Theo giới chuyên môn, GMP là một trong những cơ sở để người sản xuất xây dựng, áp dụng hệ thống đảm bảo luật, nghị định về an toàn vệ sinh thực phẩm, là một trong những tấm “thẻ căn cước, giấy thông hành” buộc phải có nếu cơ sở sản xuất, doanh nghiệp muốn gia nhập các thị trường thương mại thế giới...
Xu hướng hội nhập thông qua các hiệp định thương mại khu vực, quốc tế đang mở ra nhiều cơ hội cho sản phẩm trong nước, trong đó có Thừa Thiên Huế, khi ngay cả những mặt hàng đơn thuần như lá chuối, con hến cũng có thể có mặt trong các siêu thị ở Mỹ.
Tuy nhiên, để gia nhập được các thị trường lớn khó tính, sản phẩm đồng thời phải vượt qua không ít rào cản về điều kiện pháp lý, chưa kể yếu tố cạnh tranh về chủng loại, chất lượng, giá cả, mẫu mã...
Điều đáng trăn trở đối với sản phẩm trên địa bàn tỉnh hiện nay là không ít cơ sở sản xuất, doanh nghiệp vẫn còn bỡ ngỡ, chưa tiếp cận được điều kiện cơ bản tối thiểu trong hội nhập là gắn nhãn truy xuất nguồn gốc cho hàng hóa, trong khi thông tin truy xuất nguồn gốc được xem như tấm thẻ căn cước định danh sản phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, vô cùng cần thiết cho người sản xuất lẫn tiêu dùng và đây cũng là một công cụ chống hàng giả, hàng nhái.
Theo nguồn tin từ Sở Khoa học Công nghệ, hiện cả tỉnh có gần 6.000 doanh nghiệp song số đơn vị quan tâm đến hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa còn khá khiêm tốn.Ngay cả việc áp dụng công nghệ dùng mã QR hay mã vạch bằng cách in sẵn lên bao bì sản phẩm hoặc in tem chứa mã QR dán lên sản phẩm để dùng ứng dụng quét mã trên điện thoại thông minh cũng chưa được phổ biến, chỉ mới dừng lại ở một vài sản phẩm địa phương như Zèng A Lưới, mật ong Nam Đông, rau má Quảng Điền, sen Huế, dầu lạc, các sản phẩm tiêu biểu của hai Công ty TNHH MTV nông sản hữu cơ Quế Lâm và Công ty TNHH MTV hữu cơ Huế Việt. Đây rõ ràng là một sự chậm chân, tự đánh mất cơ hội trong xu thế 4.0 và hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhiều nguyên nhân về sự thờ ơ, không quan tâm của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đã được chỉ ra như e ngại chi phí đầu tư cao, tốn kém nhân lực; quy mô sản xuất nhỏ; thiếu sự liên kết... Đây cũng là những rào cản khiến Thừa Thiên Huế vốn có dư địa về đặc sản nông nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa có sản phẩm nào được xuất theo đường chính ngạch, dù một số mô hình liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) đã được tiến hành.
Dù cho nguyên nhân xuất phát từ nhận thức người sản xuất, năng lực sản xuất hay sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng chưa mạnh... thì lỗ hổng đã thấy trong hoạt động sản xuất hàng hóa ở tỉnh ta-nhìn từ góc độ cái giấy thông hành (mã vạch, nhãn truy xuất nguồn gốc...) - đang cho thấy những rào cản nội tại.
Nếu không trang bị tốt hành trang để hội nhập, sản phẩm trong tỉnh khó tiếp cận thị trường. Chưa nói đến những thị trường khắt khe như châu Âu, ngay cả thị trường dễ tính, nghiêng về tiểu ngạch như Trung Quốc cũng đang có những thay đổi, đòi hỏi khắt khe hơn về nguồn gốc, chất lượng đối với hàng nhập khẩu mà trước hết là yêu cầu về mã vạch, nhãn xác định nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.
Kim Oanh