ClockThứ Sáu, 24/02/2023 14:57

Tốn kém và phiền toái không cần thiết

TTH - Đăng kiểm xe cơ giới là hoạt động đánh giá chất lượng, mức độ an toàn kỹ thuật của xe và bảo vệ môi trường theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định của pháp luật. Tuy nhiên nhiều người cho rằng, xe mua mới vẫn phải đăng kiểm là phiền toái và gây tốn kém không cần thiết. Bởi khi một chiếc xe mới xuất xưởng đã đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn về chất lượng an toàn kỹ thuật.

Đăng kiểm xe cơ giới: Không để ùn ứ phương tiệnChặn tiêu cực đăng kiểm xe cơ giới“Phân luồng” trong đăng kiểm xe cơ giới

Hoạt động tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Thừa Thiên Huế

Phiền hà, tốn kém

Trước Tết Nguyên đán Quý Mão, anh Nguyễn Văn Hiếu (phường An Đông, TP. Huế) mua chiếc xe Toyota Cross để đưa gia đình đi chơi, chở con đi học. Dù xe mua mới hoàn toàn, nhưng anh vẫn phải đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tỉnh để đăng kiểm. Anh Hiếu chia sẻ, không chỉ tốn kém không cần thiết mà còn mất thời gian chờ đợi để vào đăng kiểm. Anh đồng ý việc phải đăng kiểm để đánh giá chất lượng xe, nhằm bảo đảm chất lượng khi xe tham gia giao thông, nhưng với xe mua mới hoàn toàn có cần phải áp dụng một cách máy móc như vậy không?

Sau Tết, chị Hoàng Diệu Ly (thị trấn Phong Điền, Phong Điền) cũng mua chiếc xe Hyundai Grand i10 mới để làm phương tiện đi lại hàng ngày, nhưng chị cũng mất gần cả buổi để lấy được giấy chứng nhận đăng kiểm.

"Việc bắt buộc xe mới, vừa lăn bánh từ hãng sản xuất mà đi đăng kiểm là không hợp lý, gây tốn kém không cần thiết và phải chờ đợi rất mất thời gian. Xe mới nên được miễn đăng kiểm trong thời gian 1-3 năm đầu tính từ ngày sản xuất" - chị Ly nói.

Một đồng nghiệp của tôi vừa "bóc thùng" chiếc Kia Seltos mới cóng cho rằng: "Một chiếc ô tô mới 100% khi được xuất xưởng thì các hãng xe đã phải đảm bảo đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn về chất lượng trước khi lăn bánh. Thế nhưng những chiếc xe này vẫn bắt buộc kiểm định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường mới được ra đường là không hợp lý". Theo anh, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nên xem xét quy định đang bất cập trên, bởi hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đều miễn đăng kiểm lần đầu đối với phương tiện xe cơ giới trong những năm đầu. Đơn cử như Hàn Quốc miễn đăng kiểm xe mới trong 2 năm, ở Thái Lan và Nhật Bản là 3 năm; tại Mỹ, Anh là 4 năm. Sau thời hạn đó, phương tiện mới phải đưa đi kiểm định. Còn tại Việt Nam, xe mới muốn lăn bánh, phải có giấy kiểm định là không hợp lý.

Đề xuất bãi bỏ

Thời gian gần đây, nhiều thông tin phản ánh về tình trạng xe mới cũng phải đăng kiểm là quy định vô lý, gây phiền toái, lãng phí tiền bạc được ban, ngành chức năng liên quan đã đón nhận. Tháng 6/2022 vừa qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có khảo sát đánh giá tác động kết hợp với nghiên cứu các yếu tố kỹ thuật và dữ liệu thực tế. Qua 6 tháng nghiên cứu thực tiễn, kết quả cho thấy tỷ lệ không đạt của nhóm phương tiện mới này rất thấp (chỉ từ 0,17-0,31%). Do vậy, việc miễn đăng kiểm cho xe mới là hợp lý. Trước đó Cục Cảnh sát giao thông cũng đã từng có đề xuất này.

Từ kết quả này, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã trình Bộ GTVT phương án thực hiện miễn đăng kiểm lần đầu cho ô tô mới trong thời gian 1 năm kể từ năm sản xuất, nhưng vẫn tiến hành lập hồ sơ để quản lý.

Thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, phương án này đã được Cục đăng ký vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 của Bộ GTVT và đang thực hiện các bước xây dựng dự thảo bổ sung, sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12/8/2021 của Bộ GTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông. Dự kiến áp dụng vào đầu tháng 3/2023.

Mặc dù khi thực hiện miễn đăng kiểm xe mới lần đầu cho các xe ô tô mới có thể sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của các đơn vị đăng kiểm, nhưng phương án này vẫn được Cục Đăng kiểm Việt Nam cho là khả thi, đồng thời tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền của rất lớn của người dân, xã hội.

 Thực tế với thị trường ô tô mới hiện nay bán ra ở mỗi tỉnh, thành lên hàng nghìn chiếc/năm và tất cả đều phải đăng kiểm với lệ phí hiện hành từ 340-610 nghìn đồng/xe, thì số tiền mà người dân, doanh nghiệp bỏ ra lên đến hàng trăm tỷ đồng, chưa kể các chi phí khác...

Hiện mức phạt với phương tiện không có chứng nhận đăng kiểm xe khá cao. Theo Điều 16, Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, ô tô có giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện quá hạn dưới 1 tháng sẽ bị phạt từ 2-3 triệu đồng; quá hạn trên 1 tháng phạt từ 4-6 triệu đồng, đồng thời bị tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng. Do mức phạt cao, nên dù tốn kém, phiền toái mất thời gian nhưng nhiều người mua xe mới vẫn phải chấp hành việc đưa xe đi đăng kiểm.

Bài, ảnh: SONG MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trận chiến cần thiết và không khoan nhượng

Đăng kiểm bê bối như thế, chả trách, cuộc chiến với vấn nạn tai nạn giao thông; nỗ lực kéo giảm số người chết, người bị thương do tai nạn giao thông hàng năm vẫn tiếp tục nhọc nhằn đến vậy.

Trận chiến cần thiết và không khoan nhượng
Quản là cần thiết, nhưng theo cách nào?

Tổng cục Quản lý Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất kiến nghị bổ sung chế tài xử phạt trường hợp đặt cọc, sau đó bỏ cọc để hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để đầu cơ, thổi giá.

Quản là cần thiết, nhưng theo cách nào
Bố trí cán bộ lãnh đạo sau khi bị kỷ luật là cần thiết

Ngày 8/9/2022, Bộ Chính trị ra Thông báo 20-TB/TW kết luận về chủ trương bố trí công tác cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. Đây là đột phá về công tác quản lý, sử dụng cán bộ, tháo gỡ vướng mắc khi cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật, không còn đủ uy tín.

Bố trí cán bộ lãnh đạo sau khi bị kỷ luật là cần thiết

TIN MỚI

Return to top