ClockThứ Năm, 21/09/2023 06:43

Thúc đẩy giải phóng mặt bằng, tạo động lực giải ngân vốn đầu tư nước ngoài

TTH - Các dự án ODA có vai trò ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, chính trị. Tuy nhiên, hầu hết các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (ODA) đang triển khai đều có những vướng mắc nhất định trong thi công và giải ngân vốn.

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay nước ngoàiPhải có chế tài mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư từ nguồn vốn ODA

Các hạng mục thuộc dự án các đô thị xanh đang được đẩy nhanh tiến độ 

Quy mô dự án lớn

Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023, Thừa Thiên Huế triển khai 7 dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA, tập trung trong các lĩnh vực như: Thoát nước, phát triển đô thị, nông - lâm nghiệp, du lịch, y tế. Những dự án này có sức ảnh hưởng rất lớn góp phần đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật thích ứng biến đổi khí hậu cho tỉnh, đặc biệt trong bối cảnh tỉnh đang phấn đấu phát triển trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong đó, dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế có tổng vốn đầu tư 5.052 tỷ đồng vay vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản, do UBND TP. Huế làm chủ đầu tư, khởi công từ tháng 8/2015. DA triển khai trên địa bàn 11 phường phía nam TP. Huế với mục tiêu xử lý khoảng 70% lượng nước thải sinh hoạt khu vực nội thị phía nam, TP. Huế; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải không được kiểm soát, không được xử lý và chống ngập úng cho thành phố… Hiện, dự án đang sử dụng phần vốn kết dư 1.400 tỷ đồng để mở rộng quy mô đầu tư nhằm hoàn chỉnh và đồng bộ cơ sở hạ tầng thoát nước, đồng loạt triển khai thi công trong năm 2023 6 gói thầu và dự kiến sẽ hoàn thành các gói thầu này trong quý II năm 2024 theo cam kết với nhà tài trợ.

 Một dự án khác có quy mô lớn không kém phải kể đến dự án “Chương trình phát triển các đô thị loại II” (các đô thị xanh) - Tiểu dự án Thừa Thiên Huế do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư có tổng vốn đầu tư 1.617 tỷ đồng vay vốn ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Dự án gồm có 10 gói thầu xây lắp. Đến nay, đã hoàn thành 2 gói thầu; 8 gói thầu còn lại đang được triển khai thi công. Hiện các nhà thầu đang triển khai thi công 16/16 tuyến nội thành, 5/6 hồ với tổng chiều dài 13,67km/15,77km; nạo vét và kè sông Kẻ Vạn; nạo vét và kè sông An Hòa; cải tạo, nâng cấp sông Lấp; kè sông Như Ý; kè sông An Cựu…

Theo kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài năm 2023, Thừa Thiên Huế được giao 1.152,55 tỷ đồng trong đó, vốn cấp phát từ ngân sách Trung ương là 683,950 tỷ đồng; vốn vay lại 468,600 tỷ đồng.

Tháo gỡ các nút thắt

Nguồn vốn lớn, các dự án có ý nghĩa quan trọng song tiến độ thi công các dự án này vẫn chưa đảm bảo. Ví như, việc đầu tư nguồn vốn kết dư dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế chậm trễ gần 2 năm do nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do ảnh hưởng dịch COVID-19 kéo dài, các chuyên gia nước ngoài không về được Huế tiếp cận việc thực hiện dự án. Với dự án các đô thị xanh, giải phóng mặt bằng được xem là nút thắt lớn nhất.

Ông Võ Văn Việt, Giám đốc Ban Quản lý dự án các đô thị xanh - Tiểu dự án Thừa Thiên Huế lý giải có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác xây dựng và hoàn thành dự án. Trong đó, địa bàn triển khai thi công rải dài trên 19/36 phường thuộc TP. Huế là một trong những khó khăn. Tiến độ giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng kịp tiến độ thi công công trình, làm ảnh hưởng trực tiếp việc thi công và ảnh hưởng đến kế hoạch giải ngân vốn được giao trong năm 2023. Giá nhiên liệu, vật liệu tăng đột biến, việc khan hiếm nguồn vật liệu tài nguyên, năng lực thi công của nhà thầu hạn chế cũng gây khó khăn không nhỏ…

Để giải quyết một phần khó khăn nhất là trong giải phóng mặt bằng, Ban quản lý dự án đang phối hợp với các đơn vị liên quan sớm đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các công trình: hệ thống thoát nước và vỉa hè 4 phường nội thành, nâng cấp, mở rộng cầu Vỹ Dạ, đường 100m nối 2 khu A và B Khu đô thị mới An Vân Dương - cầu qua sông Như Ý, đường Bùi Thị Xuân, đường Huyền Trân Công Chúa, … Di dời các hạ tầng kỹ thuật để có mặt bằng thi công xây dựng công trình; yêu cầu nhà thầu tập trung máy móc, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói thầu. Dự kiến hoàn thành các công trình trước ngày 30/6/2024.

Ban quản lý dự án cũng đề xuất, với các dự án quy mô lớn nên tách phần hỗ trợ bồi thường, tái định cư và giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư thành 1 dự án độc lập. Việc tách riêng giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập sẽ đảm bảo tiến độ dự án; giúp phân định, làm rõ trách nhiệm của từng cấp liên quan trong giải phóng mặt bằng, xác định đúng chủ thể liên quan trong việc áp dụng các chế tài xử lý; nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, linh hoạt của các ngành, các cấp. Đồng thời, bổ sung đối tượng đầu tư công là các chương trình, dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để đầu tư các dự án cần thiết.

Ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, chủ đầu tư giải quyết vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo bàn giao mặt bằng để thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án có vướng mắc giải phóng mặt bằng kéo dài. Các chủ đầu tư và chính quyền địa phương theo thẩm quyền tổ chức lập và phê duyệt phương án, kế hoạch, tiến hành giải phóng mặt bằng và tái định cư; tăng cường công tác phối hợp, có giải pháp tháo gỡ khó khăn. Củng cố bộ máy, nâng cao năng lực các đơn vị chức năng để đẩy nhanh, rút ngắn tiến độ giải phóng mặt bằng và tái định cư. Các sở, ngành chuyên môn rút ngắn ít nhất 30% thời gian thực hiện các thủ tục thẩm định, phê duyệt liên quan dự án đầu tư công so với hiện nay.

Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về tiến độ thi công, giải ngân, thanh toán khối lượng hoàn thành, chất lượng công trình, lựa chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công đảm bảo năng lực; tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý thi công, làm tốt công tác vệ sinh môi trường.

Bài, ảnh: Hoàng Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dịch vụ tốt sẽ thúc đẩy chuyển đổi giao thông xanh

Dù là xu hướng của tương lai, song để chuyển đổi giao thông xanh không phải là điều đơn giản. Ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Thừa Thiên Huế đã có những trao đổi về chiến lược của tỉnh trong lĩnh vực này.

Dịch vụ tốt sẽ thúc đẩy chuyển đổi giao thông xanh
Phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đầu tư xanh

Chiều 10/4, tại Nghệ An, Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng và Trường đại học Kinh tế Nghệ An tổ chức hội thảo khoa học Quốc gia “Phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đầu tư xanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”.

Phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đầu tư xanh

TIN MỚI

Return to top