Lợi ích và nguy cơ khi triển khai, vận hành các dự án thủy điện đang song hành với nhau. Giải quyết bài toán thiếu hụt năng lượng và cân bằng môi trường sống của con người phải đặt trong mối tương quan, không đánh đổi môi trường sống bằng mọi giá để xây dựng các dự án thủy điện.
Các thiết bị hiện đại được đầu tư tại Thủy điện Hương Điền
Các công trình thủy điện nói chung thường xây dựng tại các khu vực miền núi, địa hình hiểm trở. Do vậy, việc giám sát của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các dự án thủy điện đang trong quá trình thi công. Những tai biến liên tiếp khổng thể đổ lỗi hoàn toàn cho thiên tai mà quá trình giám sát đang tồn tại ít nhiều những bất cập. Huyện Nam Đông đã rất vất vả để giám sát, phát hiện sai phạm của dự án Thủy điện Thượng Nhật.
Trên địa bàn Thừa Thiên Huế có 9 nhà máy thủy điện đã đưa vào vận hành với tổng công suất 365,7MW. Ngoài Thượng Nhật, còn có 3 dự án thủy điện đang thi công gồm sông Bồ, A Lin B1, Rào Trăng 3.
Cơ quan chức năng kiểm tra, làm việc với chủ đầu tư dư án Thủy điện Thượng Nhật vào cuối năm 2020
Để thực hiện các dự án thủy điện, hàng trăm ha rừng phải chuyển mục đích sử dụng, song, đến nay, một số thủy điện điện vẫn chậm nộp tiền thay thế hoặc không có hồ sơ nộp tiền trồng rừng như, Thủy điện Bình Điền, Thủy điện Tả Trạch, Thủy điện A Roàng. “Tái tạo rừng là việc cần giám sát chặt chẽ hơn nữa đối với các dự án thủy điện. Việc phục hồi diện tích đã mất không chỉ mang đến lợi ích ngay bây giờ mà còn trong tương lai”, một lãnh đạo ngành kiểm lâm nêu quan điểm.
Đối với thủy điện nhỏ, việc chưa có bản đồ cảnh báo các vùng ngập lụt hạ du mùa mưa lũ; chưa có các thiết bị giám sát, cảnh báo mức nước trong hồ thủy điện nhỏ, giám sát chặt chẽ quy trình xả lũ của thủy điện nhỏ gây ra trở ngại rất lớn. Ngoài ra, việc quy hoạch thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh không thuộc đối tượng phải đánh giá môi trường chiến lược dường cũng là trở lực.
“Khi thực hiện triển khai một dự án thủy điện bất kỳ sẽ trải qua rất nhiều khâu, liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau. Do vậy, câu chuyện quản lý, giám sát thủy điện là không của riêng ai, “quả bóng” này không thể đá cho một đơn vị cụ thể mà cần có sự phối hợp chặt chẽ. Đó là một trong những giải pháp hạn chế rủi ro khi vận hành thủy điện”, Chánh Văn phòng BCH PCTT&TKCN tỉnh Phan Thanh Hùng nêu quan điểm.
Việc vận hành hệ thống thủy điện làm thế nào ưu việt nhất trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay là bài toán khó và liên quan mật thiết đến hệ thống dự báo, quan trắc khí tượng thủy văn. Đối với các thủy điện nhỏ, dù đang xây dựng hay đã đưa vào vận hành thì việc đầu tư hệ thống dự báo còn rất hạn chế.
Hệ thống cảnh báo sạt trượt hiện tại các khu vực thủy điện vẫn chưa hoàn thiện
“Tại khu vực thi công xây dựng đập Thủy điện Rào Trăng 3, chúng tôi đã khảo sát địa chất công trình để có những cảnh báo, dự báo hợp lý, song khu vực lán trại cho công nhân ở lại bỏ qua khâu này. Hầu như khi xây dựng thủy điện, chủ đầu tư đều bỏ qua việc này. Xảy ra sự cố là một bài học xương máu. Sắp tới, ngoài khu vực thi công, vị trí công nhân ở chúng tôi cũng phải khảo sát kỹ lưỡng”, ông Lê Văn Hoa - cổ đông sáng lập Công ty cổ phần Thủy điện Rào Trăng 3, chủ đầu tư thủy điện Rào Trăng 3 nói.
Quy trình vận hành của thủy điện phụ thuộc vào yếu tố đầu vào, tức là dự báo mưa. Song, các dự báo hiện chỉ nói được hình thế, không định lượng được lượng mưa bởi liên quan nhiều yếu tố như, địa hình, đới gió…
Tại các thủy điện nhỏ, các thiết bị cảnh báo, giám sát vẫn còn hạn chế
“Lưới trạm đo mưa đầu nguồn với khoảng 19 trạm thì chưa đáp ứng được yêu cầu, do vậy việc vận hành sẽ không hiệu quả nếu thời tiết diễn ra bất thường. Ví dụ như khi đã qua thời điểm lũ lớn thì sẽ tích nước về theo quy định cho phép, song, nếu tiếp tục mưa lớn bất ngờ không dự báo được thì về nguyên tắc phải mở tràn dẫn đến vùng hạ lưu đang vào vụ đông xuân bị ngập. Nông dân đang tiêu nước sẽ bị ảnh hưởng, chi phí tiêu úng tăng lên. Ngoài ra xuất hiện hiện tượng ngọt hóa đầm phá, ảnh hưởng nuôi trồng thủy sản. Thực trạng này đã diễn ra tại Thừa Thiên Huế năm 2007 do mưa bất thường, xả lũ không lớn nhưng hạ du ngập. Theo thời gian việc dự báo được sẽ cải thiện nhưng phải nâng cao hệ thống đầu tư, phân tích mưa. Vấn đề cơ cấu mùa vụ cũng cần xem xét lại”, ông Hùng cho biết.
Không chỉ hệ thống quan trắc khí tượng, hệ thống cảnh báo sạt trượt hiện vẫn chưa hoàn thiện. Trong điều kiện khoa học kỹ thuật hiện nay của Việt Nam cũng như thế giới chưa thể dự báo sạt lở đất, mà chỉ có thể cảnh báo trên từng khu vực. “Công tác phòng tránh lũ quét, lũ bùn đá, sạt lở thường phòng tốt hơn chống. Việc cảnh báo các tai biến địa chất này chỉ được thực hiện trước từ 3-6 giờ theo khu vực, không thể cảnh báo ở một vị trí cụ thể, không thể biết tại ngọn đồi nào, tuyến đường nào, khu vực nào vào thời điểm nào có thể xảy ra quá trình địa chất động lực này”, PGS.TS. Đỗ Quang Thiên, Phó Chủ tịch Hội Địa chất công trình và môi trường Việt Nam nói.
Liên quan đến việc đánh giá hiệu quả của các dự án điện, nhất là thủy điện nhỏ và vừa, Bộ Công thương đã phối hợp với các bộ, ngành, đưa 472 dự án ra khỏi quy hoạch thủy điện; đồng thời đưa ra khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang các lưu vực sông. Bên cạnh đó, 213 điểm tiềm năng cho phát triển thủy điện cũng được đưa ra khỏi quy hoạch thủy điện theo yêu cầu của Quốc hội, bảo đảm yêu cầu mới cho phát triển. Thừa Thiên Huế cũng đã loại 7 dự án ra khỏi quy hoạch cho thấy thủy điện nhỏ từ lâu không được ủng hộ.
Các dự án thủy điện nhỏ, công trình mới hoàn thành hoặc đang trong thời gian xây dựng hàng năm đều phải lập, rà soát, điều chỉnh, bổ sung và phê duyệt phương án ứng phó thiên tai theo quy định; lập, rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Mặc dù đã có những quy định rõ ràng, song một số chủ đầu tư, chủ đập chưa làm hết trách nhiệm trong việc tổ chức vận hành đúng quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ; công tác phòng chống thiên tai đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Quá trình vận hành tại các thủy điện tuyệt đối phải tuân thủ theo quy định của pháp luật
“Để giám sát công tác đảm bảo an toàn phòng chống lụt, bão đối với các nhà máy thủy điện, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát chặt và công khai quy trình vận hành xả lũ của các công trình thủy điện nhằm bảo đảm an toàn, ổn định cuộc sống của người dân trong khu vực vùng hạ du công trình”, ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công thương cho biết.
Sau sự cố tại Thủy điện Rào Trăng 3 hay Thủy điện Thượng Nhật không chấp hành lệnh, quy định của tỉnh trong vận hành đảm bảo an toàn công trình và Nhân dân trong các đợt lũ vừa qua, dư luận đặt câu hỏi liệu các dự án này còn được phép tiếp tục triển khai, hoạt động nữa hay không và các dự án thủy điện đang thi công khác được xem xét, đánh giá mức độ an toàn và các biện pháp ứng phó thiên tai, lũ lụt như thế nào?
Việc vận hành liên hồ, kết nối các điểm hồ sẽ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để quản lý.
UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương thông tin: “Đối với dự án Thủy điện Rào Trăng 3, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo và Cục Kỹ thuật an toàn & Môi trường công nghiệp – Bộ Công thương đang chỉ đạo chủ đầu tư dự án tổ chức rà soát, đánh giá tổng thể mức độ an toàn của toàn bộ các hạng mục công trình theo quy định. Đối với Thủy điện Thượng Nhật rà soát kỹ lưỡng các tồn tại của dự án, đồng thời phối hợp với đoàn công tác Bộ Công thương kiểm tra kết quả triển khai xử lý khắc phục đảm bảo an toàn vận hành công trình. Trên cơ sở kết quả đánh giá tổng thể mức độ an toàn của toàn bộ các hạng mục công trình dự án Thủy điện Rào Trăng 3 và kết quả khắc phục tồn tại của Thủy điện Thượng Nhật, UBND tỉnh sẽ xem xét đến việc tiếp tục triển khai đưa dự án vào hoạt động. Riêng với Thủy điện Hương Điền, trong mùa khô sắp tới phải có phương án gia cố khu vực sạt lở, bảo đảm an toàn trong tương lai. Chúng ta phải hoàn thiện trang thiết bị, con người. Rà soát lại tất cả các dự án thủy điện trên tinh thần đảm bảo an toàn tuyệt đối”.
Theo ông Phương, tỉnh sẽ có một dự án vận hành liên hồ, kết nối các điểm hồ trên nền tảng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để quản lý. Đối với thủy điện nhỏ sẽ tiếp tục đầu tư kết nối, hỗ trợ năng lực quản lý. Đặc biệt, các công trình thủy điện sẽ được kiểm tra, giám sát thường xuyên, từ việc xây dựng, vận hành của các công trình đến đảm bảo an toàn hồ đập, môi trường sinh thái và thiệt hại cho người dân vùng hạ du.
Có lẽ không cần bàn cãi về hiệu quả kinh tế đối với các công trình thủy điện lớn (về công suất, cột nước, dung tích hồ chứa), song câu hỏi đặt ra là giải pháp nào để tạo ra sự phát triển năng lượng cho quốc gia đồng thời hạn chế tối đa các tổn hại đến môi trường và sinh kế của người dân, đặc biệt là các thủy điện nhỏ. Câu trả lời hợp lý nhất là cần tạo ra một chiến lược đồng thuận trong hợp tác phát triển bền vững.
Điện mặt trời đang là xu thế trong tương lai
“Phải xem xét vấn đề thủy điện nhỏ để tiếp tục hạn chế việc phá rừng. Nghị quyết Quốc hội đã ban hành, những công trình nào lấy đất rừng thì phải trình ra Quốc hội. Với những công trình thủy điện nhỏ nên rất hạn chế", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại buổi thảo luận tổ về tình hình kinh tế -xã hội theo chương trình kỳ họp thứ 10 của Quốc hội vừa qua.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng khẳng định, tuyệt đối không bổ sung bất kỳ một dự án thủy điện nào nếu sử dụng đến diện tích đất rừng tự nhiên...
Ngành năng lượng Việt Nam đã đi đúng hướng trong phát triển và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, cần phải kịp thời bổ sung các quy định phù hợp để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tế. Bên cạnh đó còn có các giải pháp thực hiện trong công tác quy hoạch năng lượng.
Nhân viên Nhà máy Điện mặt trời TTC Phong Điền kiểm tra các thiết bị trước khi vận hành
Tại Thừa Thiên Huế, năng lực phát triển thêm thủy điện gần như không còn. Theo lãnh đạo tỉnh, đối với các dự án đã và đang triển khai sẽ tổ chức rà soát, đánh giá lại trên quan điểm không đánh đổi môi trường bằng các dự án thủy điện. “Ngoài thủy điện, trong tương lai sẽ tính đến các nguồn năng lượng sạch khác như điện gió, điện mặt trời. Trong đó, điện mặt trời rất có tiềm năng, chỉ có điều phải quy hoạch một cách cụ thể trên phương diện giữ gìn cảnh quan, hướng xử lý rác thải… Trong tương lai, nếu khoa học phát triển đến mức có thể giảm giá thành sản xuất và có giải pháp về kỹ thuật hạn chế tác động tiêu cực thì điện mặt trời là xu hướng tốt”, ông Nguyễn Văn Phương cho biết.
Clip lãnh đạo tỉnh nói về giải pháp xây dựng nguồn năng lượng trong tương lai
Nội dung: Lê Thọ - Hải Triều
Hình ảnh: L.Thọ - H.Triều - N.Linh
Thiết kế: Nguyễn Quân