|
Đại diện các tổ chức đơn vị liên quan trao đổi, thảo luận chung quanh về Nghị định 135 của Chính phủ |
Ðại diện Sở Công Thương đã phổ biến các nội dung của Nghị định 135, gồm 4 chương, 26 điều quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được lắp đặt trên mái nhà của công trình nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ sở sản xuất và cơ sở kinh doanh được đầu tư, xây dựng theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó, có 9 chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản xuất, tự tiêu thụ; đồng thời phổ biến các quy định về trách nhiệm của các ban, ngành, đơn vị điện lực địa phương, cũng như chủ đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; các tổ chức, cá nhân phát triển điện mặt trời tự sản xuất, tự tiêu thụ; hồ sơ đăng ký phát triển, thực hiện đầu tư, xây dựng, nghiệm thu, vận hành điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ…
Dịp này, nhiều tổ chức, doanh nghiệp và đơn vị quản lý Nhà nước liên quan đã trao đổi, thảo luận, làm rõ một số vướng mắc về điều kiện cũng như các thủ tục mua bán điện mặt trời; trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về việc theo dõi, xác định sản lượng điện mặt trời; việc tính toán tỷ lệ sản lượng điện mặt trời dư phát lên hệ thống lưới điện; cách tính giá bán điện mặt trời bình quân; xác định tổng công suất điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ tại các địa phương, có đấu nối với hệ thống điện quốc gia và công tác phòng cháy chữa cháy liên quan…
Ông Nguyễn Lương Bảy, Phó Giám đốc Sở Công thương chia sẻ: Thông qua hội nghị này, Nghị định 135/2024/NĐ-CP sẽ đi vào cuộc sống, để người dân, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý liên quan nắm rõ về nội dung, về những điểm mấu chốt để triển khai phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong việc phát triển năng lượng tái tạo, góp phần xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững…