Việt Nam đang nhập khẩu lớn từ Trung Quốc
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm, theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 20,6 tỉ USD, giảm 2,6% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng, ước đạt 78,05 tỉ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Về thị trường hàng hoá nhập khẩu, 4 tháng, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 22,3 tỉ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, điện tử, máy tính và linh kiện tăng 80,9%; máy móc, thiết bị tăng 28,5%; vải tăng 13,3%... Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc, ASEAN và Nhật Bản.
Về xuất khẩu 4 tháng, Mỹ đang là thị trường số 1 với kim ngạch 17,8 tỉ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ. Trong đó, điện thoại và linh kiện tăng 104,9%; giày dép tăng 9,4%; dệt may tăng 8,5%.
Tính chung, 4 tháng đầu năm 2019, ước tính nền kinh tế xuất siêu 711 triệu USD, song con số này giảm rất mạnh so với 3,7 tỉ USD của 4 tháng năm 2018.
Liên quan đến vốn đầu tư nước ngoài (FDI), từ đầu năm đến 20.4, Việt Nam thu hút 1.082 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký 5,34 tỉ USD, tăng 22,5% về số dự án, tăng 50,4% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số vốn đăng ký và cấp mới tăng thêm trong cả 4 tháng đạt hơn 7,4 tỉ USD. Vốn FDI thực hiện đạt 5,7 tỉ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ.
Trong số 51 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 4 tháng, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với hơn 1,3 tỉ USD, chiếm 24,6% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Trung Quốc dẫn đầu về vốn FDI do quốc gia này đã triển khai dự án chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR tại Tây Ninh, tổng vốn đầu tư đăng ký 280 triệu USD.
Theo Thanh niên