|
|
Sản xuất các đơn hàng dệt may phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Đơn hàng chững lại, xuất khẩu sang nhiều thị trường nước ngoài gặp khó khăn do sức mua giảm. Vì vậy, theo Bộ Công Thương, việc phát triển mạnh thị trường trong nước làm trụ đỡ để các doanh nghiệp cân bằng hoạt động sản xuất-kinh doanh, lấy đà tăng trưởng.
Sức mua thế giới giảm
Theo đại diện Bộ Công Thương, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn đã tiếp tục ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 4/2023. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 210,79 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 16,6%).
Đáng chú ý, xuất khẩu của các doanh nghiệp đều giảm mạnh, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 28,58 tỷ USD, giảm 11%, còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 79,99 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ ra nguyên nhân, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm.
Trong khi đó, các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu.
Bên cạnh việc giảm lượng, so với cùng kỳ giá xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản (nhân điều, cà phê, hạt tiêu, cao su…) giảm; giá xuất khẩu dầu thô, sản phẩm xăng dầu, các loại quặng, phân bón, sắt thép cũng giảm đã tác động đến tốc độ tăng giá trị sản xuất và xuất khẩu hàng hóa nói chung.
Thống kê cho thấy, xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn đều giảm trong 4 tháng vừa qua.
Đơn cử, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 28,45 tỷ USD, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 21% so với cùng kỳ; tiếp đến là Trung Quốc đạt 16,4 tỷ USD, giảm 7,9%; thị trường EU đạt 13,66 tỷ USD, giảm 14,1%; thị trường ASEAN đạt 11,1 tỷ USD, giảm 1,3%; Hàn Quốc đạt 7,8 tỷ USD, giảm 6,9%; Nhật Bản đạt 7,3 tỷ USD, giảm 0,9%...
Tập trung phát triển thị trường trong nước
Từ nhiều năm qua, việc tập trung phát triển thị trường trong nước luôn được Chính phủ, Bộ Công Thương chú trọng đẩy mạnh, nhờ đó khi thị trường nước ngoài gặp khó khăn do tác động tiêu cực từ suy thoái kinh tế thế giới, việc phát triển thị trường nội địa là giải pháp hữu hiệu để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, giai đoạn vừa qua, kênh xúc tiến thương mại là công cụ hiệu quả cho việc triển khai mục tiêu dài hạn cũng như ngắn hạn cho thị trường trong nước.
Với tiềm năng rất lớn, để phát triển thị trường nội địa, Bộ Công Thương đã triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua: Kích thích tiêu dùng; Tăng chi tiêu của Chính phủ; Đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa thông qua khuyến khích các hệ thống phân phối hiện đại tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạnh thương mại điện tử; Thực hiện hiệu quả Chương trình đẩy mạnh đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tại các địa phương.
- Cơ cấu hàng xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2023:
Thực tế cho thấy, những giải pháp kích cầu đã tạo ra sức lan tỏa cho thị trường nội địa. Rõ rệt nhất, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2023 tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 3,9%)... Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa trong 4 tháng đầu năm 2023 tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,4%).
Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Giám đốc điều hành toàn quốc siêu thị Winmart (Công ty WinCommerce) cho biết doanh nghiệp luôn ưu tiên và chủ động đến từng địa phương để tìm kiếm sản phẩm mới, kết nối để đưa những đặc sản địa phương, đặc sản vùng miền vào hệ thống chuỗi cửa hàng, siêu thị.
“Ngoài đảm bảo các tiêu chuẩn chung khi đưa hàng vào tất cả các siêu thị như đảm bảo về vệ sinh, an toàn chất lượng sản phẩm, công khai minh bạch nguồn gốc xuất xứ sản phẩm; thì WinCommerce đặc biệt quan tâm đến doanh nghiệp có định hướng phát triển sản phẩm rõ ràng, có chiều sâu chất lượng, chủ động trong công tác marketing,” ông Tuấn nhấn mạnh.
Để thúc đẩy phát triển sản xuất và hỗ trợ doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh việc tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu.
Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua các giải pháp về ổn định thị trường tài chính, tiền tệ tháo gỡ khó khăn về vốn (như: rà soát để tiếp tục đề xuất miễn giảm một số khoản thuế, phí) và giải pháp về tiền tệ (tạo thuận lợi trong tiếp cận tín dụng), tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp khu vực chế biến, chế tạo có thêm nguồn lực để phục hồi và phát triển.