ClockChủ Nhật, 29/05/2022 14:37

Tiếp sức, hỗ trợ nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững

Sáng 29/5, tại TP Sơn La, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La và một số đơn vị tổ chức.

Tìm giải pháp đưa khoa học vào sản xuất nông nghiệp công nghệ caoĐi từng bước vững chắc trong chuyển đổi số nông nghiệp nông thônHướng đến giá trị bền vững cho sản phẩm nông nghiệp

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; hơn 500 đại biểu có mặt trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La, trong đó có khoảng 200 nông dân tiêu biểu đại diện cho hơn 10,2 triệu hội viên nông dân cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022

Hội nghị được truyền trực tuyến tới điểm cầu các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đây là lần thứ tư Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam được tổ chức và đây là Hội nghị đầu tiên trong nhiệm kỳ Chính phủ mới. Với chủ đề “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, thực hiện tầm nhìn phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”, Hội nghị là cơ hội cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân; trao đổi về những khó khăn, vướng mắc, thách thức và các kiến nghị, giải pháp.

Đại diện Ban Tổ chức cho biết: tính đến trước thời điểm diễn ra Hội nghị, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 1.600 câu hỏi là những đề xuất, kiến nghị, trăn trở gửi tới Thủ tướng Chính phủ, thể hiện sự quan tâm, mong chờ của nông dân đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn hiện đại vì một tầm nhìn đưa nông nghiệp Việt Nam nằm trong những nước dẫn đầu của thế giới.

Các câu hỏi, đề xuất, kiến nghị của nông dân với Thủ tướng Chính phủ tập trung vào 8 nhóm vấn đề:

1. Nhóm giải pháp nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch Covid-19, nhất là tình hình giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y...), ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Về vấn đề này, nông dân mong muốn Thủ tướng Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo nhằm bình ổn giá cả vật tư nông nghiệp, giúp nông dân yên tâm sản xuất.

2. Vấn đề đất đai và cơ chế để những người nông dân, hợp tác xã được giao đất lâu dài, ổn định sản xuất; bên cạnh đó là tình trạng sốt đất, trong đó có sốt đất nông nghiệp ở các địa phương.

3. Nhóm câu hỏi về thúc đẩy chuỗi liên kết giữa nhà nông - doanh nghiệp, đặc biệt phát huy vai trò của hợp tác xã nông nghiệp.

4. Nhóm câu hỏi về vốn, tín dụng: Trong thời gian qua các ngân hàng thương mại đã tích cực giải ngân, bố trí nguồn vốn cho tam nông. Song theo phản ánh của nhiều nông dân, việc tiếp cận nguồn vốn còn nhiều khó khăn.

5. Nhóm câu hỏi về môi trường ở nông thôn: nông dân phản ánh, hiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn ngày càng nhức nhối và mong muốn Thủ tướng có giải pháp chỉ đạo để bảo đảm môi trường nông thôn được xanh, sạch.

6. Nhóm câu hỏi về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xây dựng hình ảnh người nông dân văn minh; thúc đẩy du lịch nông thôn, bảo đảm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

7. Nhóm câu hỏi về vấn đề di cư lao động từ nông thôn lên thành phố thành công nhân và giải pháp để ly nông nhưng không ly hương.

8. Các vấn đề, kiến nghị, đề xuất khác như: Tình trạng biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long; nâng cấp và xây mới cơ sở hạ tầng vùng Tây Bắc, phát triển và giữ rừng, công tác khoa học công nghệ với nghiên cứu giống; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...

Các đại biểu nông dân tiêu biểu đại diện cho hơn 10,2 triệu hội viên nông dân cả nước tham dự hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Trên cơ sở đối thoại, Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định các giải pháp, chỉ đạo ngay tại hội nghị nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để nông dân yên tâm đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh; phát huy sự sáng tạo của nông dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu ý kiến khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chào thăm hỏi, lời chúc tốt đẹp nhất tới bà con nông dân cả nước; gửi lời chia sẻ, sự cảm thông sâu sắc của Chính phủ đối với bà con nông dân nói riêng, nhân dân nói chung trong 2 năm qua gồng mình chống đại dịch COVID-19.

Theo Thủ tướng, đại dịch này mang tính toàn cầu, chúng ta không thể chống chọi một mình mà phải kêu gọi đoàn kết quốc tế và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã vượt qua. Đây là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tuy nhiên, chúng ta không thể lơ là, chủ quan bởi không có quốc gia nào an toàn khi còn quốc gia chống dịch, không người dân nào an toàn khi còn người dân nhiễm bệnh.

Thủ tướng nêu rõ, việc tổ chức thành công, an toàn SEA Games 31 vừa qua minh chứng cho thành công trong việc phòng, chống dịch ở nước ta. Đến nay, chúng ta cơ bản kiểm soát tình hình dịch bệnh; tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch. Trong 2 năm qua, chúng ta thấy đại dịch Covid-19 để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng; tình hình thế giới diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, như xung đột Nga-Ukraine, lạm phát ở các nước lớn; chuỗi cung ứng bị đứt gãy, làm cho giá cả đầu vào tăng; đó còn là an ninh lương thực bị đe dọa; các vấn đề như dịch bệnh còn diễn biến phức tạp… Tất cả những điều này tác động sản xuất kinh doanh ở nước ta, tác động trực tiếp người nông dân. "Không còn cách nào khác, chúng ta vẫn phải tiến hành hội nhập, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng thực chất, hiệu quả; nhưng không tự cung tự cấp, cục bộ. Nếu độc lập, tự chủ thì mới chủ động hội nhập quốc tế và ngược lại. Chúng ta cũng không mất bình tĩnh vì những tác động bên ngoài".

Theo Thủ tướng, trong phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ này có việc phát triển kinh tế nông nghiệp. Chính phủ thông cảm và thấu hiểu những khó khăn người nông dân đang đối mặt hằng ngày hằng giờ. Chúng ta phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, từ đó đặt ra các vấn đề cơ bản để giải quyết. Điều quan trọng là chúng ta tìm ra giải pháp phù hợp, thích ứng thực tiễn để hóa giải những khó khăn, phát huy tối đa những thuận lợi, nội lực, thành tựu để tự tin phát triển, không hoang mang dao động. Vấn đề là chúng ta tiếp cận những khó khăn như thế nào, hóa giải ra sao. Điều quan trọng nữa là cần phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất; các bộ, ngành, cơ quan trong hệ thống chính trị phối hợp chặt chẽ hơn dưới sự lãnh đạo của Đảng để cùng ngành nông nghiệp, nông dân giải quyết những khó khăn hiện hữu.

Theo Thủ tướng, qua 3 Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân những năm vừa qua, chúng ta cần xem lại những gì làm tốt, chưa làm tốt để rút kinh nghiệm làm tốt hơn. Sau mỗi cuộc đối thoại lại có tiến bộ, mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế nói chung, cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói riêng.

Thủ tướng chia sẻ, trong một cuộc đối thoại không thể giải quyết hết vấn đề, do đó phải tiếp tục kêu gọi các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết, đồng thời người nông dân cũng phải vươn lên mạnh mẽ.

Thủ tướng nhấn mạnh, các vấn đề từ cơ chế, chính sách, thể chế, tổ chức thực hiện đều do con người. Con người là yếu tố quan trọng nhất, cùng với đó là yếu tố thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa. "Chúng ta có di sản thì phải chuyển thành tài sản, động lực để phát triển. Chúng ta phải xác định nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, nguồn lực bên ngoài là đột phá; coi trọng đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Chúng ta dựa vào nội lực là chính, nhưng không bỏ qua ngoại lực".

Theo Thủ tướng, vừa qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đưa ra những vấn đề lớn như tiếp tục đổi mới công nghệ, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực cho sự phát triển; đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, bởi không thể phụ thuộc vào một số thị trường, không phụ thuộc vào một số loại sản phẩm. Cần phối hợp chặt chẽ giữa công nghiệp với nông nghiệp, lấy công nghiệp làm nền tảng cho nông nghiệp; công nghiệp hóa nông nghiệp; kết nối các chuỗi giá trị, thích ứng biến đổi khí hậu; chú trọng bảo vệ môi trường.

Thủ tướng chỉ đạo, trong tình hình hiện nay rất khó khăn, chúng ta cần hết sức bình tĩnh, không nóng vội, không cầu toàn. Cần bình tĩnh nắm chắc tình hình để đưa ra đối sách phù hợp. Thực hiện đường lối đối ngoại tự chủ kết hợp hội nhập quốc tế. Cuộc đối thoại này diễn ra trên tinh thần hết sức thẳng thắn, chân thành, tình cảm, trách nhiệm, đổi mới. Những gì thuộc thẩm quyền các cấp thì các cấp phải giải quyết, người nông dân tiếp tục góp ý. Mỗi người phải có trách nhiệm trên cương vị của mình để giải quyết, chia sẻ khó khăn, thách thức, làm hết trách nhiệm, vượt qua chính mình; tránh kêu ca phàn nàn. Nhưng gì chưa rõ, thực tiễn còn ý kiến khác nhau, thì chúng ta mạnh dạn làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội; tự tin, bình tĩnh để giải quyết mọi vấn đề.

* Trước giờ khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã đến dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ và trồng cây lưu niệm ở Quảng trường Tây Bắc, TP Sơn La.

Theo nhandan.vn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Công bố hoàn thành Dự án Bảo tồn, tu bổ di tích Hải Vân Quan

Ngày 21/12, tại di tích Hải Vân Quan, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP. Đà Nẵng tổ chức lễ Công bố hoàn thành dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích Quốc gia Hải Vân Quan.

Công bố hoàn thành Dự án Bảo tồn, tu bổ di tích Hải Vân Quan
Chung sức kiến tạo diện mạo nông thôn

Trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, phong trào hiến đất làm đường, chỉnh trang khu dân cư đã trở thành điểm nhấn, góp phần tạo diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại.

Chung sức kiến tạo diện mạo nông thôn
Phục hồi đường bờ biển, bảo vệ khu dân cư

Các dự án (DA) đê ngầm giảm sóng và kè chống sạt lở trong bờ đang từng bước giúp phục hồi đường bờ biển và hình thành bãi biển ổn định, nhằm bảo vệ an toàn cho người dân tại các khu dân cư tập trung và phát triển du lịch địa phương.

Phục hồi đường bờ biển, bảo vệ khu dân cư
IMF: Các nền kinh tế châu Á “đủ sức chống chịu với biến động”

Các nhà kinh tế từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, các nền kinh tế châu Á đủ sức chống chịu với biến động và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vượt qua các thách thức một cách bình tĩnh, trong bối cảnh khu vực này đang phải đối mặt với nhiều rủi ro nội bộ khác nhau bên cạnh việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ quay trở lại Nhà Trắng.

IMF Các nền kinh tế châu Á “đủ sức chống chịu với biến động”
Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

Nguồn vốn tín dụng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Lộc đã hỗ trợ cho nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục theo đuổi ước mơ học tập, kiến tạo tương lai.

Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

TIN MỚI

Return to top