Mô hình nuôi cá chạch lấu của anh Hùng
Anh Hùng chia sẻ, với anh chuyện nuôi cá không chỉ là điều kiện kinh tế mà còn là niềm đam mê. Tuy nhiên, việc lựa chọn loại cá nào đưa vào nuôi phù hợp với thời tiết, khí hậu ở vùng núi Nam Đông và nhu cầu tiêu thụ mới là điều quan trọng. Sau nhiều năm nghiên cứu, học tập ở các tỉnh phía nam, anh Hùng nhận thấy ở địa phương có nguồn nước sạch từ các khe suối tự nhiên, khí hậu mát mẻ là điều kiện thuận lợi lớn đối với loài cá chạch lấu.
Theo anh Hùng, qua tìm hiểu không chỉ ở huyện Nam Đông mà cả nhiều nơi khác hiện đang tiêu thụ một lượng lớn cá da trơn như chạch, chình… tại các quán ăn, nhà hàng, khách sạn. Trong khi cá chạch lấu cũng như một số loài cá ở khe suối tự nhiên đang bị khai thác quá mức, có nguy cơ cạn kiệt thì việc nuôi cá phục vụ nhu cầu tiêu thụ là cần thiết.
Từ năm 2021, anh Hùng quyết định đào ao hồ với diện tích ban đầu 200m2 mặt nước để nuôi cá chạch lấu. Sau một thời gian nuôi, thấy cá chạch lấu phù hợp với điều kiện thời tiết, sinh trưởng và phát triển tốt, anh tiếp tục đầu tư nghiên cứu, chuyển sang nuôi bể xi măng với tổng diện tích hiện có 500m2.
Dù ban đầu các điều kiện kỹ thuật, chăm sóc chưa thật sự tốt, chủ yếu chỉ thỏa mãn niềm đam mê, nhưng mô hình nuôi cá chạch lấu thật sự mang lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, cá đạt trọng lượng thương phẩm bình quân 3 con/kg, bắt đầu xuất bán, với sản lượng còn hạn chế nên chủ yếu tiêu thụ trên địa bàn huyện và một số địa phương lân cận. Theo giá thị trường hiện nay, một kg cá chạch lấu dao động từ 400 – 450 ngàn đồng. Lứa nuôi đầu tiên, trừ mọi chi phí lãi trên 50 triệu đồng.
Anh Hùng khẳng định, mô hình nuôi cá chạch lấu thật sự mang lại hiệu quả, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu tại địa phương nói riêng và trên địa bàn huyện Nam Đông nói chung. Tỷ lệ cá sống hơn 70%, năng suất, giá bán sản phẩm khá cao chính là lợi thế lớn để có thể nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện. Mô hình góp phần nâng cao thu nhập và tạo công việc ổn định cho người dân, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Trong khi nhân rộng mô hình, yêu cầu đặt ra hiện nay là nguồn giống tại chỗ phải đáp ứng nhu cầu người dân. Anh Hùng đang tiếp tục nghiên cứu sản xuất nguồn giống phục vụ nhu cầu nhân rộng mô hình của gia đình, kết hợp hỗ trợ bà con địa phương về kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cá chạch lấu để tổ chức sản xuất tại địa phương trong thời gian đến. Trước mắt, anh Hùng sẽ nhập giống từ các tỉnh phía nam về phục vụ nhu cầu nuôi tại địa phương.
Chủ tịch UBND huyện Nam Đông - Trần Quốc Phụng nhận định, điều kiện khí hậu, thời tiết ở Nam Đông phù hợp với nhiều loại thủy sản, nhưng lâu nay người dân chủ yếu nuôi các loại cá có giá trị kinh tế thấp. Diện tích ao hồ toàn huyện hiện có trên 72ha, sản lượng bình quân mỗi năm ước đạt trên dưới 100 tấn, chủ yếu các loại cá trắm cỏ, mè, chép, rô phi... Mô hình nuôi cá chạch lấu của anh Hùng được huyện đánh giá cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, mở ra triển vọng mới trong nuôi trồng thủy sản...
Bài, ảnh: Triều Dũng