km2 và được bao bọc bởi 3 dãy núi cao hùng vĩ giữa biển trời gồm Đèo Cả (ở hướng Bắc), Đá Bia (ở hướng Đông), Hòn Bà (ở hướng Tây) và được đảo Hòn Nưa ở hướng Nam che chắn. Do có vị trí địa lý đặc biệt ẩn khuất dưới chân đèo Cả của biển Phú Yên, vịnh Vũng Rô từng được chọn là điểm cập bến cho nhiều chuyến liên tiếp của những đoàn tàu không số chi viện cho chiến trường miền Nam chống Mỹ, để rồi làm nên “sự kiện Vũng Rô” lịch sử .
Tháng 2/1965, tàu C143 được giao vận chuyển vũ khí vào Lộ Diêu (Bình Định) sau nhiều ngày vẫn không thể vào được bến. Được lệnh của Bộ Tư lệnh Hải quân, ngày 15/2/1965, tàu C143 vào bến Vũng Rô; đến gần 4 giờ, hàng mới bốc hết, tàu quay ra thì bị hỏng và bị địch phát hiện. Một cuộc chiến không cân sức diễn ra. Con đường vận chuyển trên biển được xây dựng kỳ công bị lộ, nhưng sự kiện Vũng Rô đã gây cho kẻ địch một phen kinh hoàng, khiếp vía. Còn tính ra, từ năm 1964 đến năm 1965, Vũng Rô đã tiếp nhận 4 chuyến tàu cập bến an toàn, đưa được hàng ngàn tấn vũ khí đạn dược chi viện cho chiến trường Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Chuyện về một Hoàng thân xứ Huế
Kỳ tích Đường Hồ Chí Minh trên biển gợi nhớ về ông Nguyễn Phước Vĩnh Mẫn là chắt nội của vua Hiệp Hòa mà tôi có dịp gặp tại Huế. Ông Vĩnh Mẫn sinh năm 1931, theo Việt Minh rất sớm; năm 1948, đổi tên thành Phan Thắng và được kết nạp vào Đảng. Năm 1951, Phan Thắng được phân công Nam tiến cùng với 139 cán bộ Liên khu 4. Đến năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Năm 1960, là trợ lý giáo dục của Sư đoàn 338 Nam Bộ. Ông từng giảng dạy ở Trường Lục quân và Trường Sĩ quan Hải quân.
Ngày 29/1/1964, Bộ Quốc phòng quyết định đổi phiên hiệu Đoàn 759 thành Lữ đoàn 125 trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân. Ông Thắng được bổ nhiệm làm Trưởng ban Tuyên huấn Đoàn 125 - tức Đoàn tàu không số, một đơn vị tối mật và tối quan trọng. Tháng 2/1965, ông Thắng trực tiếp cùng đi trên chiếc tàu không số (mang mật danh 176) trong chuyến bí mật chở vũ khí vào Nam. Cùng trong chuyến hành trình trên Biển Đông này còn có 4 tàu không số khác. Chỉ có 3 tàu đưa hàng vào Bạc Liêu an toàn. Riêng tàu sắt 176 và tàu gỗ 401 khi đi đến ngoài khơi Trà Vinh và Bạc Liêu thì bị địch phát hiện, cho tàu chiến và máy bay bám rất sát, buộc phải quay trở lại miền Bắc. Hai tháng lênh đênh trên biển, ông say sóng nôn ra mật xanh mật vàng, nhưng vẫn luôn nói cười với anh em thủy thủ. Khoảng năm 1973, ông Phan Thắng là Chính ủy Trung đoàn Cửa Việt - tên một đơn vị trong lực lượng Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Năm 2008, Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển được thành lập và ngày 23/10/2011, lần đầu tiên, lễ kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển được tổ chức. Cũng trong năm 2011, cố nhà văn Ngô Minh cho ra mắt cuốn sách “Cổ tích tàu không số” tái hiện lên những hình ảnh con người quả cảm, giàu lòng yêu nước từ Hoàng thân triều Nguyễn là Vĩnh Mẫn - thuộc đoàn tàu 125 - đoàn tàu không số, đến người anh hùng thầm lặng là đồng đội của ông và nhiều sự kiện, vấn đề có giá trị sử học cao.
63 năm đã đi qua, như cách dùng từ của cố nhà văn Ngô Minh, Đường Hồ Chí Minh trên biển trong tôi là một câu chuyện cổ tích thời hiện đại; là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược, tài thao lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chỉ đạo chiến tranh cách mạng.